Đây sẽ là nghiên cứu đặt nền tảng cho một tương lai, ở đó chúng ta có thể tiêm thuốc để mọc lại chân hoặc tay đã mất.
Những con kỳ giông nổi tiếng với khả năng tái sinh cơ thể cực kỳ hiệu quả. Chúng có thể mọc lại chân, đuôi, các cơ quan trong cơ thể thậm chí là một phần não bộ. Con người đáng tiếc không có khả năng làm điều đó.
Nhưng một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science Advances có thể thay đổi toàn bộ tư duy của chúng ta về vấn đề này. Cơ thể con người hóa ra vẫn nắm giữ một cơ chế tái sinh của loài kỳ giông cách chúng ta 400 triệu năm tiến hóa, chẳng qua chúng ta chưa từng biết về nó mà thôi.
Nghiên cứu bây giờ cho thấy sụn trong khớp của con người cũng có thể tái sinh hệt như loài kỳ giông mỗi khi bị thương hoặc phải làm việc quá sức. Các nhà khoa học cho biết phát hiện này sẽ mở ra những cơ hội mới trong lĩnh vực điều trị bệnh xương khớp – và thậm chí có thể đem lại khả năng tái tạo toàn bộ chân tay cho chúng ta, vào một ngày nào đó.
Hóa ra con người cũng có khả năng tái sinh cơ thể, chỉ có điều bây giờ các nhà khoa học mới phát hiện ra
Một số loài động vật như kỳ giông và cá ngựa vằn sở hữu khả năng tái sinh là nhờ microRNA, những phân tử kiểm soát tập hợp lớn các gen tham gia vào quá trình tái tạo mô. Tin vui mà các nhà khoa học cho biết, con người cũng sở hữu những microRNA này, có điều nó không hoạt động mạnh ở tất cả các bộ phận trong cơ thể.
Qua quá trình tiến hóa, con người vẫn giữ lại được các microRNA giúp tái sinh sụn, và nó biểu hiện cực kỳ hiệu quả ở sụn mắt cá chân, sau đó là sụn đầu gối và hông.
Điều này liên quan đến một khái niệm mà các nhà khoa học gọi là tuổi sụn, nhưng không phải tính bằng năm mà bằng quá trình biến tính protein hoặc chuyển hóa axit amin. Sụn mắt cá chân là loại trẻ nhất, sau đó là đến sụn gối và sụn hông là già nhất theo cách xác định này.
Điều này hoàn toàn phù hợp với những quan sát của chúng ta trên các loài động vật có khả năng tái sinh. Theo đó, chúng cũng mọc lại đuôi nhanh nhất, sau đó mới tới chân sau và chân trước. Nghĩa là càng xa cơ thể, tuổi của các cơ quan có vẻ càng trẻ và chúng tái sinh càng tốt.
Trên người, mức độ hoạt động của microRNA và tuổi của sụn cũng giải thích tại sao chấn thương mắt cá chân lành nhanh hơn chấn thương đầu gối và hông. Ngoài ra, chúng ta cũng ít bị viêm khớp mắt cá chân hơn so với ở hai khu vực còn lại.
“Chúng tôi rất vui mừng khi biết rằng các yếu tố điều khiển sự tái sinh ở chi kỳ giông dường như cũng là yếu tố điều khiển quá trình phục hồi mô sụn khớp ở chi của con người”, giáo sư Ming-Feng Hsueh đến từ Đại học Duke cho biết. “Chúng tôi gọi đó là năng lực ‘kỳ giông bên trong” mỗi chúng ta”.
Trong nhiều nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học từng ghi nhận khả năng tái tạo của cơ thể người trong một số trường hợp. Chẳng hạn như khi những đứa trẻ bị đứt cụt đầu ngón tay, chúng vẫn có thể mọc lại khi được điều trị đúng cách.
Nhưng càng lớn khả năng tái tạo này càng biến mất. Nhiều nhà khoa học kết luận rằng con người “không thể chống lại những thiệt hại tích lũy” đối với khớp của họ. Nhưng nghiên cứu mới này đã chứng minh điều ngược lại.
Nó có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị chấn thương cho các vận động viên, người già hoặc bất kể một ai gặp vấn đề về khớp hoặc sụn. Chẳng hạn, các nhà khoa học gợi ý microRNA có thể được tiêm vào khớp để thúc đẩy quá trình tái sinh sụn hoặc phát triển thành các loại thuốc phòng ngừa và đẩy lùi viêm khớp.
Trong tương lai xa hơn, nó thậm chí có thể “thiết lập một cơ sở cho sự tái sinh chân tay của con người”, báo cáo nghiên cứu viết.
Sụn mắt cá chân là loại trẻ nhất, sau đó là đến sụn gối và sụn hông là già nhất theo cách xác định theo protein
Nhưng trước khi đạt được khả năng đó, các nhà khoa học sẽ phải tiến từng bước một. Đầu tiên, họ phải tìm ra đâu là những yếu tố tham gia vào quá trình tái sinh, loài kỳ giông có nhưng con người không có, giáo sư Byers Kraus, một đồng tác giả nghiên cứu cũng đến từ Đại học Duke cho biết.
“Sau đó, chúng ta sẽ xem liệu có thể bổ sung thêm các thành phần bị thiếu trở lại hay không”, bà nói. Một khi các yếu tố bị khuyết thiếu được xác định, chúng có thể kết hợp với microRNA để tạo ra một hỗn hợp phân tử có khả năng tái tạo toàn bộ các chi.
“Chúng tôi tin rằng tìm hiểu về khả năng tái tạo “giống với kỳ giông” ở người, và các yếu tố khiếm khuyết trong cơ chế này có thể đặt một nền tảng cho các phương pháp mới giúp sửa chữa các mô khớp và thậm chí là toàn bộ chân tay của con người”, giáo sư Kraus kết luận.
Tham khảo Gizmodo, CNN