Tác giả của nhiều mô hình giúp dân

Đó là thiếu tá Vũ Lý Huỳnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Xuân Đài.

31 tuổi đời, gần 10 tuổi quân, ở vị trí công tác nào, thiếu tá Vũ Lý Huỳnh cũng luôn phát huy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đảng viên, cán bộ, sĩ quan quân đội trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Đàn gà sinh kế

Thiếu tá Vũ Lý Huỳnh

Đồn Biên phòng Xuân Đài được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển 4 phường Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Yên và xã Xuân Phương (TX Sông Cầu). Những năm gần đây, các phường, xã này có bước phát triển mới; đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhưng vẫn còn một số hộ kinh tế phụ thuộc vào mùa vụ nên còn nhiều khó khăn.

Trên cương vị Chính trị viên phó kiêm Đội trưởng Vận động quần chúng, thiếu tá Vũ Lý Huỳnh luôn trăn trở, suy nghĩ, đầu tư tìm tòi, để tìm ra cách làm mới giúp dân cải thiện cuộc sống, bớt khó khăn vất vả.

Thiếu tá Vũ Lý Huỳnh chia sẻ: Người dân miền biển chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Tuy nhiên, một số gia đình do không có vốn đầu tư cho nuôi trồng hoặc khai thác hải sản mà chủ yếu đi làm các công việc thời vụ theo mùa, cuộc sống hết sức khó khăn.

 

Từ thực tế hoạt động chăn nuôi tại đơn vị và nắm bắt tình hình, tôi chủ động đề xuất với Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn phối hợp với địa phương chọn 2 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có nhận thức tốt trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo để thực hiện mô hình Đàn gà sinh kế.

Theo đó, Ban Chỉ huy đồn trích một phần kinh phí tăng gia và vận động một số nhà hảo tâm ủng hộ mua gà giống về nuôi tại đơn vị, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đến 1 tháng tuổi thì chuyển cho hộ dân nuôi. Đơn vị phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình theo Chỉ thị 681 của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP và cử cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ xây dựng chuồng trại, hướng dẫn cách thức và phụ giúp từng gia đình trong quá trình chăn nuôi.

Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay Đồn Biên phòng Xuân Đài đã hỗ trợ 9 hộ gia đình với gần 1.000 con giống và ủng hộ thức ăn chăn nuôi trị giá khoảng 30 triệu đồng. Các hộ gia đình được giúp đỡ đã nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, đàn gà phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập, tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương. Thị ủy Sông Cầu công nhận đây là mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua dân vận khéo năm 2023. Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô và nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài BĐBP tỉnh học tập, triển khai thực hiện theo mô hình này.

Bà Phạm Thị Thanh, khu phố Lệ Uyên, phường Xuân Yên là một trong hai hộ đầu tiên thực hiện mô hình Đàn gà sinh kế thổ lộ: “Đàn gà giống do thiếu tá Vũ Lý Huỳnh và cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Đài tặng, hỗ trợ thức ăn và hướng dẫn phương cách chăm sóc lớn rất nhanh, giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn”.

Mô hình Tiết học biên giới, biển đảo thu hút đông đảo học sinh tham gia

 

Tiết học biên giới, biển đảo

Thiếu tá Trần Văn Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Đài cho biết: Nhằm giáo dục học sinh THPT và THCS trên địa bàn những kiến thức về chủ quyền biên giới biển đảo của Tổ quốc, góp phần đưa Luật Biên phòng Việt Nam đi vào cuộc sống, thiếu tá Vũ Lý Huỳnh đã đề xuất Ban Chỉ huy đồn phối hợp với Phòng GD&ĐT TX Sông Cầu xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình Tiết học biên giới, biển đảo.

