Việt Nam muốn Trung Quốc hành xử kiềm chế trên Biển Đông trong năm 2020

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng hi vọng Trung Quốc sẽ có hành xử kiềm chế hơn trên Biển Đông trong năm 2020.

Ngày 17/12 vừa qua, hội thảo với chủ đề “Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020: Gắn kết và Chủ động Thích ứng” đã diễn ra tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore). Đại diện cho Đoàn Đại biểu cao cấp của Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ trách nhiệm của Việt Nam với vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020. Phát biểu liên quan tới vấn đề nhóm tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thứ trưởng nói: “Tôi hi vọng trong thời gian chúng tôi giữ cương vị chủ tịch (ASEAN), Trung Quốc sẽ thể hiện sự kiềm chế và dừng các hoạt động này”.

“Những việc Trung Quốc đã làm là rất đáng lo ngại, cũng là kiểu đe dọa không chỉ Việt Nam mà cả các nước khác cũng thấy trước nguy cơ bị đe dọa trong tương lai”.

Tuyên bố chủ quyền ngang ngược và vô lý có tên là “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) của Trung Quốc tại Biển Đông là nguyên nhân then chốt gây ra những căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, cũng như với Mỹ.

Ông Dũng cũng cho rằng không phải các nước ASEAN khác ủng hộ hành động của Trung Quốc, mà là họ không phản đối theo cách tương tự.

Biển Đông là vùng biển chiến lược, giàu tài nguyên thiên nhiên, có nhiều mỏ khí ga, mỏ dầu tự nhiên, là ngư trường lớn với các nước xung quanh và cũng là nơi các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa với tổng trị giá hơn 3 nghìn tỉ USD đi qua mỗi năm.

Đầu tháng này, Việt Nam đã công bố sách trắng quốc phòng, chỉ rõ “những diễn biến mới ở vùng biển Đông”, bao gồm “các hành động đơn phương, cưỡng chế, vi phạm luật pháp quốc tế, quân sự hóa, thay đổi hiện trạng và các hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền tài phán theo quy định của pháp luật quốc tế “.

Những hành động nói trên đã “làm ảnh hưởng tới lợi ích của các quốc gia liên quan và đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trong khu vực”, sách trắng viết.

Nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển Việt Nam sau ba tháng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

Trước khi rút, Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố tàu này tiến hành cuộc thăm dò khoa học trong cái họ gọi là vùng biển thuộc kiểm soát của Trung Quốc, bất chấp thực tế đây là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được công nhận theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Tất Đạt , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/viet-nam-muon-trung-quoc-hanh-xu-kiem-che-tren-bien-dong-trong-nam-2020-82019181220029465.htm