Năm 2023, Việt Nam bắt đầu đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với nhiệm kỳ thứ hai tới năm 2025, sau nhiệm kỳ thứ nhất từ 2014-2016
Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam
Việc Việt Nam trúng cử vị trí thành viên Hội đồng nhân quyền (HĐNQ) – cơ quan có tầm quan trọng hàng đầu về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc (LHQ), có nhiều ý nghĩa quan trọng, nâng cao vai trò và vị thế của đất nước.
Sự kiện trúng cử này thể hiện sự tín nhiệm và coi trọng của bạn bè ASEAN cùng đông đảo bạn bè quốc tế đối với uy tín, vị thế đất nước; cũng như sự tin tưởng vào năng lực và khả năng đóng góp của Việt Nam tại HĐNQ và các diễn đàn đa phương khác, đã được khẳng định qua những dấu ấn nổi bật của chúng ta khi đảm nhiệm thành công vai trò tại nhiều cơ quan quan trọng, trong đó có HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
Sự kiện này cũng thể hiện thành công của triển khai đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về đối ngoại nói riêng, cũng như phát triển kinh tế – xã hội nói chung, chính sách lấy con người là trung tâm, thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của con người, cải thiện cuộc sống cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, phù hợp với tôn chỉ, mục đích và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, các công ước về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, cũng như Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam có liên quan.
Việc Việt Nam trúng cử vào HĐNQ góp phần hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Sự kiện này khẳng định mạnh mẽ những cam kết, nỗ lực, thành tựu toàn diện của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, khả năng đóng góp, sự tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người tại LHQ nói chung và của HĐNQ LHQ nói riêng.
Đồng thời, điều này giúp ta tranh thủ cơ hội đẩy mạnh và nâng tầm sự tham gia, có tiếng nói lớn hơn tại HĐNQ, tham gia thảo luận sâu hơn về các vấn đề quyền con người gắn với các thách thức toàn cầu thuộc quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế như phát triển bền vững, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu…; tham gia thực hiện các quyền của thành viên HĐNQ trong việc đưa ra quyết định về các vấn đề lớn của HĐNQ như tham gia bỏ phiếu các dự thảo Nghị quyết của HĐNQ, trong đó có khuyến nghị với các quốc gia, cũng như việc lập hoặc bổ nhiệm cơ chế nhân quyền của LHQ.
Nỗ lực hiện thực hóa các ưu tiên khi ứng cử
Khối lượng công việc trong thời gian 2023-2025 khá lớn, gấp nhiều lần so với công việc của một nước quan sát viên, trong khi trùng với thời điểm Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cùng nhiều Công ước quốc tế về các quyền khác nhau mà Việt Nam là thành viên (như Công ước về các quyền dân sự – chính trị, Công ước về quyền phụ nữ, Công ước về quyền của người khuyết tật…).
Để phát huy vai trò, dấu ấn của Việt Nam, chúng ta không chỉ cần thực hiện tốt các cam kết tự nguyện khi ứng cử, mà còn cần có đề xuất, thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐNQ, đáp ứng tốt hơn quyền và lợi ích của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.
Trên cơ sở kế thừa dấu ấn thành công của nhiệm kỳ đầu tiên tại HĐNQ, Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện các cam kết tự nguyện của mình khi ứng cử, bao gồm thực hiện hiệu quả các quy định, chính sách về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, nhằm mục tiêu đề cao chủ nghĩa đa phương trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; đồng thời để khẳng định chính sách của nước ta lấy con người làm trung tâm, qua đó tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế đất nước, phục vụ phát triển đất nước.
Theo đó, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước thúc đẩy công tác của HĐNQ, dự kiến sẽ nhắm vào một số ưu tiên chính của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.
Cụ thể là tôn trọng thẩm quyền của HĐNQ và các cơ chế nhân quyền của HĐNQ, tham gia nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐNQ; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và chống các hình thức bạo lực và phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương;
Thúc đẩy bình đẳng giới; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đối khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương; quyền con người trong thời đại chuyển đổi số; quyền sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm; quyền được có việc làm tử tế;
Quyền tiếp cận giáo dục chất lượng, trong đó có giáo dục về quyền con người. Để hiện thực hóa các ưu tiên nói trên và thực hiện các nhiệm vụ mà HĐNQ đặt ra, Việt Nam sẽ nỗ lực, chủ động, tích cực phối hợp với các nước ASEAN và các nước đồng quan điểm để thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác quốc tế tại HĐNQ trên tinh thần xây dựng, hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề quyền con người, tránh chính trị hóa, đảm bảo nguyên tắc chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia, các nguyên tắc cơ bản khác của luật pháp quốc tế được ghi nhận tại Hiến chương LHQ và các Công ước quốc tế về quyền con người.
Triển khai đường lối đối ngoại Đảng ta đã đề ra và kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được, tôi tin tưởng rằng nước ta sẽ thúc đẩy thành công những cam kết và ưu tiên nêu trên, đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023- 2025, đáp ứng sự tín nhiệm của các nước dành cho ta, từ đó tiếp tục giúp cho phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam.
Đại sứ TS. Lê Thị Tuyết Mai (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/viet-nam-lan-thu-hai-dam-nhiem-vai-tro-thanh-vien-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc-tu-hao-va-trach-nhiem-d189192.html