Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc. Ảnh: Bussiness Insider.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng đinh, mọi hoạt động của các bên phải đóng góp vào mục tiêu chung duy trì hòa bình ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Trung Quốc cho biết, trọng tâm chiến lược của tàu sân bay Sơn Đông là khu vực Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, tự do hàng hải ở Biển Đông là quyền và các lợi ích của các quốc gia được quy định bởi công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật ở khu vực Biển Đông là mục tiêu, lợi ích nguyện vọng và trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Tuấn Mark.
“Mọi hoạt động của các bên phải đóng góp vào mục tiêu chung này”, bà Hằng nhấn mạnh.
Hồi cuối năm ngoái, truyền thông Trung Quốc đưa tin, ước này đã đưa vào biên chế tàu sân bay thứ hai của nước này, đồng thời là tàu sân bay tự chế đầu tiên – mang tên Sơn Đông.
Theo truyền thông Trung Quốc, tàu sân bay Sơn Đông sẽ được sử dụng cho chiến đấu, chủ yếu nhằm mục đích chiếm quyền kiểm soát trên biển, chứ không tập trung vào huấn luyện như tàu sân bay Liêu Ninh.
“Khu vực tập trung chiến lược chính của Sơn Đông sẽ là vùng biển quanh Biển Đông”, SCMP trích dẫn từ bài xã luận đăng trên tài khoản mạng xã hội liên kết với Nhân dân Nhật báo cho hay.
Đề cập tới hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông của các nước khác trong thời gian qua, bài xã luận nhấn mạnh: “Nhóm tác chiến tàu sân bay do Sơn Đông dẫn đầu cũng sẽ được triển khai ở Biển Đông. Nhiều khả năng nhóm này sẽ phải chạm trán trực diện với các tàu bè của quân đội nước ngoài”.
“Sơn Đông nhắm tới mục đích làm chủ cả trời lẫn biển”, truyền thông Trung Quốc hung hăng tuyên bố.
Chuyên gia của Japan Times cho rằng, việc chọn Hải Nam làm cảng nhà được xem như thông điệp Bắc Kinh sẽ không nhún nhường ở khu vực Biển Đông.
Lan Hương , theo Trí Thức Trẻ