Ảnh minh họa: AP
Những ca bệnh “ẩn” – những người chủ quan trước các biểu hiện bệnh lý nhẹ và không đến bệnh viện xét nghiệm – có thể khiến tình hình dịch viêm phổi do virus corona thêm phức tạp.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (2019 – nCoV), nhiều chuyên gia y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ của những ca bệnh “ẩn” có thể gây trở ngại cho những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng con số hơn 31.000 ca nhiễm bệnh (theo số liệu ngày hôm nay, 7/2) có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, The Guardian đưa tin.
Vậy, thế nào là những ca bệnh “ẩn”? Đó là những người chủ quan trước những triệu chứng nhẹ, những triệu chứng gần giống cảm cúm thông thường, và không tìm đến bác sĩ, do đó những trường hợp này không được xét nghiệm và không được chính quyền địa phương theo dõi, ông Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ) cho biết.
Theo ông Frieden, với đặc điểm lây lan nhanh của virus nCoV, những ca bệnh “ẩn” nói trên có thể khiến tình hình dịch bệnh khó kiểm soát hơn nhiều, và số ca bệnh còn có thể lớn hơn nhiều.
Tiến sĩ Nathalie MacDermott, giảng viên lâm sàng tại trường Đại học King, London, cho biết: “Tỉ lệ tử vong hiện nay được tính dựa trên số ca đã được xác nhận nhiễm bệnh. Tuy nhiên, con số này chưa chính xác, do nhiều trường hợp mới có biểu hiện nhẹ của bệnh vẫn chưa được xác định.”
Ví dụ, nếu có 400 ca tử vong và 20.000 ca xác nhận nhiễm bệnh, thì tỉ lệ tử vong là 2%. Tuy nhiên, giả sử có 75.000 ca nhiễm bệnh, thì tỉ lệ tử vong chỉ là 0,5%, theo bà MacDermott.
Những ca bệnh nhẹ có thể khiến việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn, vị Tiến sĩ này nhận định.
Khi được hỏi về mức độ hiệu quả của những biện pháp Trung Quốc đã thực hiện nhằm ngăn chặn virus nCoV, bà MacDermott cho biết hiện vẫn còn quá sớm để bình luận về điều này, đặc biệt là do thời gian báo cáo chậm trễ có thể thay đổi tình hình.
“Chúng ta vẫn chưa thấy được tác động rõ ràng trong thời điểm hiện tại. Chúng ta sẽ cần theo dõi thêm khoảng ít nhất 1 tháng nữa”, theo Tiến sĩ MacDermott.
Ảnh minh họa. Nguồn: LiveMint
“Tình hình Vũ Hán khó có thể xảy ra tại những quốc gia khác”
Tuy nhiên, việc virus lây nhiễm theo cấp số nhân tại những thành phố ngoài lãnh thổ Trung Quốc khó có thể xảy ra, bà MacDermott cho biết. “Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa ghi nhận sự bùng phát đáng kể ngoài lãnh thổ Trung Quốc, và chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát những ca bệnh ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ tình hình Vũ Hán sẽ khó có thể xảy ra tại những quốc gia khác.”
Giáo sư David Heymann, người đứng đầu bộ phận phụ trách bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại thời điểm dịch SARS bùng phát, đã kêu gọi mọi người hết sức thận trọng, bởi thời điểm hiện tại vẫn còn là quá sớm để đưa ra đánh giá chính xác về quy mô và tốc độ lây nhiễm của virus nCoV.
“Điều quan trọng là những ca bệnh ngoài lãnh thổ Trung Quốc”, ông Heymann nói.
“Tại Trung Quốc, hệ thống của họ đang quá tải và gặp nhiều vấn đề. Việc quản lý bệnh nhân phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đối với một bệnh nhân ngoài lãnh thổ Trung Quốc, chúng ta có thể theo dõi trường hợp đó và biết được những người xung quanh bị lây nhiễm như thế nào qua việc quan sát tốc độ sản sinh của virus và những biểu hiện bệnh lý”.
26 quốc gia (có người nhiễm nCoV ngoài Trung Quốc) chính là những phòng thí nghiệm để chúng ta hiểu rõ hơn về quy mô bùng phát dịch bệnh và biểu hiện bệnh lý ở những người nhiễm bệnh”, theo Giáo sư Heymann.
Hiện nay tỉ lệ lây nhiễm virus corona được ước tính ở khoảng 2,6 – 2,68.
Giáo sư Heymann cho biết: “Các nhân tố rủi ro bao gồm khả năng lây nhiễm – tốc độ sản sinh virus – và những tác nhân lây nhiễm, ví dụ như qua chất thải của người, hay do việc không rửa tay và cả con đường trực tiếp như hắt hơi”.
Cuối tuần trước, các quan chức Trung Quốc vẫn chỉ tập trung vào những ca bệnh nặng. Nhưng hiện nay, các chuyên gia bắt đầu chú ý nhiều hơn tới những ca bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, theo Giáo sư Heymann.
Hồng Anh, theo Trí Thức Trẻ