Ảnh minh họa: Reuters
Sau 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc tăng cường được đáng kể thế và lực nhưng thế giới hiện tại không vì thế mà thuận lợi cho nước này.
40 năm cải cách và mở cửa
Trong những ngày này, Trung Quốc và thế giới nhìn lại 40 năm cải cách và mở cửa ở Trung Quốc.
Người Trung Quốc tự hào về những thành tựu phát triển đất nước trong 4 thập kỷ ấy. Người bên ngoài Trung Quốc vẫn chưa hẳn hết tranh luận với nhau về nguyên nhân thành công và bài học thất bại của Trung Quốc trong 40 năm qua, cũng như về Trung Quốc trong thời gian tới.
Trong khoảng thời gian ấy, Trung Quốc là cuộc thí nghiệm quy mô lớn nhất trên thế giới về cải cách và mở cửa đất nước để phát triển kinh tế và làm cho xã hội thịnh vượng. Tiềm lực mọi mặt và vị thế quốc tế của Trung Quốc ngày nay là bằng chứng rõ ràng nhất và thuyết phục nhất về thành công của Trung Quốc trong định hướng chính sách phát triển mới này.
Thế giới bên ngoài Trung Quốc đánh giá những thành quả phát triển ấy của Trung Quốc trong khoảng từ “ấn tượng” đến “kỳ diệu”.
Cách đây 40 năm, thế giới tò mò và hoài nghi về đường lối chính sách này của Trung Quốc, để rồi dần chuyển sang bị bất ngờ và ngỡ ngàng tới thuyết phục và nể phục, cuối cùng là vừa coi trọng Trung Quốc vừa dè chừng Trung Quốc.
Bốn thập kỷ cải cách và mở cửa đã làm Trung Quốc thay đổi cơ bản trên mọi phương diện, đã giúp Trung Quốc tự tin vào khả năng và bản lĩnh đến mức bắt đầu có thể công khai những mục tiêu cao xa và đầy tham vọng, có thể xuất hiện và hành xử trên thế giới như một trung tâm quyền lực thực thụ.
Trong tư duy chiến lược, trong suy tính lợi ích, trong hoạch định chính sách và trong triển khai thực hiện đều thấy có tính xuyên suốt khoảng thời gian ấy và không bị ảnh hưởng gì bởi mọi sự thay đổi nhân sự là quan điểm đi từ thí điểm đến phổ cập, đi từ cải cách kinh tế như có thể được tới cải cách chính trị như cần thiết, kiên định và kiên nhẫn, lấy mục tiêu cao xa làm động lực phát triển và sự khích lệ nỗ lực phấn đấu, thức thời và thực dụng, linh hoạt và quyết liệt. Đấy chính là bài học thành công khái quát nhất của Trung Quốc.
Mặt trái và cái giá Trung Quốc phải trả
Nhưng cái gì ở thế gian này cũng đều có mặt trái và cái giá của nó. Trung Quốc trong 40 năm qua cũng đã có không ít lần phải trả giá đắt cho những gì đạt được và đặc biệt là cho cách thức đạt được những thành quả cải cách và mở cửa đất nước ấy.
Do những đặc thù về chính trị và xã hội nội bộ, do những sai sót và vội vàng trong quá khứ, do những biến động trong thế giới hiện tại và do những vấn đề hiện tại đang đặt ra nan giải, phức tạp và nhạy cảm nên việc kiến tạo tương lai như Trung Quốc đang dự định và theo đuổi tuy không hẳn là không khả thi nhưng thật sự chắc chắn không dễ dàng chút nào.
Cái khó đối với Trung Quốc phần ở chính Trung Quốc, phần ở thế giới bên ngoài mà cụ thể là ở các đối tác của Trung Quốc.
Sau 40 năm, Trung Quốc hiện đã ở bên giới hạn của nhịp độ và mức độ phát triển mà mô hình và hệ thống chính sách lâu nay đưa lại. Trung Quốc trên danh nghĩa sẽ tiếp tục đường lối cải cách và mở cửa đất nước nhưng trong thực chất phải làm cuộc thí nghiệm mới trên mọi phương diện chính sách.
Trung Quốc cần mô hình phát triển mới, cơ cấu kinh tế mới, môi trường trong nước và ngoài nước mới cho phát triển kinh tế và quan hệ đối ngoại, kinh tế đối ngoại.
Trung Quốc phải tìm kiếm những động lực phát triển mới khi những lợi thế xưa nay giờ hao hụt hết dần.
Ở trong nước, Trung Quốc phải giải quyết những vấn đề xã hội, phải vừa thúc đẩy hơn nữa cải cách kinh tế vừa gắn kết hài hoà với cải cách chính trị. Ở bên ngoài Trung Quốc, Trung Quốc phải trực diện với cuộc cạnh tranh chiến lược không khoan nhượng với Mỹ và nhiều nước Phương Tây khác.
Với Trung Quốc, các nước này không còn như trong 40 năm qua. Họ nhìn nhận Trung Quốc vừa là đối tác vừa là mối đe doạ. Trung Quốc cũng còn không dễ dàng xoá nhoà sự dè chừng của rất nhiều nước khác trên thế giới về không ít quan điểm chính sách và cách hành xử của Trung Quốc trên một số lĩnh vực.
Sau 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc tăng cường được đáng kể thế và lực nhưng thế giới hiện tại không vì thế mà thuận lợi đối với việc Trung Quốc theo đuổi những mục tiêu mới trong tương lai.
(*) Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.