NGHỀ “NỔ” Ở VIỆT NAM

Chắc hẳn “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn không ngờ rằng một cú nổ nho nhỏ ở trường cấp 3 nơi mình từng học, lại biến thành vụ nổ có sức công phá “quốc tế” đến như vậy.

NÂNG TẦM CÁI MỒM VÀ GIẢI QUYẾT KHÂU OAI

“Điều kỳ diệu của các lớp dạy làm giàu là đã đưa cái mồm Việt Nam lên một vị thế mới. Kể cả số vốn bằng 0, đạo đức kinh doanh âm và kinh tế suy thoái, thì với một cái mồm hùng biện, giảng viên dạy làm giàu vẫn có thể thành công vượt trội. Tất nhiên cần 4 điều kiện cần và đủ là: Học viên không điếc, não bé, lười làm và muốn giàu nhanh” – có lần, một nam doanh nhân lớn, đã nói nửa thật nửa đùa với tôi như vậy.

Nổ là một kỹ xảo, nhưng ở Việt Nam, nó có thể trở thành một nghề làm giàu và tạo ra mối quan hệ với những người mà dân thường có mơ cũng không thể tiếp cận thân tình.

Không ít kẻ đã lừa được cả hàng chục ngàn người vào đường dây đa cấp chỉ bằng cái mồm nổ và mấy tấm ảnh chụp hiếu hỉ với vài quan chức.

Đa cấp vươn vòi bạch tuộc đáng sợ ở Việt Nam chủ yếu là nhờ những cái mồm nổ như pháo và lòng tham tới mức ngây thơ của cộng đồng.

Cái mồm nổ là biểu hiện sinh động nhất của thói HÁO DANH.

Người ta thường háo danh vì hai lẽ: Giải quyết khâu oai với gia đình, cộng đồng và tìm cách trục lợi từ cái danh đó.

“Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp” là quan niệm về khâu oai từ thời xa xưa của người Việt. Còn ở thế kỷ 21, những cái tên muốn oai, cần phải đặt trước nó một học hàm, học vị để phần kính thưa, kính gửi có sức nặng. Các lò ấp tiến sĩ, thạc sĩ được dịp chạy hết công suất, một phần không nhỏ là để trang bị khâu oai cho nhiều người, chứ không phải để cống hiến thêm cho xã hội một nghiên cứu khoa học có giá trị.

Trong bảng danh sách 11 thói hư tật xấu người Việt của GS.TS Trần Ngọc Thêm, có đến 5 bệnh liên quan đến nổ: bệnh sĩ diện, háo danh, bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh hình thức (6 bệnh còn lại là: thói dựa dẫm, ỷ lại, thói cào bằng, đố kỵ, bệnh hẹp hòi, ích kỷ, bè phái, bệnh nói xấu sau lưng, bệnh vô cảm, chặt chém, tật ham vui, thích “tám”, bệnh triệt tiêu cá nhân…

GS Nguyễn Lân Dũng cũng đã không ngần ngại chỉ ra 5 tính xấu của người Việt, trong đó có 3 cái liên quan đến háo danh: “Nếu cần chọn ra 5 tính xấu của không ít người Việt thì tôi sẽ chọn: Ham tiền – Háo danh – Coi thường danh dự – Vô cảm, hèn nhát – Coi nhẹ ý nghĩa “đồng bào”.

Nổ để lấy danh, rồi dùng danh kiếm tiền. Coi thường danh dự thì mới nổ mà không xấu hổ.

Khi GS Dũng hỏi một nữ doanh nhân rất thành đạt rằng tại sao ông không thấy bà ấy xuất hiện trên tivi trong những lần được lãnh đạo đeo vòng hoa vào cổ cùng giải thưởng, bà trả lời : “Chú tưởng ngon lành thế à. Nộp nhiều tiền lắm đấy chú ạ”. Ở nơi nào danh được mua bằng tiền, chắc chắn nơi đó những cái mồm nổ vẫn sẽ kiếm được tiền tệ, quan hệ, đồ đệ.

BỆNH NHẬN VƠ VÀ CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ

Dân gian có cụm từ rất hay mà càng ngày người ta càng ít dùng, đó là “nhận vơ”: Nhận và vơ vào những thứ không phải của mình. Hiểu theo nghĩa ấy, “nổ” có nghĩa là “nhận vơ một cách ồn ào nhất, trắng trợn nhất”.

Bệnh nhận vơ, háo danh và các biến thể của nó có mặt trong nhiều ngõ ngách của đời sống ở Việt Nam.

Dù hai chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc Lập tháng 4.1975 đều anh hùng, và những người lính tăng đi được đến ngày cuối cùng của cuộc chiến đã là một kỳ tích, nhưng xe tăng nào mới là chiếc đầu tiên “xông đất” đầu não chính quyền Sài Gòn, thì phải mất rất nhiều năm, sự thật mới được trả lại. Nếu không có chứng cứ của nhà báo nước ngoài và sự lên tiếng của báo chí trong nước, thì sự nhận vơ ấy, có thể mãi mãi che lấp một phần lịch sử.

Câu chuyện ai là người thảo ra bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đọc ngày 30.4.1975, cũng bị tranh cãi trong nhiều năm. Tất nhiên sự thật không thể có hai.

NỔ GIẢI TRÍ VÀ NỔ SÁT THƯƠNG

Một nhân vật quyền lực trong giải trí, vẫn thỉnh thoảng tạo ra những cú nổ giải trí thú vị. Nhưng có lúc thiếu kiểm soát, anh đã biến những cú nổ giải trí thành vũ khí sát thương. Nổ giải trí, tuy ồn ào, nhưng chẳng chết ai. Nổ sát thương là chuyện khác.

