Một nghiên cứu bất ngờ cho thấy, người dân Trung Quốc đang đi thuê bộ sạc dự phòng nhiều hơn bao giờ hết, bất kể họ hoàn toàn có thể đem theo nó bên người.
Khi các start-up chia sẻ pin sạc dự phòng nổi lên vài năm trước, đã có không ít những hoài nghi về sự thành công của mô hình này. Những cục sạc dự phòng này được lấy ra và trả lại các trạm sạc nhỏ giống như một tủ lạnh mini. Để thuê các cục sạc dự phòng này, khách hàng sẽ cần tới một ứng dụng di động.
Hầu hết các start-up đều nhắm đến cư dân thành thị, những người cần tới pin dự phòng khi có việc ra ngoài. Tuy nhiên nhiều người cho rằng, tại sao mọi người lại phải cần một dịch vụ như vậy khi họ hoàn toàn có thể đem theo một cục sạc dự phòng. Nhưng trái với quan điểm đó, nhiều người dùng có vẻ khá thích thú với ý tưởng này.
Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Trustdata, hiện có khoảng 150 triệu người Trung Quốc dự kiến sẽ sử dụng dịch vụ chia sẻ sạc dự phòng trong năm nay, tăng từ mức trung bình 116 triệu người trong năm 2018.
Hiện có hơn một nửa các trung tâm thương mại, nhà hàng, sân bay và nhà ga quốc gia tại Trung Quốc đang cung cấp các cửa hàng cho thuê pin dự phòng. Trong đó 2/3 người dùng dưới 30 tuổi.
Trong thời kỳ bùng nổ hình thức kinh doanh này, đã có 35 công ty đầu tư mạo hiểm rót hơn 160 triệu USD vào các start-up kinh doanh dịch vụ chia sẻ pin sạc dự phòng chỉ trong vòng 40 ngày. Cuộc chiến tranh giành thị phần cũng nhanh chóng biến thành cuộc chiến về giá khi một số start-up quyết định giảm chi phí cho thuê sạc chỉ còn 0,14 USD/lần để tăng sức cạnh tranh. Trong khi đó một số start-up lại khuyến mãi bằng cách cho thuê miễn phí trong giờ đầu tiên.
Không chỉ có các start-up mới nổi mới quan tâm đến dịch vụ chia sẻ thú vị này mà cả các thương hiệu lớn như Meituan Dianping cũng chú ý đến. Nhưng mọi thứ đôi khi không hề dễ dàng.
Meituan Dianping đang cung cấp nhiều dịch vụ từ giao đồ ăn đến đặt chỗ du lịch và mới đây, hãng đã tiếp tục tham gia vào thị trường chia sẻ sạc dự phòng. Tuy nhiên chỉ sau chưa đầy 3 tháng vận hành, công ty đã phải bỏ cuộc chơi vì thiếu sự liên kết với các công ty khác.
Trong khi đó, những người còn hoài nghi về tính thực tiễn của dịch vụ này tiếp tục đặt câu hỏi về nhu cầu thuê sạc dự phòng của người dùng khi họ có thể mua một cục sạc dự phòng mới với giá chưa đầy 15 USD tại Trung Quốc.
Trái ngược lại theo cơ quan tư vấn iiMeida, lượng người dùng dịch vụ chia sẻ sạc dự phòng đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn giữa năm 2017 và 2018. Và trong hai năm qua, hơn 2 triệu người dùng đã thuê một cục sạc dự phòng ít nhất 1 lần/tuần.
AnkerBox, một start-up với tên gọi khác là Jiedian với sự chống lưng của hãng sản xuất phụ kiện nổi tiếng Anker đang dần trở thành một thế lực dẫn đầu trong thị trường này.
Trustdata cho biết, một trong những thứ cản trở sự phát triển của dịch vụ này là việc người dùng tham gia sẽ phải đặt cọc một khoản khoảng 15 USD. Mặc dù vậy cho đến nay khoảng 95% start-up đã quyết định bỏ việc đặt cọc này. Bất ngờ thay chỉ có chưa đầy 1% người dùng không trả lại sạc dự phòng đã thuê. Nói cách khác, số người dùng tự giác và tôn trọng dịch vụ này rất cao.
Truyền thông Trung Quốc ước tính, chi phí cho mỗi cục sạc dự phòng là từ 7-10 USD và lên tới 1 ngàn USD cho mỗi một trạm sạc. Rõ ràng chi phí vận hành của một start-up cho thuê sạc dự phòng thấp hơn rất nhiều với chia sẻ xe đạp, ít phải bảo trì và hơn hết không lo thiếu khách hàng.
Tương lai của ngành kinh doanh dịch vụ chia sẻ sạc dự phòng đang ngày càng nóng tại Trung Quốc. Sức hút của nó lớn tới nỗi một start-up trước đây từng từ bỏ thị trường này đã phải quyết định quay trở lại vì nhận thấy những tiềm năng phát triển vô cùng to lớn.
Tham khảo SCMP