Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp với Ác-mê-ni-a

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ác-mê-ni-a lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam – Ác-mê-ni-a, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, nhu cầu và lợi ích

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Armenia (Ác-mê-ni-a) Nikol Pashinyan (Ni-côn Pa-ni-si-an) và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 -7/7/2019.

Cộng hòa Ác-mê-ni-a nằm ở Tây Á, thuộc khu vực Caucasus (Cáp-ca-dơ), giáp Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, có diện tích 29.743km2, dân số 2,98 triệu người (tính đến tháng 12/2017). Năm 1920, CHXHCN Ác-mê-ni-a ra đời. Năm 1922, Ác-mê-ni-a cùng với Gru-di-a và A-déc-bai-gian thành lập Liên bang CHXHCN Xô Viết Cáp-ca-dơ. Năm 1936 gia nhập Liên bang Xô Viết. Ngày 21/9/1991, sau cuộc trưng cầu dân ý, Ác-mê-ni-a tuyên bố độc lập.

Sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 12/2015, Ác-mê-ni-a đã thi hành cải cách hiến pháp, chuyển từ chế độ Cộng hòa Tổng thống sang Cộng hòa Nghị viện. Theo đó, Tổng thống Ác-mê-ni-a sẽ được bầu với nhiệm kỳ 7 năm thay vì 5 năm như trước đây, và không tiến hành bầu cử trực tiếp, mà do các nghị sỹ quốc hội bầu chọn.

Từ giữa những năm 90, Ác-mê-ni-a bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường, tiến hành tư nhân hoá, cải cách hệ thống ngân hàng – tài chính, luật pháp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích sản xuất trong nước. Những năm gần đây, tốc độ phát triển của Ác-mê-ni-a tương đối ổn định, lạm phát thấp.  Ác-mê-ni-a có tiềm năng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng điện tử cao cấp, đồng, dây cáp, thuốc lá, sữa, thịt, rượu cô-nhắc, đồ trang sức; có nhu cầu nhập khẩu: ngũ cốc, đường, sản phẩm công nghệ cao và nhiên liệu.

GDP năm 2017 đạt 11,52 tỷ USD, tăng trưởng 7,5% so với năm 2016. Kim ngạch thương mại cả năm 2017 đạt 6,43 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 4,2 tỷ USD. Nga tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Ác-mê-ni-a với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 21%, còn tỷ trọng nhập khẩu là 31%. Nợ công của Ác-mê-nia-a tăng đáng kể so với thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế (năm 2008 nợ công đạt 1,9 tỷ USD, trong khi nợ công năm 2017 đạt 5,4 tỷ USD).

Là nước nhỏ và nghèo tài nguyên, vị trí địa lý không thuận lợi nên kinh tế Ác-mê-ni-a phát triển chậm hơn một số nước xung quanh, các ngành sản xuất công – nông nghiệp chiếm tỉ trọng nhỏ trong GDP, phải phụ thuộc lớn vào các nguồn nguyên liệu sản xuất bên ngoài, đặc biệt là năng lượng, bị hai nước láng giềng quan trọng là A-déc-bai-gian và Thổ Nhĩ Kỳ cấm vận kinh tế, đầu tư nước ngoài chủ yếu dựa vào cộng đồng Ác-mê-ni-a hải ngoại.

Ác-mê-ni-a thực hiện chính sách đa phương, cân bằng, quan hệ với Nga và phương Tây, EU nhằm tranh thủ tối đa đầu tư nước ngoài và vốn để phát triển kinh tế, cũng như đảm bảo an ninh quốc gia. Ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Ác-mê-ni-a là hợp tác khu vực và giải quyết xung đột tại Na-go-nưi Ca-ra-bắc với A-déc-bai-gian.

Ác-mê-ni-a thiết lập quan hệ hợp tác đồng minh với Nga; đẩy mạnh quan hệ với Mỹ; coi hội nhập châu Âu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, đã ký Hiệp định đối tác và hợp tác (PCA) với EU, tham gia Chương trình Đối tác phương Đông của EU và đang tiến hành đàm phán Hiệp định tự do thương mại toàn diện với EU (DCFTA). Vào tháng 11/2017, Ác-mê-ni-a và EU đã ký Thỏa thuận về đối tác toàn diện và mở rộng Ác-mê-ni-a – EU.

