Về miền “đất Phật-người Tiên”

Là một huyện đồng bằng trù phú nhưng Tiên Du lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những dãy núi đột khởi chạy dài, tạo cảnh sắc kỳ thú, đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh nên được dân gian ca ngợi là miền “đất Phật-người Tiên”… Không chỉ có cảnh đẹp bậc nhất vùng Kinh Bắc, Tiên Du còn được biết đến là một vùng văn hóa đặc sắc với trữ lượng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, được phân bố rộng khắp 68 thôn, làng trong huyện. 

Theo kết quả kiểm kê, Tiên Du hiện có 80/171 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh và có 2 bảo vật quốc gia (tượng Phật Adiđà và tượng 10 linh thú đá ở chùa Phật Tích). Hàng năm, có khoảng 70 lễ hội truyền thống được tổ chức ở hầu hết các làng, xã, thị trấn với nhiều nét đẹp đặc trưng của vùng văn hóa Kinh Bắc-Bắc Ninh, tiêu biểu như Lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích; lễ hội Lim… Đặc biệt, Tiên Du còn tự hào là một trong những không gian trung tâm của vùng văn hóa Quan họ với 9 làng Quan họ gốc, 3 làng Quan họ thực hành và 12 nghệ nhân được UBND tỉnh phong tặng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế văn hóa, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Tiên Du chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch; triển khai một số chương trình văn hóa-du lịch như: “Mỗi người dân là một tuyên truyền viên di sản văn hóa, hướng dẫn viên du lịch”; xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại các điểm di tích, điểm du lịch và trường học trên địa bàn…
Cùng với đó, từng bước nâng cao nhận thức và khả năng sẵn sàng đón khách của cộng đồng dân cư; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, nhất là các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư phát triển các dự án lớn; tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các trung tâm, khu, điểm du lịch, điểm đến văn hóa; đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa gắn với xúc tiến mở rộng thị trường khách du lịch; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

Khách du lịch quốc tế tham quan, chiêm ngưỡng tượng Phật Adiđà chùa Phật Tích (Tiên Du).

 

Huyện quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá từ huyện đến cơ sở; vận hành khai thác hiệu quả một số thiết chế văn hoá, công trình văn hóa công cộng trọng điểm như: Quảng trường đồi Lim, Sân vận động, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Hồ điều hòa Vân Tương, các Nhà thực hành Quan họ… Các thiết chế văn hóa không những đổi mới diện mạo quê hương Tiên Du mà còn tạo không gian cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, góp phần thu hút khách du lịch.
Mặc dù vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch chưa tương xứng với giá trị, tầm vóc và tiềm năng của huyện. Việc kết nối các điểm di tích, gắn với hoạt động du lịch chưa nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cộng đồng dân cư địa phương; công tác thu hút xã hội hóa và huy động tiềm năng trong nhân dân đối với công tác đầu tư tôn tạo di tích còn hạn chế…
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Tiên Du xác định mục tiêu phát triển du lịch nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa; hoàn thiện hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phát triển đồng bộ các dịch vụ, sản phẩm du lịch, tiện ích du lịch; ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bảo tồn di sản và phát triển du lịch; đưa Tiên Du trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của tỉnh và để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Theo đó, định hướng đến năm 2030, Tiên Du phấn đấu doanh thu của các dịch vụ văn hóa trên địa bàn huyện đóng góp khoảng 3% GRDP vào năm 2025 và khoảng 7% vào năm 2030; từng bước nâng mức đầu tư cho văn hóa đến năm 2025 đạt 4%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 5% tổng chi ngân sách nhà nước.
Giải pháp để đạt được mục tiêu trên là tiếp tục quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó tập trung phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các di tích có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử văn hóa như chùa Phật Tích, các bảo vật quốc gia tượng Phật Adiđà, tượng linh thú đá…; triển khai các đề án, dự án trọng điểm, ưu tiên phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội để xây dựng thương hiệu du lịch của huyện, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tạo nét độc đáo riêng để tăng sức cạnh tranh, thu hút khách và mở rộng thị trường theo hướng phát triển du lịch xanh, bền vững.
Ngoài ra, huyện Tiên Du sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh để tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến, hình ảnh văn hóa, con người vùng đất núi Hồng sông Tiêu; đẩy mạnh chương trình hợp tác về văn hóa với các địa phương trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện để các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế đến tham quan, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật tại địa phương; kết hợp chặt chẽ hoạt động văn hóa nghệ thuật với quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư; chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết và trách nhiệm; tuyển chọn, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại điểm, trước mắt là tại các điểm di tích có khả năng khai thác phục vụ du lịch…

T.Lâm

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-bac-ninh-xua-va-nay/-/details/20182/ve-mien-at-phat-nguoi-tien-