“Chúng tôi có một khát vọng dân tộc phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với ông Borge Brende, Chủ tịch WEF trong cuộc đối thoại.
Chiều 24/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với Chủ tịch WEF Borge Brende về triển vọng và các vấn đề mà những nước mới nổi, có tốc độ tăng trưởng cao phải đối mặt. Cuộc nói chuyện đã được truyền trực tiếp trên mạng toàn cầu của WEF.
Trả lời cho câu hỏi tác động của Việt Nam khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và đâu là động lực tăng trưởng mới của ông Borge Brende, Thủ tướng thừa nhận những va chạm thương mại trên thế giới có sự ảnh hưởng nhất định, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập sâu rộng.
Theo ông, Việt Nam ủng hộ thương mại tự do đa phương và cũng phải biết nhìn nhận những va chạm thương mại ấy để làm sao tổ chức sản xuất kinh doanh phát triển tốt nhất, hiệu quả nhất để không sụt giảm đà tăng trưởng đã đề ra. Do đó, Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và bao trùm trên 4 cơ sở.
Thứ nhất là ổn định kinh tế – xã hội, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn. Đây là nền tảng quan trọng để yên lòng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và nâng cao khả năng chống chịu tốt hơn các biến động của nền kinh tế thế giới.
Thứ hai là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ trong từng doanh nghiệp, từng ngành, từng lĩnh vực.
Thứ ba là xây dựng thể chế pháp luật tốt hơn nữa, hướng tới một nền kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Thứ tư là tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và khu vực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong quá trình hội nhập. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện mới là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với những căng thẳng thương mại, Thủ tướng cho biết Việt Nam tích cực khơi thông 5 động lực tăng trưởng lớn để phát triển trong thời gian tới trước lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới.
Thứ nhất, phát huy nội lực với sức mạnh của thị trường gần 100 triệu dân có thu nhập ngày càng cao, tầng lớp trung lưu chiếm 13,5% dân số và khát vọng vươn lên của người dân, nhất là những thanh niên, dưới 35 tuổi chiểm 60% dân số, là nguồn lực vô hạn cho phát triển của Việt Nam.
Thứ hai là động lực từ cải cách thể chế, pháp luật tạo điều kiện cho phát triển. Chính phủ “kiến tạo phát triển” sẽ khuyến khích mạnh mẽ sự năng động, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba là động lực từ kinh tế tư nhân. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có nhiều tập đoàn tư nhân quy mô lớn đang vươn lên mạnh mẽ tại thị trường trong nước và nước. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục thu hút hiệu quả FDI, tạo sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa FDI và các doanh nghiệp tư nhân.
Thứ tư là động lực mới từ phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Chính phủ sẵn sàng chấp nhận cái mới, công nghệ mới, phát triển bứt phá kết cấu hạ tầng, hạ tầng internet băng thông rộng, mạng 5G, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… Thứ năm là động lực từ hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đối với cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng lưu ý đến vấn đề lao động và việc làm. Để giải quyết vấn đề này, ông cho biết cần đào tạo nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo cho các tầng lớp, nhất là người yếu thế, để làm sao họ có việc làm mới.
“Vậy Việt Nam gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới như thế nào?”, ông Brende đặt câu hỏi cho Thủ tướng.
Trả lời, Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi có một khát vọng dân tộc phát triển”.
Cụ thể, theo Thủ tướng, trước hết, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam giữ đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân và là một địa chỉ đáng tin cậy cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước làm ăn ở Việt Nam thuận lợi nhất, an toàn nhất.
Việt Nam sẽ có chương trình cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn về thể chế pháp luật cũng như môi trường kinh doanh. Chúng tôi coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Chính phủ.
“Vì thế, chúng tôi tăng cường đối thoại, tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, để không khí đầu tư, làm ăn của các nhà đầu tư ở Việt Nam tích cực hơn, giải quyết nhiều việc làm hơn, đóng góp cho sự phát triển tốt hơn, giữ được đà tăng trưởng liên tục trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay.
Đó là điều Chính phủ cam kết với người dân, nhà đầu tư. Tôi cho rằng, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, chúng ta giữ được đà tăng trưởng cao như hiện nay cũng là một sự cố gắng, nếu không muốn nói là bất ngờ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
theo Theo VGP