Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 1/4 đã xuất bản lại bài phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình từ 6 năm trước.
“Phiên bản mới” bài diễn văn 6 năm trước của ông Tập
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), bài diễn văn của ông Tập Cận Bình vào năm 2013 – nói về yêu cầu “cần phải hợp tác và đấu tranh với chủ nghĩa tư bản” – được cho là dấu hiệu thể hiện lập trường của lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại hiện nay với Mỹ.
Bài phát biểu trên được ông Tập đọc ngày 5/1/2013 tại lớp nghiên cứu quán triệt tinh thần Đại hội khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc dành cho các Ủy viên trung ương, Ủy viên dự khuyết trung ương đảng mới. Tạp chí Qiushi – cơ quan của ĐCSTQ – đăng tải lại diễn văn này vào hôm qua, 1/4.
Các nhà quan sát nhận định, quyết định xuất bản lại toàn văn bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc nhiều khả năng là chỉ thị từ ban lãnh đạo Bắc Kinh nhằm gửi đi thông điệp trong giai đoạn Mỹ-Trung đàm phán thương mại.
Giáo sư Afred Wu từ Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore, tin rằng động thái trên tạp chí Qiushi “phải là quyết định trực tiếp từ chính ông ấy (Tập Cận Bình) hoặc văn phòng của ông”.
“Rõ ràng là ông ấy muốn chuyển tải thông điệp quan trọng trong đảng bằng cách tái xuất bản toàn văn một bài phát biểu cũ,” Wu nói.
5/1/2013 là thời điểm chỉ vài tháng sau khi ông Tập đắc cử chức Tổng bí thư ĐCSTQ, đồng thời trở thành Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc. Chủ đề tổng thể của diễn văn là “Vài vấn đề về việc kiên trì và phát triển Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Quang cảnh lớp nghiên cứu tinh thần Đại hội 18 của ĐCSTQ, ngày 5/1/2013 (Ảnh: CCTV)
Đáng chú ý, phiên bản được Qiushi đăng tải ngày 1/4 còn bao gồm một số đoạn văn không được xuất hiện trong các ấn bản trước đây, trong đó có nội dung ông Tập kêu gọi các đồng chí trong đảng “nhận thức sâu sắc về năng lực tự điều tiết của chủ nghĩa tư bản; đánh giá đầy đủ được thực trạng khách quan là các quốc gia phát triển phương Tây đã chiếm lĩnh ưu thế lâu dài trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và quân sự; nghiêm túc làm tốt các mặt chuẩn bị để hợp tác và đấu tranh lâu dài giữa hai chế độ xã hội”.
Ông cũng khẳng định, “trong một thời kỳ dài nữa, chủ nghĩa xã hội giai đoạn ban đầu vẫn cần phải hợp tác và đấu tranh lâu dài với chủ nghĩa tư bản có sức sản xuất phát triển hơn”. Đồng thời, ông cho rằng Trung Quốc cần phải “nghiêm túc học hỏi từ thành quả văn minh có ích mà chủ nghĩa tư bản sáng tạo ra, thậm chí phải đối diện với thực tế là bị mọi người đem sở trường của các nước phát triển phương Tây ra so sánh và chỉ trích đối với những khuyết điểm của chủ nghĩa xã hội đang phát triển của nước ta”.
Nhắc Đặng Tiểu Bình, ông Tập cố gắng củng cố lòng tin trong nước
Xie Maosong, giáo sư kiêm nhiệm tại Trường đảng trung ương tại Bắc Kinh, nhấn mạnh tinh thần “thẳng thắn” trong bài diễn văn của ông Tập Cận Bình.
“[Việc xuất bản lại diễn văn của ông Tập] có thể được xem là một phản ứng đối với việc Mỹ phê phán hệ thống của Trung Quốc, và chuyển tải những quan điểm, suy nghĩ của ban lãnh đạo Trung Quốc về chiến tranh thương mại,” ông Xie nói.
Trong diễn văn, nhà lãnh đạo còn đề cập cách thức Trung Quốc cần phải ứng phó với những khó khăn. Ông Tập chỉ ra Trung Quốc cần “tập trung vào công việc của mình, không ngừng củng cố đất nước và cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội tốt đẹp hơn chủ nghĩa tư bản”.
Tính đến nay, Trung Quốc và Mỹ vẫn đang trong thế đối đầu thương mại. Thương chiến đã khiến mỗi bên thiệt hại nhiều tỉ USD vì thuế quan. Các vòng đàm phán hướng tới thỏa thuận sẽ tiếp tục diễn ra tại Washington vào tuần này.
Minxin Pei, giáo sư tại ĐH Claremont McKenna ở California, Mỹ, nhận xét ông Tập đang cố gắng củng cố sự ủng hộ tại Trung Quốc thông qua tạp chí Qiushi.
“Ưu tiên số 1 của chủ tịch Tập sau thỏa thuận thương mại [với Mỹ] là khôi phục lòng tin vào ban lãnh đạo. Ông cần bảo đảm với người dân rằng kế hoạch và nghị trình của ông vẫn đi đúng hơn,” Pei nói. “Mấu chốt là cần khôi phục lòng tin của các doanh nghiệp, bởi điều này rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.”
Một thông điệp khác trong ấn bản mới bài diễn văn năm 2013 của ông Tập được cho là củng cố mối liên hệ với học thuyết của những người tiền nhiệm, đặc biệt là Đặng Tiểu Bình.
Trong diễn văn, ông Tập trích đánh giá của Đặng năm 1992 rằng “củng cố và phát triển chủ nghĩa xã hội Trung Quốc sẽ phải mất nhiều thế hệ”, đồng thời gọi Đặng là “nhà lãnh đạo lớn của chủ nghĩa Marx với tầm nhìn và tư duy sâu rộng”.
Ông Xie Maosong cho rằng, với việc “tái khẳng định [vai trò] của Đặng, ông Tập cũng cố gắng thể hiện tầm nhìn và tư duy sâu rộng của chính mình”.