Vì an toàn, hạnh phúc nhân dân

Ngay sau khi Bộ Công an lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình tỉnh an toàn giao thông (ATGT), ngày 15-3-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 87/NQ-TU về xây dựng “Tỉnh ATGT”. Đây là lần đầu tiên Bắc Ninh có một Nghị quyết chuyên đề mang tính toàn diện nhất, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo đảm trật tự ATGT, góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển bền vững của tỉnh, vì an toàn, hạnh phúc của nhân dân.

Từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn khi mới tái lập (năm 1997), đến nay Bắc Ninh vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu đứng trong tốp dẫn đầu cả nước và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Những thành quả trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó nổi bật là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại bậc nhất khu vực, cùng với những kết quả khả quan về công tác bảo đảm trật tự ATGT đưa Bắc Ninh trở thành một trong những điểm đến an toàn và phát triển, hấp dẫn các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.

Nút giao thông phía Tây Nam góp phần giảm tải, chống ùn tắc cho điểm giao cắt giữa Quốc lộ 1, Quốc lộ 18 đoạn qua địa bàn thành phố Bắc Ninh.

Với quan điểm giao thông đi trước mở đường thúc đẩy công cuộc phát triển toàn diện của tỉnh, kể từ khi tái lập đến nay, Bắc Ninh luôn chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Nhờ có quyết sách đúng đắn đó mà sau 26 năm tái lập, hệ thống giao thông của tỉnh được đầu tư, nâng cấp hiện đại bậc nhất khu vực và cả nước, kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc. Toàn tỉnh có gần 4.000km đường các loại, trong đó có nhiều tuyến Quốc lộ (QL) dài gần 170 km, như: 1A, 17, 18, 38 và 14 tuyến Tỉnh lộ (TL) với chiều dài gần 270 km, tỷ lệ nhựa hóa 100%; hơn 3.500 km các tuyến đường huyện, đường đô thị và giao thông nông thôn với tỷ lệ nhựa, bê tông hóa rất cao. Các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng; tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường qua các KCN, đô thị, điểm du lịch… đều được cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây mới, tạo “đòn bẩy” quan trọng trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cùng với hiện đại hóa hạ tầng giao thông, Bắc Ninh cũng luôn chú trọng công tác bảo đảm trật tự ATGT, tạo sự thông suốt trên mọi cung đường để giao thông thực sự phát huy vai trò huyết mạch của nền kinh tế – xã hội. Quán triệt, triển khai và thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Trọng tâm là tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông; tập trung kiểm tra, kiểm soát người và các phương tiện tham gia giao thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT.


Đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, trong giai đoạn 2012-2022 của tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện rõ ở vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân. Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới, chủ động, cụ thể, hiệu quả thiết thực, góp phần kéo giảm TNGT hàng năm từ 5-10% ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18, nhất là những năm gần đây, tình hình trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực, ANTT được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ý thức tham gia giao thông, việc chấp hành các quy định pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác khảo sát, xử lý các bất cập, duy tu bảo dưỡng, hoàn thiện hệ thống tín hiệu, biển báo… của các tuyến đường được thực hiện thường xuyên, góp phần bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, song Bắc Ninh cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức trong công tác đầu tư phát triển mạng lưới giao thông và bảo đảm trật tự ATGT bởi xu thế phát triển nhanh, mạnh của nền kinh tế và cả những bất cập tồn tại chưa được giải quyết triệt để. Với tốc độ phát triển kinh tế giai đoạn 1997- 2021 đạt bình quân 13,89%/năm và quy mô dân số tăng gấp hơn 1,6 lần kể từ khi tái lập tỉnh, trong khi có diện tích nhỏ nhất cả nước nên mật độ dân số của tỉnh luôn ở mức cao, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cả khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã tạo sức ép rất lớn cho hệ thống giao thông cũng như công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.
Hiện nay, hệ thống giao thông huyết mạch của tỉnh nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh cũng như liên kết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và cả những tuyến nội thị trong các đô thị đều đã có biểu hiện của sự quá tải. Điển hình nhất là 2 tuyến QL 38 và 18 thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông với những điểm nóng như: Cầu Hồ, cầu Đại Phúc, ngã tư Phố Mới, các điểm giao cắt với các KCN Quế Võ… Tình trạng ùn tắc cục bộ trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn… ngày càng nhiều, nhất là tại các nút giao trên các tuyến đường Ngô Gia Tự, Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ (thành phố Bắc Ninh) và các khu chung cư, cổng chợ, điểm cổng trường học vào các khung giờ đưa đón học sinh…

Các tuyến đường nội thị thành phố Bắc Ninh được xây dựng đồng bộ, hiện đại.

