Truyền thống yêu nước là điểm tựa của mọi thắng lợi

Có ai đó đã nói rằng, truyền thống dù chỉ một chút nhỏ cũng tốn lượng lịch sử vô tận để tạo ra. Vậy với một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn, yêu hòa bình như hơi thở và khát vọng độc lập, tự cường luôn cháy bỏng như dân tộc Việt Nam, thì lượng lịch sử để bồi đắp nên truyền thống dân tộc là không bao giờ có thể đong đếm hết.

Phát huy sức trẻ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Không ai có thể phủ nhận được rằng, tinh thần yêu nước là giá trị tinh thần nổi bật và cốt lõi nhất của dân tộc Việt Nam. Đó là thứ tinh thần, tình cảm đặc biệt được hình thành một cách tự nhiên như cách con người Việt Nam gắn bó tha thiết với nơi chôn rau cắt rốn, với quê cha đất tổ và với non sông ngàn dặm. Tình cảm cao quý ấy đã dưỡng nuôi mà làm nên cốt cách, tâm hồn biết mấy thế hệ con người Việt Nam từ xa xưa trong lịch sử cho đến ngày nay. Đặc biệt, đó là thứ tình cảm đã kinh qua vô vàn thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, thiên tai, địch họa như “ngọc càng mài càng sáng” và trở thành thứ ánh sáng đẹp đẽ nhất trong bảo tàng truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Để rồi, tinh thần yêu nước hay truyền thống yêu nước đã phát triển lên đến đỉnh cao và trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Điều này được minh chứng đậm nét nhất qua các cuộc tranh đấu giành, giữ nền độc lập và xây dựng đất nước qua trường kỳ lịch sử; trong đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với Chiến thắng Điện Biên Phủ, là một điển hình.

Kỳ tích Điện Biên Phủ được tạo nên từ “bệ đỡ” của tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của quân và dân ta. Có rất nhiều ví dụ để chứng minh cho nhận định này, mà hai trong số đó phải kể đến là việc kéo pháo vào trận địa và chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cho chiến dịch. Để đưa pháo vào trận địa, bộ đội ta đã phải dùng sức người để kéo pháo gần 10 ngày đêm và dưới mưa bom, bão đạn ác liệt của máy bay, pháo binh địch. Với quyết tâm cao và kế hoạch tổ chức ngày càng hoàn chỉnh, hàng ngàn chiến sĩ bộ binh và pháo binh đã lập nên kỳ công bí mật đưa pháo vào trận địa. Thế nhưng, khi chuyển sang phương châm đánh chắc tiến chắc, những khẩu pháo nặng hàng tấn lại được lệnh kéo ra. Có thể nói, việc dùng sức người kéo những khẩu pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm vượt đèo cao, suối sâu là một thử thách hết sức gian nan đối với thể lực và tinh thần của bộ đội ta. Bởi vậy, cùng với ý chí và kỷ luật “thép”, thì tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp xâm lược mới có thể biến sức người thành sức mạnh vô địch không gì cản nổi.

Để sẵn sàng cho cuộc đụng đầu lịch sử không khoan nhượng và phải chắc thắng này, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, nhằm dồn sức người, sức của chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Nhân dân khắp nơi nhất tề hưởng ứng, từ vùng tự do, vùng mới giải phóng Tây Bắc hay vùng sau lưng địch, người dân đều hăng hái tham gia phục vụ tiền tuyến. Những tuyến vận chuyển dài hàng vài trăm kilômét, đầy hiểm trở, lại ngày đêm bị địch oanh tạc nhưng vẫn thông suốt để nối hậu phương Thanh Hóa, Phú Thọ… lên Tây Bắc. Hội đồng Cung cấp tiền phương của Chính phủ và các tổ chức hậu cần của quân đội đã huy động mọi phương tiện hiện đại và thô sơ để vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận. Trong đó, hàng vạn xe đạp thồ và xe đẩy thô sơ, hàng nghìn thuyền mảng, hàng đoàn lừa ngựa đã được huy động để vận chuyển lương thực, đạn dược qua đường lớn, đường nhỏ, sông sâu, suối lũ… bảo đảm nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến.

Riêng tuyến hậu cần chiến dịch đã có 33.500 người phục vụ; Nhân dân đã đóng góp 27.400 tấn gạo; đồng bào vùng mới giải phóng Tây Bắc đóng góp vượt mức với 7.300 tấn lương thực… Con số ấy là một kỳ công chỉ có thể được xác lập bằng tinh thần của một cuộc chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện. Kỳ công ấy đã hoàn toàn nằm ngoài sự ước lượng của địch khi chúng chọn Điện Biên Phủ vốn cách trở làm điểm quyết chiến chiến lược với lực lượng chủ lực của ta. Đó là kỳ công của một lòng nồng nàn yêu nước mà nhờ đó, Điện Biên Phủ đã trở thành chảo lửa khổng lồ thiêu đốt toàn bộ dã tâm của kẻ thù, khiến chúng kinh ngạc, khiếp sợ và thất bại như một lẽ tất yếu.

Nhiều bài học lịch sử từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với đỉnh cao chói lọi là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được rút ra. Trong đó, bài học quan trọng nhất, cũng đồng thời là tư tưởng cơ bản, là điều cốt lõi của đường lối kháng chiến là tư tưởng toàn dân kháng chiến, cả nước đánh giặc. Đó là lấy sức mạnh của toàn dân để đối chọi và làm phá sản bộ máy chiến tranh to lớn, đánh thắng đội quân xâm lược nhà nghề được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Đây cũng là bài học được hình thành từ xa xưa trong lịch sử, khi cha ông ta đã sớm có ý thức cố kết dân tộc, đoàn kết chiến đấu để giữ nước, giữ làng. Kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc và vận dụng nguyên lý chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò quần chúng Nhân dân trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề phải dựa vào dân, “bạo lực cách mạng phải là bạo lực của quần chúng đông đảo”. Do vậy, khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Người nhấn mạnh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”!.

Bài học lịch sử ấy cũng chính là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được hun đúc qua khói lửa chiến tranh. Đó là giá trị bền vững và cao đẹp của dân tộc, đã trở thành chuẩn mực cao nhất định hướng suy nghĩ, điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân và cộng đồng, nhằm hướng tới mục tiêu chung vì sự trường tồn và phát triển của quốc gia – dân tộc. Nếu “một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ, và cũng không có tương lai”. Do đó, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ hôm nay sẽ trở thành điểm tựa, thành hành trang cho một tương lai rạng rỡ Việt Nam.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/truyen-thong-yeu-nuoc-la-diem-tua-cua-moi-thang-loi/185236.htm