Ác-mê-ni-a là thành viên của hơn 40 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có Liên hợp quốc, Cộng đồng các quốc gia độc lập – SNG (CIS), Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Hội đồng châu Âu, WTO, Tổ chức hợp tác kinh tế biển Đen, Cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác khác như là Phong trào không liên kết, tham gia chương trình “Đối tác vì hòa bình” của NATO. Ác-mê-ni-a đăng cai Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 vào tháng 10/2018.

Ác-mê-ni-a tham gia vào Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB), bao gồm Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-dơ-xtan, Nga, Tát-gi-ki-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan, liên minh quân sự được thành lập trên lãnh thổ các nước Liên Xô cũ dựa trên Hiệp ước An ninh tập thể được ký ngày 15/5/1992. Ngoài ra Ác-mê-ni-a cũng tham gia thiết lập hệ thống phòng không chung cùng với các đồng minh thuộc Liên Xô cũ. Tổng thống Ác-mê-ni-a ký Hiệp ước gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu vào tháng 10/2014. Ác-mê-ni-a chính thức trở thành thành viên của Liên minh vào tháng 1/2015.

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 14/7/1992), Việt Nam – Ác-mê-ni-a đã duy trì và củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp. Ác-mê-ni-a đã mở Đại sứ quán tại nước ta tháng 8/2013. Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Ác-mê-ni-a. Cộng hòa Ác-mê-ni-a đã từng dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có hoạt động hỗ trợ đào tạo cán bộ, sinh viên Việt Nam .

Ngày nay, hai bên thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, đẩy mạnh hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, qua đó nâng cao sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác. Hai bên đã có các chuyến thăm: Phó Tổng thống Ác-mê-ni-a Gagik Harutyunyan (Ga-ghích A-ru-chi-u-nhi-an) thăm Việt Nam tháng 12/1992; Bộ trưởng Ngoại giao Ác-mê-ni-a Vartan Oskanian (Va-rơ-tan Ô-xca-nhi-an) thăm Việt Nam tháng 8/2002; Bộ trưởng Ngoại giaoÁc-mê-ni-a Edward Nalbandian (Ét-vát Nan-ban-đi-an) thăm Việt Nam từ ngày 24 – 25/2/2012; Tổng thống Ác-mê-ni-a Serzh Sargsyan (Xéc-dơ Xa-gơ-xi-an) thăm Việt Nam tháng 6/2012; Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường thăm Ác-mê-ni-a (tháng 10/2015).

Việt Nam và Ác-mê-ni-a có cơ chế Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật, đã họp khóa đầu tiên vào tháng 3/2017 tại Hà Nội. Hai bên nhấn mạnh ý nghĩa khởi đầu quan trọng của Khóa họp lần thứ nhất này và cho rằng Khóa họp là một dấu mốc quan trọng để đưa sự hợp tác giữa Việt Nam và Ác-mê-ni-a theo hướng sâu rộng, đi vào thực chất hiệu quả hơn. Tại phiên họp, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế của mỗi nước trong thời gian vừa qua; điểm lại kết quả trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 và nhận định về các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại giữa hai nước.

Do địa lý xa xôi, tiềm năng kinh tế không lớn nên quan hệ kinh tế – thương mại giữa Ác-mê-ni-a với Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Ác-mê-ni-a năm 2015 đạt 6,1 triệu USD; năm 2016 đạt 2,4 triệu USD (giảm 62% so với năm 2015); năm 2018 đạt 3,6 triệu USD. Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia) đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29/5/2015 tại tỉnh Burabai, Kazakhstan. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 5/10/2016.

Hai bên đã ký các Hiệp định: hợp tác kinh tế – thương mại; hợp tác văn hóa và khoa học – kỹ thuật; khuyến khích và bảo hộ đầu tư; hợp tác văn hoá, khoa học – kỹ thuật; nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ; hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giai đoạn 2015-2018.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ác-mê-ni-a lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam – Ác-mê-ni-a, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, nhu cầu và lợi ích; trao đổi một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Chuyến thăm cũng khẳng định, Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp với Ác-mê-ni-a.