Dư luận một thời ồn ào chuyện mấy dị nhân có công lực uốn cong cơn bão để không vào Việt Nam; xua mây đuổi mưa mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Ồn ào là thế, nhưng vụ việc đó chỉ là nổ giải trí, mua vui cũng được một vài trống canh, xét cho cùng chẳng hại người.

Nhưng có những cú nổ do bốc đồng, do quan liêu thì lại gây hại lớn. Ví dụ vài năm trước có quan chức đã khẳng định: Cuối năm X TP.HCM sẽ hết tắc đường; cuối năm Y sẽ hết ngập. Những cú nổ quan liêu ấy đã phá vỡ từng mảng bức tường niềm tin của dân chúng vào “miệng quan” và năng lực thực thi của một số cơ quan công quyền.

Tuyến cao tốc trong mơ của người dân đồng bằng sông Cửu Long, Trung Lương – Mỹ Thuận, được bắt đầu từ 2009, trong một lễ khởi công hoành tráng. Sau 10 năm, những lời hứa ngày xưa dậm chân tại chỗ, không khác gì lời hứa nổ.

Năm ngoái người ta lại khẳng định trước Quốc hội: thông tuyến năm 2020, nhưng với tiến độ giải quyết các thủ tục về tín dụng, cơ chế như hiện nay, có nguy cơ lời hứa ấy chỉ dừng lại ở tín hiệu âm thanh, chứ không hiện thực hoá thành con đường thực địa.

NỔ VÀ KHÁT VỌNG

Doanh nhân Nguyễn Tử Quảng đã bị trầm cảm vài năm trời khi anh bị gắn chết hỗn danh “Quảng nổ”.

Người ta có thể cười cợt với ngôn từ có phần bốc đồng của anh, nhưng họ sẽ chệch đường nếu cười vợt cả khát vọng chinh phục Việt Nam và thế giới của Quảng và Bkav.

Đó là một khát vọng thực sự. Đó là những hành động quyết liệt thực sự, dù chưa thành công đến mức “thật không thể tin được”, thì vẫn rất đáng được trân trọng.

Những giấc mơ điên rồ, hoang đường ngày hôm nay có thể là viên gạch đầu tiên xây đế chế ngày mai.

Nhiều năm trước, không ít người đã cười vợt giấc mơ lớn của chàng trai Trương Đình Anh (sau này là TGĐ FPT một thời): 40 tuổi tôi sẽ làm Thủ tướng.

Nhưng với những người hiểu biết, thì đó không phải tuyên ngôn nổ ngông cuồng. Đó là một giấc mơ rất đẹp và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Trương Đình Anh không thể hiện thực hoá giấc mơ ấy, nhưng thế giới hôm nay đã chứng kiến những người hơn 25 tuổi đã làm Bộ trưởng (bộ trưởng Thể thao Malaysia), mới hơn 30 đã thành thủ tướng, tổng thống những cường quốc trên thế giới.

CẮT NGÒI NỔ VÀ THÁO BOM

Đã có lần, thầy giáo tôi bảo: Thế nào là nhân tài? Đừng dịch theo kiểu thông thường là “người tài”. “Tài” đến đâu mà không có chữ “nhân” đằng trước, thì cũng hỏng. Phải nuôi nhân trước khi dưỡng tài.

Những người hay nổ, có thể có TÀI hoặc bất tài, nhưng chắc chắn đã bị khuyết thiếu chữ “nhân”.

Chữ NHÂN phải được dạy trước hết trong gia đình. Bố mẹ sống vô đạo thì làm sao con tròn đạo? Bố mẹ hay nổ thì con có học trường quốc tế cũng vẫn bốc đồng, háo danh.

Trong một xã hội xem bằng cấp là trang sức quý, coi quan lộ là thước đo quan trọng nhất chứng tỏ sự thành công của con người, thì nghề nổ, người nổ sẽ vẫn sống khỏe.

Nhưng đổ lỗi cho xã hội, cho cơ chế luôn là việc dễ nhất. Không thể có một xã hội thay đổi nếu mỗi người không thay đổi.

Với những người luôn có ý thức tự răn mình, tự kiềm chế thói háo danh và sự bốc đồng cái mồm, mạng xã hội chính là “quan toà” khắt khe nhất. Họ sẽ biết mình phải cẩn trọng thế nào mỗi khi khoe khoang, huênh hoang, bởi chỉ cần một cái họa nhỏ từ miệng cũng có thể bị mạng xã hội dội phản lực gấp cả triệu lần.

“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” – đúc rút có từ lâu đời nhưng lại tỏ ra rất thời sự ở kỷ nguyên thế giới phẳng này. Chỉ có hành xử chuẩn mực, khiêm cung mới tránh trở thành nạn nhân khốn khổ trên pháp trường, nơi mạng xã hội sắm cả hai vai: loạt súng đầu tiên và viên đạn cuối cùng.

Trở lại vụ “nhà báo quốc tế”. ĐH Leeds từ Anh quốc xa xôi đã lên tiếng về bản danh sách tiến sĩ danh dự “hư cấu”. Những người thạo việc ở CH Séc cũng lên tiếng về Hiệp hội chỉ có một người.

Đó là những tiếng pháo tiếp theo trong tràng pháo mà chính “nhà báo quốc tế” đã tự châm ngòi. Âm thanh của pháo đương nhiên giòn giã, nhưng người chơi pháo một cách ngây ngô thì có thể hỏng tay, hỏng mắt bất cứ lúc nào.