Ảnh minh họa. Nguồn: Getty
Các nhà khoa học, chuyên gia và các y bác sĩ trên toàn thế giới đang gấp rút tìm hiểu về chủng virus corona mới, trong khi số ca tử vong và nhiễm bệnh vẫn tiếp tục tăng lên.
Trong khi các bác sĩ và chuyên gia chủ yếu tập trung thu thập mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi để xét nghiệm virus corona (2019 – nCoV), dường như họ đã bỏ quên một nguồn phát tán bệnh ‘thầm lặng’ hơn, ít được chú ý hơn, nhưng cũng nguy hiểm không kém, đó là phân người, theo Bloomberg.
Cụ thể, trường hợp đầu tiên được xác nhận nhiễm virus corona ở Mỹ đã được phát hiện qua phân lỏng, chứ không phải dịch nhầy đường hô hấp hay dịch phổi. Đây là điều chưa từng thấy trong các ca bệnh tại thành phố Vũ Hán (thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) – nơi đầu tiên bùng phát dịch virus corona.
Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học và y bác sĩ từng nghiên cứu về loại virus này hay virus SARS, thì đây không phải là phát hiện quá bất ngờ.
17 năm trước, khi thế giới đối mặt với Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS), các nhà khoa học đã ghi nhận khoảng 10-20% số bệnh nhân nhiễm bệnh này có triệu chứng tiêu chảy, và đã xác nhận phân người là một trong những nguồn lây bệnh.
Theo Giáo sư Fang Li tại đại học Minnesota, Mỹ, virus SARS và virus Vũ Hán có đặc điểm chung là sử dụng các thụ thể protein có hình dạng đặc biệt trong phổi và ruột để xâm nhập vào tế bào. Hai cơ quan nội tạng này cũng là mục tiêu chính của các loại virus gây suy hô hấp này.
Việc virus corona được phát hiện trong phân người là điều “khá thú vị”, ông Scott Lindquist, nhà dịch tễ học phụ trách về các bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Mỹ cho biết.
Khẩu trang chưa chắc đã ngăn được virus
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định chính xác cách virus corona lây nhiễm từ người sang người, tuy nhiên họ cho rằng có khả năng cao loại virus này lây lan qua giọt chứa – được phát tán khi người nhiễm bệnh ho, hắt xì hoặc dính lên bàn tay, bề mặt đồ vật.
Kết luận nói trên đã khiến nhiều người đổ xô tích trữ khẩu trang để phòng bệnh. Tuy nhiên, theo ông John Nicholls, Giáo sư lâm sàng về bệnh lý học tại Đại học Hồng Kông, việc đeo khẩu trang sẽ không đem lại tác dụng nếu loại virus này có khả năng lây truyền qua đường phân – miệng (fecal-oral route).
Người Hồng Kông xếp hàng dài chờ mua khẩu trang. Ảnh: Bloomberg
Tại Trung Quốc hiện nay vẫn còn nhiều nơi sử dụng bệ xí xổm, không được che chắn hoàn toàn, đặc biệt là nếu mọi người không rửa tay kĩ lưỡng với xà phòng sau khi đi vệ sinh, thì virus hoàn toàn có thể phát tán qua đường này, ông Nicholls cho hay.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng không phải khẩu trang – mà thay vào đó việc vệ sinh cá nhân và rửa tay sạch sẽ mới là biện pháp phòng tránh bệnh tối ưu – sau khi những trường hợp bị lây nhiễm virus SARS qua đường phân-miệng tại Hồng Kông được phát hiện vào năm 2003.
“Tôi nghĩ rằng điều đó có thể đã xảy ra tại Vũ Hán, bởi [loại virus corona mới] cũng sử dụng thụ thể protein giống virus SARS, nên rất có thể chúng cũng phân bào trong ruột người giống virus SARS”, ông Nicholls phân tích.
Hiện ông Nicholls và các đồng nghiệp tại trường Đại học Hồng Kông đang tiến hành thử nghiệm trên mô tế bào người để tìm hiểu cách virus corona phân bào.
Trong khi đó, một số trường hợp xuất hiện triệu chứng tiêu chảy khi nhiễm virus corona đã được nhiều bác sĩ tại Vũ Hán xác nhận, dù phần lớn các trường hợp này là người ở nơi khác, ví dụ như một gia đình ở Thâm Quyến và ca bệnh đầu tiên ở Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Ralph Baric, giáo sư vi sinh học và miễn dịch học tại Đại học Y tế Công cộng Toàn cầu thuộc Đại học Bắc Carolina, Mỹ, cho rằng các bác sĩ ở Vũ Hán đang bị quá tải vì số lượng bệnh nhân nhập viện, nên có thể họ đã bỏ quên dấu hiệu này.
Tổng số ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc và thế giới đến thời điểm hiện tại.
Hồng Anh, theo Trí Thức Trẻ