Trót bán mì chính thừa từ đám cưới con trai, người phụ nữ bị đề nghị 30 tháng tù treo

Bị cáo Lương tại tòa. Ảnh: Hoàng An.

Tại tòa, bị cáo Lương trả lời rằng bà không hay bán mì chính, chỉ thỉnh thoảng mới bán, bản thân cũng không biết đó là hàng giả.

Chiều 17/10, TAND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử đối với Đào Thị Lương (57 tuổi, trú tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì) về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phầm” theo Điều 193, Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, ngày 18/12/2016, khi bà Đào Thị Lương đang bán hàng tại chợ Mộc, xã Minh Quang thì có người phụ nữ tên là Hồng đi xe máy đến hỏi mua hàng.

Sau trao đổi, bà Lương đồng ý bán một số gói mì chính các loại cùng nhiều hàng hóa là đồ khô cho chị Hồng, tổng số tiền là 704.000 đồng. Do xe máy của chị Hồng đang chở nhiều hàng hóa nên đã nhờ bị cáo Lương tìm người chở thuê giúp.

Đúng lúc này, chị Nguyễn Hồng Nhung (con dâu của bàLương) đến lấy đồ ăn về nấu cơm trưa đã nhận lời chở thuê. Khi đó, người phụ nữ tên Hồng đưa trước 500.000 đồng tiền hàng, số còn lại cùng tiền chở thuê là 100.000 đồng sẽ thanh toán nốt khi đến khu vực Gốc Mít, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì).

Tuy nhiên, khi tới điểm hẹn chị Hồng tiếp tục nhờ chị Nhung chở hàng tới Tổ 20, phường Xuân Khanh (Thị xã Sơn Tây), đứng đợi ở đó sẽ có người đến nhận hàng và thanh toán tiền. Chị Nhung sẽ được trả thêm 30.000 đồng tiền công.

Trót bán mì chính thừa từ đám cưới con trai, người phụ nữ bị đề nghị 30 tháng tù treo - Ảnh 1.

Ảnh: Hoàng An.

Thời điểm này, anh Vũ Thanh Xuân (46 tuổi, trú tại phường Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây – hành nghề xe ôm) đến gặp chị Nhung để nhận hộ hàng của chị Hồng và trả công.

Gặp chị Nhung, anh Xuân tiến hành thanh toán nốt số tiền còn lại và nhận lấy số hàng giúp chị Hồng. Tuy nhiên, khi hai người đang thực hiện giao dịch thì bị tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế – Công an Thị xã Sơn Tây làm nhiệm vụ gần đó kiểm tra và bắt giữ.

Tiến hành khám xét tại nhà Lương, cơ quan chức năng thu giữ thêm 3 gói mì chính nhãn hiệu Ajinomoto giả loại 1kg và 1 gói Ajinomoto giả loại 140g.

Bị cáo khai không biết hàng giả

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Lương trả lời, ở địa phương bị cáo thường xuyên bán đồ khô như bánh, kẹọ, mỳ để kiếm thêm thu nhập.

Vào ngày 18/12/2016, bà Lương thừa nhận có bán mì chính và một số đồ khô như gạo, đỗ, chè cho người phụ nữ tên Hồng (hiện chưa rõ lai lịch).

Bà Lương khai mua mì chính từ người phụ nữ tên Tuyên để dùng cho đám cưới của con trai, nhưng dùng không hết, thấy Hồng cần mua số lượng nhiều nên bị cáo mang ra bán, nhưng không đủ nên đã mua thêm của Tuyên để bán lại.

Khi chủ tọa hỏi Lương có biết tại sao số hàng đó bị cơ quan chức năng bắt không, bà Lương trả lời rằng, bà không biết. “Sau này khi bị bắt tôi mới biết số mì chính đó không đúng của nhà sản xuất”.

Nữ bị cáo 57 tuổi phân trần tại tòa, thời điểm bán, bà hoàn toàn không biết đó là hàng giả. Bản thân trước đây cũng không hay bán mì chính, thấy có người mua nên đã đem ra bán kiếm thêm.

Trả lời chủ tọa, chị Nguyễn Thị Nhung (con dâu bị cáo Lương) nói, chị được thuê chở hàng lấy tiền công. Khi ra cửa hàng thì mẹ chị đã buộc và bảo chị chở xuống khu vực Gốc Mít (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) cho người phụ nữ trên Hồng. Lúc chở chị cũng nghe mẹ nói đó bên trong có chè khô, mì, đỗ, miến và mì chính.

Khi công an kiểm tra họ yêu cầu lấy số hàng đó về trụ sở công an, rồi niêm phong giữ hàng mà không lập biên bản.

Truy tố bi cáo về tội buôn bán hàng giả là không phù hợp

Tại phần luận tội, đại diện VKS nói, lời khai của bị cáo Lương tại tòa hôm nay khác so với lời khai ban đầu.

Tuy nhiên, xét hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quản lý kinh tế của Nhà nước, quyền bảo hộ của các doanh nghiệp, nhà sản xuất và quyền bảo vệ sức khỏe, tính mang của người tiêu dùng, đại diện VKS đề nghị 24 – 30 tháng tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo.

Trong phần tranh luận, vị đại diện luật sư bào chữa cho bị cáo nhận định, cáo trạng của đại diện VKS truy tố Đào Thị Lương về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phầm” theo Điều 193, Bộ luật Hình sự là không có cơ sở.

Vị luật sư phân tích, vụ việc này lẽ ra thuộc thẩm quyền giải quyết, điều tra là của Công an huyện Ba Vì, do việc mua bán xảy ra trên địa bàn huyện này.

Hơn nữa, kết quả giám định hàng, niêm phong hàng không được khách quan. Qúa trình điều tra vi phạm luật tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi cơ quan điều tra đã tách hành vi Nguyễn Thị Tuyên (người bán mì chính cho Lương) để điều tra tại một vụ án khác.

Sau phần tranh luận của luật sư, HĐXX cho tạm nghỉ, phiên xử tiếp tục bắt đầu vào sáng mai.