Tính theo đầu người, số lượt khách của Việt Nam dường như còn nhiều khả năng tăng trưởng hơn so với Malaysia và Thái Lan.
World Bank gần đây đã đưa ra báo cáo đặc biệt về ngành du lịch của Việt Nam, trong đó làm rõ về điểm tới hạn, xu hướng, thách thức và những chính sách cần ưu tiên.
Đánh giá về lượng khách đến Việt Nam trong thời gian qua, World Bank nhận định: So với các quốc gia đang phát triển khác ở Đông Nam Á, lượng khách du lịch quốc tế ở Việt Nam tăng mạnh đã tạo điều kiện để quốc gia chiến lĩnh dần thị phần về cầu du lịch trong khu vực, đưa số lượt khách lên sát mức hàng đầu trong khu vực.
Trong 5 năm và 10 năm qua, tăng trưởng lượt khách quốc tế vào Việt Nam liên tục cao hơn so với đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang phát triển tại Đông Nam Á, ngoại trừ so với Myanmar có tốc độ tăng trưởng 10 năm cao hơn vì có điểm khởi đầu thấp về lượt du khách.
Nguồn: WB
Kết quả là Việt Nam đã và đang từng bước chiếm lĩnh thị phần, không chỉ tính trên tổng lượt du khách đến với các quốc gia đang phát triển Đông Nam Á mà trên cả tổng lượng du khách đến toàn bộ khu vực Đông Á, bao gồm các thị trường du lịch lớn hơn và phát triển hơn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
World Bank cho biết đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đuổi kịp Indonesia về tổng lượt khách quốc tế, đồng thời thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đứng đầu về số lượt khách trong khu vực – là Malaysia và Thái Lan.
Nguồn: WB
Theo tổ chức này, số lượt khách của Việt Nam, tính theo đầu người, dường như còn nhiều khả năng tăng trưởng hơn so với Malaysia và Thái Lan, nơi có số lượt khách đã lên xấp xỉ lần lượt 80% và 55% dân số quốc gia họ.
Thị phần trong khu vực của Việt Nam đang được mở rộng theo World Bank phần nào phản ánh những cải thiện gần đây trong nhiều khía cạnh về năng lực cạnh tranh du lịch của quốc gia (do Diễn đàn Kinh tế thế giới cho điểm). Chỉ số này dựa trên nhiều yếu tố về thể chế và cơ sở vật chất liên quan đến du lịch.
Xét tổng điểm của chỉ số cho năm 2017, Việt Nam xếp 67 trên toàn cầu, ngang hàng với mức điểm bình quân của các đối thủ cạnh tranh còn lại trong khu vực nhưng chưa đạt kết quả cao nhất ở bất kỳ nội dung nào về năng lực cạnh tranh.
Nhưng kể từ năm 2015, Việt Nam đã có những cải thiện chung mạnh mẽ nhất về năng lực cạnh tranh so với các quốc gia so sánh trong khu vực, với mức điểm nhảy vọ ở các nội dung như mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin, độ mở cửa quốc tế, an ninh và an toàn, cơ sở hạ tầng cảng và mặt đất.
Tuy nhiên, World Bank cho rằng du lịch Việt Nam vẫn còn những điểm yếu quan trọng như đứng cách xa các nước khác trong khu vực về dịch vụ du lịch và cơ sở hạn tầng hàng không cũng như ưu tiên cho du lịch.
Năm 2017, Việt Nam chỉ dành 1,4% chi tiêu của Chính phủ cho ngành này, đứng thứ 114 trong số các quốc gia so sánh trên toàn cầu, dù đã tuyên bố về tầm quan trọng, chiến lược…
Ngoài ra, so sánh với các nước khác, Việt Nam cần phải lưu ý về nội dung bền vững về môi trường – xếp thứ 129 trên toàn cầu, dù các nước trong khu vực cũng đạt kết quả yếu trong nội dung đánh gía này.
Mặt khác, World Bank cũng lưu ý về mức độ mở cửa quốc tế, cơ chế thị thực (visa) của Việt Nam mặc dù phần nào đó đã thông thoáng hơn trong những năm gần đây nhưng vẫn đứng sau so với các đối thủ cạnh tranh quan trọng trong khu vực có chính sách visa cởi mở hơn.