Indonesia hiện đang là “cái nôi” lớn nhất của các startup tỷ đô tại Đông Nam Á, theo sau là Singapore. Trong khi đó, báo cáo cũng điểm mặt những “kỳ lân triển vọng” sẽ tiếp tục giúp nền kinh tế internet bùng nổ.
Nền kinh tế internet Đông Nam Á đang phát triển ngày một sôi động và được dự đoán sẽ chạm ngưỡng 100 tỷ USD trong năm 2019. Đây là con số thu được từ một nghiên cứu kéo dài suốt bốn năm của Google và Temasek. Đi cùng với đó là sự bùng nổ của các startup công nghệ, internet, từ Indonesia, Malaysia đến Singapore và cả Việt Nam.
37 tỷ USD vốn được rót, 11 kỳ lân
Theo báo của Google, trong bốn năm từ 2016 đến 2019, các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á đã huy động được 37 tỷ USD. Và không quá ngạc nhiên khi phần lớn trong số đó, khoảng 24 tỷ USD đều đổ về những startup kỳ lân, chiếm gần 65%.
Năm 2019, Bigo của Singapore và OVO – nền tảng thanh toán và dịch vụ tài chính của Indonesia là hai cái tên mới nhất vừa gia nhập hội startup tỷ đô, nâng tổng số kỳ lân Đông Nam Á lên 11. Những cái tên góp mặt trong danh sách bao gồm:
Indonesia: Bukalapak, Gojek, OVO, Tokopedia, Traveloka
Singapore: Bigo, Grab, Sea Group, Razer
Malaysia: Lazada
Việt Nam: VNG
Hội startup kỳ lân đang chiếm phần lớn nguồn vốn đầu tư tại Đông Nam Á.
Đây là kết quả của việc các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược số tiền lớn hơn của mình vào nhóm công ty có hồ sơ hoạt động đã được chứng minh. Một khi kỳ lân đạt được quy mô nhất định, họ có thể thu hút khoản đầu tư khổng lồ từ những nhà đầu tư tư nhân cũng như tổ chức lớn trên thế giới.
Trong khi đó, các startup công nghệ nhỏ ở giai đoạn đầu hầu như chỉ được các công ty đầu tư mạo hiểm để mắt tới.
Nhóm “Kỳ lân triển vọng”
Nếu như Đông Nam Á mới chỉ sở hữu 11 startup kỳ lân thì hiện đã có 70 công ty khởi nghiệp được định giá từ 100 triệu đến dưới 1 tỷ USD. Nhóm này được Google gọi là “Kỳ lân triển vọng” (Aspiring Unicorns),
Họ đã thu hút được khoảng 1,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, vượt qua con số 900 triệu USD huy động trong cùng kỳ năm ngoái.
Các “kỳ lân triển vọng” cũng được được rót vốn đáng kể.
Hội “Kỳ lân triển vọng” bao gồm Carousell – sàn thương mại điện tử C2C, ONE Championship hay Zilingo – nền tảng thương mại điện tử riêng về thời trang. Ngoài ra còn có Carro, dành riêng cho ngành công nghiệp ô tô và PropertyGuru, chuyên về bất động sản.
Bên cạnh đó, hai cái tên đến từ Việt Nam là Tiki và Sendo cũng góp mặt trong danh sách này.
3.000 startup internet
Các startup kỳ lân và “kỳ lân triển vọng” đang cùng nhau thu hút hầu hết nguồn vốn đầu tư. Theo báo cáo, trong bốn năm qua, đã có khoảng 7 tỷ USD được rót vào hơn 3.000 công ty khởi nghiệp internet.
Tuy nhiên, phần lớn các mô hình kiếm tiền chưa chứng minh được tính hiệu quả và vẫn đang trong quá trình kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với thị trường. Nhưng đối với những người tìm ra lời giải, phần thưởng nhận được sẽ rất lớn.
Nguồn vốn đầu tư phân bổ cho các startup nhỏ, triển vọng trong giai đoạn 2016-2019.
Những công ty khởi nghiệp này đang giúp tạo dựng nền tảng cho kinh tế internet ở Đông Nam Á. Trong khi các startup vẫn nỗ lực mạo hiểm, “đốt tiền” thì rất nhiều trong số đó tiếp tục được nhận những khoản tài trợ lớn. Họ đang gửi đi tín hiệu mạnh mẽ về tương lai màu hồng cho khu vực sôi động bậc nhất thế giới này, bất chấp những sóng gió mà nền kinh tế toàn cầu đang gặp phải.
theo e-Conomy SEA 2019