 

Anh Võ Thái Tuấn (phường Hồ, thị xã Thuận Thành) bức xúc: Cầu Hồ được xây dựng từ những năm 2000 với quy mô chỉ 2 làn xe ô tô nhưng hiện lưu lượng xe qua cầu quá lớn, nhất là xe contener, xe tải, xe khách. Đó là chưa kể xung đột giao thông tại các điểm giao với đường đê Tả, Hữu sông Đuống nên tình trạng ùn tắc khiến người dân rất vất vả khi đi qua cầu… Còn chị Nguyễn Thị Hương (phường Phố Mới, thị xã Quế Võ) thì chia sẻ: Chúng tôi mong nhà nước đầu tư xây dựng QL 18 mới tránh khu dân cư chứ đường hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khiến tuyến đường hay bị ùn tắc, xảy ra va chạm và TNGT, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân…
Mặc dù hầu hết các tuyến đường đã được đầu tư xây mới, mở rộng khang trang, hiện đại, song vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa, đặc biệt là xu hướng gia tăng nhanh lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều bất cập trong công tác tổ chức giao thông ở cả trên các tuyến đường mới mở, mới cải tạo hay các tuyến đường cũ chưa được giải quyết triệt để cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng ùn tắc và TNGT thêm phần phức tạp. Đó là chưa kể đến ý thức của người tham gia giao thông tuy được nâng lên song vẫn là “vấn nạn” bởi việc vi phạm bị xử lý còn ở mức cao.
Chị Nguyễn Thị Lệ ở phố Ngụ, xã Nhân Thắng (Gia Bình) cho biết: Tuyến QL17 dù được đầu tư cải tạo, mở rộng song đến nay vẫn thiếu nhiều biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc… nhiều đoạn không có đèn buổi tối, đèn tín hiệu thì hay trục trặc, chưa kể tình trạng thiếu ý thức của một số người dân, trong khi lượng xe tải trọng lớn gia tăng đột biến… khiến tuyến này xảy ra nhiều vụ va chạm, TNGT gây bức xúc trong nhân dân.
Việc thiếu ý thức khi tham gia giao thông của người dân không chỉ biểu hiện ở hành vi lấn chiếm hành lang ATGT để buôn bán kinh doanh vì lợi ích trước mắt mà nghiêm trọng hơn là những hành vi cố tình vi phạm pháp luật về ATGT như: Đi sai phần đường, làn đường, đi ngược chiều, quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, thậm chí đi vào đường cấm, đường ngược chiều, tụ tập dưới lòng đường hay tự ý phá giải phân cách để mở lối tự phát lên các tuyến quốc lộ… Đây là những hành vi đáng bị lên án.

Sự gia tăng nhanh chóng về người và phương tiện tại một số địa phương đã tạo áp lực cho hệ thống giao thông.

Theo Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hải, Đội trưởng Đội Tuyên truyền- Xử lý vi phạm (Phòng CSGT, Công an tỉnh) thì: Qua phân tích các vụ TNGT xảy ra trong năm 2022 nhận thấy, trong tổng số 84 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh (làm chết 62 người, làm bị thương 31 người) thì hầu hết số vụ đã được điều tra xác minh là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ. Trong đó, chủ yếu là do đi không đúng phần đường, làn đường; vượt xe chuyển hướng không đúng quy định; không nhường đường; không chấp hành báo hiệu; dừng đỗ không đúng quy định… Đáng nói là đa số người gây tai nạn hay nạn nhân của những vụ TNGT đều trong độ tuổi lao động, hay trụ cột của gia đình.
Là tỉnh năng động và phát triển với xu thế đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, Bắc Ninh tuy có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng hiện đã có 2 thành phố, 2 thị xã, nhiều khu, cụm công nghiệp và làng nghề phát triển, thu hút hàng trăm nghìn công nhân, người lao động (có thời điểm lên tới gần 400 nghìn)… Bởi vậy, tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông, tổ chức, bảo đảm ATGT. Sự đầu tư đó đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng song tỉnh cũng luôn xác định rõ những khó khăn, thách thức trong việc giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế và đón đầu xu thế phát triển để thực sự phát huy vai trò huyết mạch của hệ thống giao thông trên địa bàn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững, vì an toàn, hạnh phúc của nhân dân và khẳng định Bắc Ninh là điểm đến an toàn, phát triển, là nơi đáng sống hấp dẫn người dân trong và ngoài nước.
Chính vì điều đó, ngay sau khi Bộ Công an có chủ trương, Bắc Ninh đã tiên phong đảm nhận thí điểm xây dựng mô hình “Tỉnh ATGT” nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu bảo đảm trật tự ATGT, hình thành văn hóa giao thông của người Bắc Ninh – Kinh Bắc.

(Còn nữa)

Lê Thanh-Lê Đại-Đức Quý

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-chinh-tri/-/details/20182/vi-an-toan-hanh-phuc-nhan-dan