Theo đó, mỗi tháng các trường học trên địa bàn bố trí 1 tiết học ngoại khóa toàn trường, do thiếu tá Vũ Lý Huỳnh cùng một số cán bộ trong đơn vị trực tiếp tuyên truyền về biên giới, lãnh thổ, biển đảo, Luật Biên phòng Việt Nam; giáo dục về truyền thống của quân đội, lực lượng BĐBP và của địa phương. Đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức 28 tiết học với 8.563 lượt học sinh, cán bộ, giáo viên tham dự.

Em Lê Thị Hồng Liên, nguyên học sinh lớp 12A2 Trường THPT Phan Đình Phùng tâm đắc: Qua các tiết học về biên giới biển đảo do Đồn Biên phòng Xuân Đài phối hợp với nhà trường tổ chức, chúng em được quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về biên giới quốc gia trong tình hình mới, nhất là Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và các văn bản liên quan. Từ đó, chúng em thêm yêu đất nước và biển đảo quê hương, hình thành và bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng ý thức tự giác chung tay, góp sức bảo vệ biên cương của Tổ quốc từ sớm, từ xa.

ATM nước sạch biên cương

Hiện nay, khu vực biên giới biển Đồn Biên phòng Xuân Đài quản lý nhiều gia đình vẫn còn sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Khi thủy triều lên, hầu hết các giếng khoan bị nhiễm mặn, còn vào mùa khô thì bị cạn hoặc vôi hóa. Với các gia đình xây nhà ở vị trí cao, dịch vụ cung cấp nước máy chưa thực hiện được, hàng chục hộ dùng chung một giếng nước.

Trên cơ sở được cấp trên quan tâm đầu tư hệ thống lọc nước tinh khiết, đơn vị huy động thêm các nguồn lực đầu tư mở rộng dây chuyền phục vụ đời sống bộ đội, thiếu tá Vũ Lý Huỳnh đã đề xuất với Ban Chỉ huy đồn thực hiện mô hình ATM nước sạch biên cương.

 

Trung tá Dương Đức Tứ Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Đài cho biết: Từ tham mưu của thiếu tá Vũ Lý Huỳnh, đơn vị chủ động phối hợp UBND phường Xuân Đài khảo sát và tổ chức họp dân để lấy ý kiến, lựa chọn 2 điểm cung cấp nước sạch hằng tuần, mỗi tuần 3 buổi. Lần đầu tiên, đơn vị tặng 2.000 bình nước uống (loại 20 lít) cho 40 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật. Đồng thời hỗ trợ, bán với giá 7.000 đồng/bình cho các hộ gia đình khác có nhu cầu sử dụng, thấp hơn thị trường 5.000 đồng/bình.

Cụ Phạm Thị Ngọn, sống một mình trên đồi cao thuộc khu phố Phương Phú (phường Xuân Đài), đi lại khó khăn. Để có nước dùng trong sinh hoạt hằng ngày, lâu nay cụ bà sử dụng các vật dụng như thau, xoong nồi để hứng nước mưa, hay lâu lâu nhờ hàng xóm mua giúp một bình nước tinh khiết để uống, nấu ăn. Nhiều hộ neo đơn, già yếu khác cũng dùng cách này để có nước sinh hoạt hằng ngày. Thấy vậy, thiếu tá Vũ Lý Huỳnh tổ chức, phân công cán bộ, chiến sĩ Đội Vận động quần chúng hằng tuần vác từng bình nước tinh khiết đến tặng từng nhà.

“Lần đầu tiên nhận được những bình nước sạch để sử dụng, nhiều cụ cảm động rơi nước mắt. Các cụ cầm tay chúng tôi, cảm ơn BĐBP đã giúp đỡ. Những hình ảnh đó làm cho chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình cần phải chăm lo cho đời sống của người dân nhiều hơn, tốt hơn”, thiếu tá Vũ Lý Huỳnh chia sẻ. 

LẠC VIỆT – CHI LÊ

Nguồn Báo Phú Yên: https://baophuyen.vn/436/320165/tac-gia-cua-nhieu-mo-hinh-giup-dan.html