Nhiều người vẫn đang thắc mắc nên uống nước ở nhiệt độ bao nhiêu thì tốt cho sức khỏe nhất, hay đơn giản là nên uống nước ấm, nước lạnh hoặc nước ở nhiệt độ phòng?
Uống đủ nước mỗi ngày là rất cần thiết để hỗ trợ tất cả các chức năng của cơ thể, bao gồm tiêu hóa và trao đổi chất, loại bỏ chất thải, duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường và giữ cho các cơ quan và mô khỏe mạnh.
Nhưng nhiều người vẫn đang thắc mắc nên uống nước ở nhiệt độ bao nhiêu thì tốt cho sức khỏe nhất, hay đơn giản là nên uống nước ấm, nước lạnh hoặc nước ở nhiệt độ phòng? Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây.
Uống nước lạnh không tốt?
Theo y học cổ truyền Ấn Độ, nước lạnh có thể gây mất cân bằng cho cơ thể và làm chậm quá trình tiêu hóa. Cơ thể có nhiệt độ lõi khoảng 37°C và các thầy thuốc giải thích rằng cơ thể cần tiêu tốn thêm năng lượng để khôi phục nhiệt độ này sau khi uống nước lạnh.
Trong y học cổ truyền Ấn Độ, nước lạnh có thể làm giảm “lửa”, hay Agni, là yếu tố cung cấp năng lượng cho tất cả các hệ thống trong cơ thể và rất cần thiết cho sức khỏe. Các thầy thuốc cũng tin rằng nước ấm hoặc nóng giúp cơ thể tiêu hóa dễ dàng hơn.
Còn Tây y cũng chỉ ra rằng có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy nước lạnh không tốt cho cơ thể hoặc tiêu hóa. Uống nhiều nước có thể giúp cơ thể loại bỏ độc tố, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
Một nghiên cứu được thực hiện ở quy mô nhỏ từ năm 2013 đã tìm hiểu về tác dụng của nước uống ở nhiệt độ khác nhau ở 6 người bị mất nước, sau khi tập thể dục nhẹ, trong buồng nóng và ẩm.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng việc thay đổi nhiệt độ nước ảnh hưởng đến phản ứng đổ mồ hôi của những người tham gia và lượng nước họ uống. Nhiệt độ nước tối ưu trong nghiên cứu là 16°C, là nhiệt độ của nước mát từ vòi vì những người tham gia uống nhiều nước hơn và đổ mồ hôi ít hơn.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng uống nước ở 16°C có lẽ là nhiệt độ tốt nhất để bù nước ở những vận động viên bị mất nước.
Những nguy cơ khi uống nước lạnh
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị các bệnh liên quan đến thực quản như chứng co thắt thực quản, nên tránh uống nước lạnh. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012 cho thấy uống nước lạnh làm các triệu chứng nặng thêm ở những người bị co thắt thực quản.
Tuy nhiên, khi những người tham gia nghiên cứu uống nước nóng, điều này giúp làm dịu và thư giãn ống thực quản, làm cho thức ăn và đồ uống dễ nuốt hơn.
Trong năm 2001, một nghiên cứu được thực hiện với 669 phụ nữ cho thấy uống nước lạnh có thể gây đau đầu ở một số người. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng 7,6% số người tham gia bị đau đầu sau khi uống 150 ml nước đá lạnh bằng ống hút.
Họ cũng phát hiện ra rằng những người bị đau nửa đầu dễ bị đau đầu gấp đôi sau khi uống nước lạnh so với những người chưa bao giờ bị đau nửa đầu.
Một số người cho rằng tiêu thụ đồ uống và thực phẩm lạnh có thể gây đau họng hoặc cảm lạnh. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học ủng hộ tuyên bố này.
Những lợi ích khi uống nước lạnh
Một số nghiên cứu gợi ý rằng uống nước lạnh hơn trong khi tập thể dục có thể cải thiện thành tích và sức bền.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2012 gồm 45 nam giới khỏe mạnh cho thấy uống nước lạnh trong suốt quá trình tập thể thao làm giảm đáng kể sự gia tăng thân nhiệt lõi so với khi uống nước ở nhiệt độ phòng.
Một nghiên cứu từ năm 2014 đã tìm hiểu về tác động của các loại đồ uống khác nhau đến thành tích đạp xe của 12 vận động viên nam đang tập luyện trong khí hậu nhiệt đới.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng uống một loại nước giải khát có đá sẽ giúp họ có thành tích cao hơn so với uống nước ở nhiệt độ trung tính. Tuy nhiên, họ cũng kết luận rằng các vận động viên đạt thành tích tốt nhất khi uống nước giải khát có đá và có hương vị bạc hà.
Một số người tuyên bố rằng uống nước lạnh có thể giúp thúc đẩy giảm cân. Mặc dù một số nghiên cứu gợi ý uống nhiều nước hơn có thể giúp cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn một chút, nhưng dường như có rất ít sự khác biệt giữa uống nước lạnh và nước ở nhiệt độ phòng.
So sánh lợi và hại của uống nước lạnh với nước ấm
Mọi người có thể phát hiện ra rằng uống nước ấm hoặc nóng sẽ làm dịu cơ thể, đặc biệt là trong những tháng lạnh, trong khi nước lạnh có thể giúp sảng khoái hơn trong những ngày nóng hơn. Uống nước ấm có thể tạm thời cải thiện tuần hoàn máu nhờ làm cho các động mạch và tĩnh mạch giãn rộng.
Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ của nước uống có thể ảnh hưởng đến mức độ đổ mồ hôi và bù nước.
Ví dụ, một nghiên cứu của Quân đội Mỹ được thực hiện từ năm 1989 cho thấy uống nước ấm (40°C) thay vì nước mát (15°C) có thể khiến mọi người uống ít hơn, có thể dẫn đến mất nước.
Một nghiên cứu năm 2013 chỉ ra nhiệt độ nước tối ưu để bù nước sau khi tập thể dục có thể là 16°C, gần bằng nhiệt độ với nước mát lấy trực tiếp từ vòi. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng những người uống nước ở nhiệt độ này đã tự nguyện uống nhiều nước hơn và đổ mồ hôi ít hơn so với khi uống nước ở nhiệt độ khác.
Trong một nghiên cứu năm 2011, các nhà nghiên cứu kết luận uống nước lạnh ở nhiệt độ 5°C “không cải thiện tình trạng uống nước và uống nước tự nguyện” ở 6 vận động viên Taekwondo.
Tuy nhiên, uống nước ở bất kỳ nhiệt độ nào đều là cần thiết để giữ đủ nước, đặc biệt là khi tập thể thao hoặc trong môi trường nóng.
Kết luận
Có rất ít bằng chứng khoa học khẳng định uống nước lạnh có hại cho sức khỏe của mỗi người. Thực tế, uống nước lạnh hơn có thể cải thiện thành tích thể thao và tốt hơn cho việc bù nước khi tập luyện, đặc biệt là trong môi trường nóng hơn.
Tuy nhiên, uống nước lạnh có thể làm các triệu chứng ở những người bị co thắt thực quản nghiêm trọng hơn. Uống nước lạnh cũng có thể gây đau đầu ở một số người, đặc biệt là những người bị chứng đau nửa đầu.
Mọi người nên đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, bất kể đó là nước nóng, nước lạnh hay nước ở nhiệt độ phòng. Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ khuyên phụ nữ cần uống khoảng 2,7 lít nước/ngày để đáp ứng nhu cầu nước của cơ thể và nam giới khoảng 3,7 lít. Lượng này có thể đến từ cả thực phẩm và đồ uống.
* Theo Medical News Today