Quân đoàn Thủy quân lục chiến của Trung Quốc
“Chiến thuật Salami” có một ý nghĩa tiêu cực, chúng đã được Đức Quốc xã những năm 1930 và Liên Xô trong giai đoạn sau Thế chiến II thực hiện nhuần nhuyễn.
“Chiến thuật xúc xích Salami”
Một trong những bài báo đầu tiên miêu tả chiến thuật của Trung Quốc trên biển (Biển Hoa Đông và biển Đông) của báo chí phương Tây là bài phân tích của Erik Voeten trên tờ Washington Post vào năm 2013.
Thuật ngữ “Chiến thuật xúc xích Salami” hay “Chiến thuật Salami” miêu tả hàng loạt động thái gây hấn tương đối nhỏ được định hướng với hai mục đích. Một là để xoa dịu chủ nghĩa dân tộc trong nước, và thứ hai là mở rộng dần dần các yêu sách lãnh thổ và cuối cùng là thống trị khu vực.
Nó thể hiện cách một nhà cầm quyền của một cường quốc dần dần cắt và nắm bắt những lát nhỏ của một mục tiêu cho đến khi những quốc gia nhỏ yếu hơn nhận ra rằng toàn bộ cây xúc xích Salami biến mất.
Trung Quốc nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Sau khi Hải quân Philippines phải rút lui, Trung Quốc đã triển khai các đội tàu đánh cá lớn trong khi ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá trong khu vực. (Ảnh AFP)
Như nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Thomas Schelling đã viết trong cuốn sách “Vũ khí và Ảnh hưởng”:
“Chiến thuật Salami” chúng ta có thể chắc chắn rằng được phát minh bởi một đứa trẻ.
Đầu tiên đứa trẻ sẽ ngồi trên bờ và thả đôi chân trần của nó chìm dưới nước. Rõ ràng đứa trẻ chưa xuống nước.
Sau đó nó sẽ đứng lên và chắc chắn một phần thân thể của nó sẽ chìm dưới nước.
Sau khi suy nghĩ kỹ, đứa trẻ sẽ bắt đầu lội nước, tuy không quá sâu.
Đứa trẻ sẽ dành một chút thời gian để quyết định xem điều này có nguy hiểm hay không và nó sẽ tiếp tục lội sâu hơn một chút, lập luận rằng nó hoàn toàn không khác giai đoạn trước đó.
Chẳng mấy chốc, chúng ta sẽ phải bảo đứa trẻ đừng bơi, và tự hỏi tại sao những cảnh báo của chúng ta không có giá trị gì.”.
Chìa khóa để trò chơi “Chiến thuật Salami” luôn hiệu quả là sự vi phạm đủ nhỏ để không gây ra phản ứng nặng nề. Theo Schelling:
“Không có sự phân chia hành động rõ rệt trong một sự vi phạm nhỏ như một cuộc đối đầu lớn.
Nhưng sự gia tăng các hành động liên tục khiến đối tượng có thể bắt đầu sự xâm nhập từ quy mô nhỏ để đương đầu dần với các phản ứng và tăng nó cho tới mức độ không thể nhận ra.
Cuối cùng thì trong toàn bộ quá trình không bao giờ xuất hiện một vấn đề nguy hiểm tới mức mà đối phương chắc chắn sẽ có các phản ứng mãnh liệt.”.
“Chiến thuật Salami” có một ý nghĩa tiêu cực, chúng đã được Đức Quốc xã những năm 1930 và Liên Xô trong giai đoạn sau Thế chiến II thực hiện nhuần nhuyễn.
Vậy các nước có tranh chấp với Trung Quốc và Hoa Kỳ phản ứng như thế nào trong trường hợp này?
Schelling nói rằng việc liên tục phát ngôn phản đối và đôi khi trừng phạt ngẫu nhiên một đối tượng của đối phương có thể giúp ngăn chặn các yêu sách trong tương lai. Tuy nhiên đây cũng là một chiến thuật rủi ro và có thể sẽ kém hiệu quả.
Philippines từng bước bị Trung Quốc “cắt xẻo” và loại khỏi cuộc chơi
Trong các diễn biến diễn ra gần đây tại khu vực Biển Đông ta cần quay lại một sự kiện khác, diễn ra đã hơn nửa thập kỷ.
Cuộc đối đầu tại Bãi cạn Scarborough từ năm 2012 tới nay được chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 – Giai đoạn đứa trẻ ngồi trên bờ và thả đôi chân trần xuống nước.
Vào tháng 4/2012, Philippines phát hiện các tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc tại khu vực bãi cạn. Trong vòng hai ngày, sự việc leo thang trở thành một cuộc đối đầu giữa Soái hạm BRP Gregorio del Pilar của Philippine và hai tàu hải giám bảo vệ các tàu đánh cá của Trung Quốc.
Giai đoạn 2 – Giai đoạn đứa trẻ đứng lên và lội xuống nước nông.
Từ tháng 4 tới cuối tháng 5, phía Trung Quốc đã tăng cường số lượng tàu hải giám và tàu dịch vụ nghề cá lên tới hàng chục chiếc với yêu sách “thi hành luật pháp, quản lý và duy trì hoạt động nghề cá”.
Giai đoạn 3: Đứa trẻ đã lội xuống sâu và chuẩn bị bơi.
Từ tháng 6/2012, quân đội Trung Quốc được cho là đã tiếp cận và đồn trú lâu dài cho tới nay tại bãi cạn.
Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các thực thể trên bãi cạn Scarborough, các tranh cãi pháp lý do Philippines đưa ra dường như không đủ sức để lực lượng Trung Quốc rút quân khỏi Scarborough.
Câu hỏi đặt ra lúc ấy chỉ là bao nhiêu lâu nữa Scarborough trở thành một căn cứ hải quân và không quân nằm sát nách Philippines.
Sau khi “mất” bãi cạn Scarborough, Philippines chỉ còn kiểm soát phi pháp một số vị trí ít ỏi, đếm trên đầu ngón tay trên Biển Đông.
Các vị trí này đều bị bao quanh bởi các vị trí do Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Vấn đề chỉ là thời gian bao nhiêu lâu nữa Philippines bị Trung Quốc loại khỏi cuộc chơi.
Diễn tập tái chiếm đảo trong cuộc tập trận chung Mỹ -Philippines “Balikatan” tháng 4 năm 2019 (Bản quyền Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ).