Đi tiểu ra máu là triệu chứng đầu tiên cảnh báo căn bệnh ung thư bàng quang. Ung thư bàng quang có liên quan tới thói quen hút thuốc và một số yếu tố nguy cơ khác.
25% bệnh nhân ung thư bàng quan đến ở giai đoạn muộn
Trước khi bị tiểu ra máu sức khỏe của ông N.D.Đ (69 tuổi tại TP.HCM) vẫn khỏe mạnh bình thường. Thời gian gầy đây ông Đ bị đi tiểu ra máu và đau ở vùng hông lưng. Ông Đ đã tới Bệnh viện Đại học Y Dược.TPHCM khám kết quả chẩn đoán, ông bị ung thư bàng quang xâm lấn cơ giai đoạn T2.
Nghe kết quả mắc bệnh ung thư bàng quang từ bác sĩ ông Đ đã rất “sốc”, vì không không nghĩ căn bệnh ung thư lại hỏi thăm mình.
Sau khi, được bác sĩ giải thích ông Đ đã chấp nhận điều trị phẫu thuật nội soi cắt bỏ toàn bộ bàng quang và tạo hình bàng quang. Sau phẫu thuật 10 ngày, ông Đ được xuất viện, không cần mang bất cứ ống hoặc túi dẫn lưu nào trong cơ thể và tự đi tiểu được qua đường tự nhiên như trước mổ.
Kết quả tái khám định kỳ cho thấy, bàng quang mới hoạt động tốt, bệnh ung thư đã được điều trị khỏi.
Khói thuốc có liên quan tới căn bệnh ung thư bàng quang, ảnh minh hoạ.
Mỗi năm, Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận điều trị khoảng 140 trường hợp ung thư bàng quang, trong đó 25% người bện đến khám ở giai đoạn muộn, ung thư đã xâm lấn lớp cơ bàng quang và cần phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang để điều trị triệt để.
Ung thư bàng quang xảy ra ở lớp niêm mạc lót trong lòng bàng quang. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tế bào ung thư sẽ xâm lấn vào đến lớp cơ bàng quang và có thể di căn xa ra bên ngoài bàng quang, gây khó khăn cho việc điều trị tận gốc, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay, điều trị ung thư bàng quang tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Ở giai đoạn sớm, phương pháp điều trị chủ yếu là cắt toàn bộ bướu bàng quang qua ngả nội soi niệu đạo.
Khi bệnh phát triển ở mức độ ác tính của tế bào ung thư, bướu bàng quang có thể tái phát từ 30 – 50% trường hợp sau phẫu thuật nội soi cắt bướu. Do đó, người bệnh phải tuân thủ chế độ tái khám nghiêm ngặt để có thể phát hiện sớm các trường hợp bướu tái phát.
Khi bướu không còn khu trú ở lớp niêm mạc lót bên trong mà đã xâm lấn vào lớp cơ bàng quang, cách điều trị hiệu quả duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang.
Sau khi cắt bỏ toàn bộ bàng quang, trong phần lớn các trường hợp, bác sĩ sẽ dùng một đoạn ruột non để tái tạo lại bàng quang mới giúp người bệnh có thể tự đi tiểu được qua đường tự nhiên như trước khi mổ.
“Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang và tạo hình mới bàng quang phải thực hiện bằng mổ hở, người bệnh phải chịu đựng một vết mổ dài ở bụng, đau nhiều sau mổ và thời gian phục hồi sau mổ rất lâu.
Hiện nay, phẫu thuật này có thể thực hiện qua nội soi ổ bụng, người bệnh chỉ có một vết mổ ngắn quanh rốn, ít đau và nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau mổ“, bác sĩ Đức nói.
“Thủ phạm” gây ra ung thư bàng quang
Bác sĩ Đức cho biết, nguyên nhân gây ung thư bàng quang chưa được xác định rõ, nhưng khoa học đã xác định được bệnh lý này có liên quan đến hút thuốc lá, phơi nhiễm tia bức xạ, nhiễm ký sinh trùng, tiếp xúc với hóa chất…
Ung thư bàng quang ở giai đoạn sớm, đa số người bệnh có triệu chứng tiểu máu (tiểu máu loãng hoặc tiểu máu cục), đôi khi kèm đau tức vùng hạ vị. Đến giai đoạn muộn khi ung thư đã di căn, người bệnh sẽ có biểu hiện đau nhiều vùng bụng dưới, đau tức vùng hông lưng, sưng phù cứng chi dưới, ho ra máu…
Bác sĩ Đức khuyến cáo, để phát hiện ung thư bàng quang sớm người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, ung thư bàng quang khi có di căn rất khó điều trị. Người dân cần lưu ý khi có dấu hiệu tiểu ra máu nên tới cơ sở y tế khám sớm, vì đây là triệu chứng đầu tiên cảnh báo ung thư.