Theo các bác sĩ, có một thực trạng diễn ra phổ biến là lạm dụng rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, từ đó làm tăng tỷ lệ các bệnh nhân nhập viện, đe dọa tính mạng.
Uống rượu thâu đêm không thấy mệt
Bệnh nhân Trần Đức L. (45 tuổi, Hà Nội) bị rách thực quản, chảy máu ồ ạt do uống rượu. Theo đó, bệnh nhân vào viện trong tình trạng da xanh tái, nôn ra máu nhiều, người mệt xỉu, có dấu hiệu ngất.
Người nhà bệnh nhân cho biết, sau khi uống rượu đến 1h sáng bệnh nhân thấy choáng, vừa bước chân ra khỏi bàn nhậu thì ngã chúi xuống liên tiếp, sau đó nôn và đi ngoài ra máu nhiều.
Sau nhập viện và cấp cứu, xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mất gần 1 lít máu. Bệnh nhân H. được chẩn đoán rách tĩnh mạch thực quản nặng gây chảy máu ồ ạt. Ngay lập tức bệnh nhân được nội soi kẹp clip thực quản và soi dạ dày tiêm xơ và truyền liên tục 700ml máu.
Hình ảnh thực quản bị rách do ngộ độc rượu (Ảnh minh họa)
“Tôi có thể uống rượu thâu đêm mà không thấy mệt, năm 18 tuổi tôi đã uống rượu và như thói quen vậy. Đến bữa cơm không có rượu là tôi không chịu được. Trước hôm vào viện, tôi có khách ở xa về nên định ngồi lai rai với bạn, đến 1h sáng thì tôi nôn thốc tháo và ra máu” – Bệnh nhân Trần Đức L nhớ lại.
Cách đây không lâu, BV đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cũng tiếp nhận và cấp cứu thành công bệnh nhân H. V. T. 49 tuổi (Đoan Hùng – Phú Thọ) vào viện trong tình trạng da xanh xao, niêm mạc nhợt, củng mắt vàng, nôn ra máu đỏ tươi, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Theo người nhà bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân tự nhiên xuất hiện nôn ra máu và đia ngoài ra máu tươi vào buổi sáng cùng ngày vào viện. Đến chiều tình trạng nôn ra máu ngày càng tăng gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm, xuất huyết tiêu hóa nặng kèm theo các triệu chứng của sốc mất máu, bệnh nhân được đưa ngay đến phòng nội soi tiêu hóa cùng 4 đơn vị máu và huyết tương.
Bệnh nhân bị vỡ tĩnh mạch do có tiền sử uống rượu lâu năm (Ảnh: LQ)
Khi máy nội soi tiến vào đến thực quản qua tâm vị bắt gặp điểm chảy máu liên tục thành tia. Vừa truyền máu cấp cứu các bác sỹ tiến hành thủ thuật thắt tĩnh mạch thực quản cầm máu. Tĩnh mạch thực quản của bệnh nhân giãn rất nhiều (độ III) nên các bác sỹ cần tới 3 đầu thắt mới có thể cầm máu.
Khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân H. V. T. cho hay, “Bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm nay và có tiền sử xơ gan lẫn tim mạch nhưng không điều trị thường xuyên và vẫn uống rượu rất nhiều gây nên tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản nặng dẫn đến vỡ tĩnh mạch”.
Nhiều người thèm rượu uống cả cồn công nghiệp có mùi thơm cay như rượu
Tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, GS. TS. Bác sĩ Nguyễn Gia Bình – Nguyên Trưởng khoa cho biết; Khoa thường xuyên gặp các ca như thế bị xơ gan, rách thực quản, dạ dày do uống quá nhiều rượu.
Trên thực tế, nhiều người sử dụng rượu bia bất chấp, có người vì quá thèm rượu, nhiều khi uống cả vào những loại cồn công nghiệp, cồn methanol, cũng có mùi thơm và cay cay như rượu.
Nhưng cái đó cực kỳ độc, nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, sử dụng các biện pháp lọc máu, truyền dịch, đảo thải sớm, bệnh nhân có thể tử vong.
Chính vì thế, tình trạng lạm dụng rượu bia rất nguy hiểm. Nhẹ có thể gây ra tình trạng nôn mửa, nặng có thể dẫn tới rách, chảy máu thực quản, dạ dày, hôn mê khiến người bệnh ngừng thở, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu.
Có nhiều trường hợp nôn ra và hít phải chất nôn cũng gây tử vong, chưa kể đến việc tổn thương hệ tim mạch, gan, thận cấp tính gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết, tỷ lệ tử vong cao.
GS. TS. Bác sĩ Nguyễn Gia Bình – Nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai
Các bác sĩ cho biết, ngộ độc rượu gây hại nặng nề tới sức khỏe và tốn kém chi phí trong quá trình điều trị. So với các chất gây hại cho sức khỏe con người, rượu là một trong các chất gây ra nhiều tổn thương và nhiều bệnh tật nhất.
Các thống kê của ngành y tế được công bố mới đây cho thấy, rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh ung thư như: miệng, họng, thanh quản, đại trực tràng, gan… và càng uống nhiều thì nguy cơ gây ung thư càng tăng.
Khi vào cơ thể, cồn (ethanol) trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde. Nếu chỉ uống rượu, bia với số lượng nhỏ thì cơ thể có thể dung nạp. Nhưng nếu uống quá mức, chất này sẽ tồn lại trong gan, gây độc cho cơ thể.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế uống rượu, từ bỏ ngay lập tức thói quen sử dụng rượu quá nhiều, không uống những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tác hại của rượu, bia là do chất cồn gây ra, phụ thuộc vào lượng uống (bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).