Không chờ đến khi U22 Trung Quốc bị thầy trò HLV Park Hang-seo đè bẹp, người Trung Quốc mới biết họ “có vấn đề”. Trái ngược với nó là tầm nhìn lớn của bóng đá Việt Nam, từ bầu Đức.
1. Sau trận thua “tâm phục khẩu phục” của U22 Trung Quốc trước U22 Việt Nam, tờ Sina của đất nước tỷ dân này đã đưa ra nhận định về căn nguyên của “thảm họa” này: “Việt Nam dù có trình độ kinh tế, môi trường đào tạo không thể so sánh được với Trung Quốc, nhưng chiến thắng của U22 Việt Nam, cùng với những thành tích vừa qua như một cú tát mạnh vào nền bóng đá Trung Quốc.
Bóng đá Việt Nam thành công là do có sự tập trung vào việc xây dựng nền tảng từ 7-8 năm trước, cùng với đá là đẩy mạnh đào tạo tài năng bóng đá ngay từ khi còn nhỏ. Cách làm này đã mang lại hiệu quả, và Việt Nam đang bắt đầu đón nhận những thành quả vượt bậc.
Trong khi đó, bóng đá Trung Quốc đang gặp phải khủng hoảng trầm trọng. Điều đáng ngại nhất là những chính sách phát triển không được thực hiện một cách liên tục và mạch lạc. Cứ mỗi nhiệm kỳ mới sẽ có những chính sách bị đẩy lùi để thay vào đó bằng các chính sách mới. Điều này khiến sự phát triển bóng đá Trung Quốc bị ngắt quãng và ngày càng rối ren“.
Có một chỗ sai trong nhận định này của Sina, đấy là nền tảng của bóng đá Việt Nam hiện tại không chỉ được xây dựng từ 7-8 năm trước, mà còn xa hơn thế nữa, từ ngày bầu Đức quyết định đầu tư cho bóng đá trẻ “ra tấm ra món”, với học viện HAGL Arsenal JMG, với quyết tâm đào tạo ra được những cầu thủ xuất chúng, đủ sức gánh vác tương lai của bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức không phải là người duy nhất, cũng không phải là người thành công nhất trong việc tạo nên “thế hệ vàng” hiện tại của bóng đá Việt Nam, thậm chí trong chiến thắng vừa qua trước U22 Trung Quốc, HAGL của ông đóng góp khá khiêm tốn, nhưng ông bầu phố Núi này lại là người đầu tiên tạo ra được một môi trường chuyên nghiệp cho bóng đá trẻ Việt Nam, vạch ra “con đường sáng” để HLV Park Hang-seo hoàn thành “đại nghiệp” với bóng đá Việt Nam.
2. Trung Quốc không hề kém Việt Nam trong việc đầu tư cho bóng đá trẻ. Thậm chí, khoản đầu tư của bầu Đức suốt 11 năm qua cho học viện HAGL Arsenal JMG còn chẳng bằng được một góc nhỏ của riêng CLB Guangzhou Evergrande, với học viện bóng đá có diện tích đến 300 héc ta, với giá trị đầu tư lên đến 130 triệu bảng Anh.
Đâu chỉ có thế, Guangzhou Evergrande còn “chơi lớn” khi thuê hẳn 24 HLV người Tây Ban Nha từ Real Madrid để đào tạo các nhân tài trẻ của bóng đá Trung Quốc.
Học viện bóng đá Guangzhou Evergrande.
Nhưng rốt cuộc sau 7 năm tính từ ngày khai trương hoành tráng, học viện Guangzhou Evergrande vẫn chưa thể giúp nhiều cho bóng đá Trung Quốc, khi ĐTQG Trung Quốc bị Thái Lan hạ gục 0-1 ngay tại Nam Ninh, còn U22 Trung Quốc bị thầy trò HLV Park Hang-seo vùi dập đến tơi tả tại Vũ Hán, dẫu được dẫn dắt bởi HLV tầm World Cup – Guus Hiddink.
Bởi nếu như các cầu thủ trẻ Trung Quốc phần lớn đều chỉ đóng vai trò dự bị ở các CLB trong nước khi giải VĐQG của quốc gia này tràn ngập các ngoại binh đắt giá và hào nhoáng, các đội bóng liên tục cười vào mặt chính sách dùng cầu thủ trẻ của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc, ĐTQG Trung Quốc ngập tràn cầu thủ nhập tịch, thì bầu Đức nhất quyết “nhấc” cả đội U19 HAGL lên chơi ở đấu trường V.League đầy khắc nghiệt, để tạo môi trường cho các cầu thủ trẻ phát triển.
Người ta từng cười vào HAGL của bầu Đức với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… đóng vai trụ cột, thậm chí không ít lời dè bỉu cách làm bóng đá “vác tù và hàng tổng” của ông, nhưng khi có đến 5 cầu thủ trưởng thành từ đội bóng phố Núi được HLV Park Hang-seo tung vào sân trong trận hòa quả cảm trước Thái Lan ở vòng loại World Cup vừa qua, người ta biết rằng ông đã đúng.
Giờ đây, khi ĐTQG Trung Quốc phải “muối mặt” tập trung cầu thủ người Brazil – Elkeson, để thi đấu ở vòng loại World Cup dù chịu không ít lời dè bỉu của cổ động viên nước nhà, khi HLV trưởng ĐTQG Trung Quốc – Marcelo Lippi phải ngao ngán thốt lên: “Nếu được, Trung Quốc sẽ nhập tịch cả Ronaldo lẫn Messi“, thì người ta mới thấy được hệ lụy to lớn của việc bóng đá quốc gia này đang “mất gốc”.
Trong khi đó, với bước tiên phong của bầu Đức, kéo theo sự phát triển của những lò đào tạo trẻ được đầu tư nghiêm ngắn như PVF, Hà Nội, ĐTQG Việt Nam đang có trong tay những hảo thủ đủ sức khuynh đảo bóng đá châu Á dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, và U22 Việt Nam cũng dưới bàn tay của ông dạy cho bóng đá trẻ Trung Quốc một bài học, người ta mới thấy tầm nhìn vĩ đại từ hơn 10 năm về trước của ông.
Tầm nhìn ấy, không phải cứ có tiền là có được, và không phải ai cũng dám hi sinh nhiều đến thế để biến giấc mơ của bóng đá Việt Nam thành hiện thực.
Cảm ơn ông, bầu Đức!
Giao hữu: U22 Trung Quốc 0-2 U22 Việt Nam (Nguồn: NEXT Sport)