Đối với người Việt Nam, chuyện ăn uống là chuyện rất quan trọng và mật thiết với chúng ta, thế nên chỉ từ chuyện ăn uống, mượn hình ảnh ăn uống, chúng ta đúc kết được nhiều cách ứng xử tốt đẹp, xứng với văn hoá truyền đời của Con Rồng Cháu Tiên.
Người Việt Nam “dĩ thực vi tiên”, lấy cái ăn làm đầu, tuy nhiên “cái ăn” ở đây cũng không chỉ đơn giản là ăn để thoả mãn, để sung sướng và no bụng. Từ lâu, việc ăn uống đối với người Việt Nam là chuyện có mối quan hệ mật thiết với đời sống tinh thần. Người dân ta mượn viện ăn uống để tỏ lòng kính trọng với tổ tiên (ngày giỗ, lễ lạt, cúng kiếng…), để thể hiện sự quan tâm, săn sóc (gắp thức ăn cho nhau, mẹ, chị, vợ… nấu cơm theo sở thích chồng, con…), và còn dùng để đúc kết, dạy dỗ các thế hệ mai sau nữa.
Ăn uống từ lâu đã không còn chỉ là ăn sao cho no, mà còn là ăn sao cho “đúng”. Nhiều người nghĩ ăn là việc bản năng, sinh ra đã biết đói là phải ăn, nhưng đối với người Việt Nam thì đến cả việc ăn cũng phải học:
Học ăn, học nói, học gói, học mở
Ăn cũng phải ăn sao cho đúng, cho lễ phép và lịch sự.
Đây là câu mà bất kì đứa trẻ Việt Nam nào cũng nghe được phải vài lần, có khi từ ông bà, có khi từ mẹ cha. Câu nói đơn giản nhưng đúc kết lại tầm quan trọng của việc nâng cao ý thực học tập, sự tinh tế, tính quan sát. Rằng là ở đời thì cái gì cũng phải chú ý học tập, không được chủ quan: ăn là ăn như thế nào cho có văn hoá, cho đúng, cho lịch sự? Nói thì học thế nào để nói lời hay, ý đẹp? Tất cả đều phải được tôi luyện và rèn giũa từ bé để trở thành con người thanh lịch. Nhắc đến đây, ông bà ta cũng có một câu rất hay nói về lề thói khi ăn uống của người Việt:
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
Người Việt Nam có văn hoá ăn cơm cùng gia đình, mà khi ăn uống cùng nhiều người như thế thì có những chuyện phải để ý. Ví như ăn thì phải trông nồi, xem cơm còn nhiều hay vơi, và để ý đến số người cần ăn, chứ không được ăn quá, đến người sau lại không ai còn phần. Mặt khác, việc “trông nồi” cũng có thể nói đến văn hoá săn sóc lẫn nhau, ai ngồi gần nồi cơm, khi các thành viên trong gia đình muốn ăn thêm thì biết tự giác giúp họ bới, nhất là với bậc trưởng bối hay các em nhỏ. Mặt khác, ngồi trông hướng cũng là một cụm rất ngắn gọn, nhưng từ đó ta rút ra được nhiều điều, rằng phải để ý trước sau, để ý đến hoàn cảnh mà hành xử cho phù hợp, không làm phiền lòng ai.
Triết lý rút ra từ việc ăn uống của ông bà ta: sống phải để ý, có trước có sau.
Từ việc học để ăn sao cho có văn hoá, người ta cũng phải biết ăn sao cho tốt cho sức khoẻ:
Nhai kỹ, no lâu
Ông bà ta từ xưa đã biết, ăn uống thì phải chậm rãi, kỹ càng. Ăn quá nhanh sẽ khiến thức ăn còn cứng, khó tiêu hoá, đầy bụng. Và vì không tiêu hoá được cho nên sẽ mau có cảm giác đói. Mặc khác, khi ta nhai kỹ, thức ăn được nghiền cẩn thận, khi trôi xuống bao tử sẽ tiêu hoá dễ dàng hơn, các chất hấp thụ được tốt hơn.
Hiểu được việc ăn uống mật thiết như thế nào, ông bà ta cũng “mượn” hình ảnh ăn uống để nhắc khéo con cháu về những giá trị và truyền thống tốt đẹp như:
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Khi ăn một trái ngọt, ta phải tự hỏi do đâu mà có? Là ai đã ngày ngày chăm bón cho cây, chờ ngày cây đơm hoa kết quả để có trái mà ăn? Đấy, từ đây lại liên tưởng rộng ra, chúng ta có thể ngồi ở hiện tại, làm những việc mà chúng ta đang làm, không phải là do công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà cha mẹ hay sao? Mặt khác, câu nói này cũng có nghĩa là đã hưởng lợi ích, thì phải nhớ đến người hay vật đã cho mình lợi ích đó để nhớ ơn của họ. Đơn giản như việc ăn một quả ngọt, thì phải biết ơn người đã trồng cây mà thôi.
Tết nào, người Việt cũng phải có một mâm cỗ cúng tổ tiên, thể hiện lòng nhớ thương và biết ơn.
Tuy nhiên, đã học cách biết ơn người giúp mình thì cũng phải biết là không phải lúc nào cũng có bàn tay sẵn sàng đưa ra nâng đỡ chúng ta trong cuộc đời. Chính vì vậy mà có câu:
Muốn ăn thì lăn vào bếp
Ăn ở đây đương nhiên không chỉ có nghĩa là “ăn”, mà nghĩa là muốn hưởng, muốn có một điều gì đó thì chúng ta nhất định phải bỏ ra công sức. Ông bà ta chỉ nói đơn giản là muốn ăn gì thì tự vào bếp mà làm, nhưng hàm ý trong đó lại áp dụng trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống: “muốn thi đậu thì phải học”, “muốn khoẻ mạnh thì phải chơi thể thao”, “muốn có tiền đi du lịch thì phải làm việc thật chăm chỉ”…
Từ đó ta thấy, ăn uống là việc gần gũi biết bao đối với dân tộc Việt Nam. Không chỉ đơn giản là “ăn”, ông bà ta biến nó thành nghệ thuật sống, những triết lý đáng chiêm nghiệm bắt nguồn từ những điều hết sức đơn giản. Biết rằng không thể dạy “suông”, họ nghĩ ra cách liên hệ những bài học đắt giá với các hoạt động chúng ta thực hiện mỗi ngày: ăn uống. Vậy nên, nghe theo lời ông bà, ta chỉ cần ăn sao cho đúng với những gì được truyền lại thì chất lượng cuộc sống sẽ tăng lên gấp nhiều lần cho mà xem.