Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị đẩy nhanh điều tra việc khai thác lâm sản trái phép huyện Vị Xuyên và Quản Bạ

Theo đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thông tin phản ánh trên Báo PLVN thời gian qua đã được dư luận rất quan tâm.

Vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã có loạt bài viết phản ánh về thực trạng phá rừng diễn ra phức tạp tại Rừng Phòng hộ thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ và Rừng Phòng hộ thuộc thôn Minh Tiến, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Sau khi bài viết được đăng tải, nghành Kiểm lâm địa phương và cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xác minh nội dung thông tin báo chí nêu là có cơ sở và sát với thực tế.

Tuy nhiên, việc điều tra chưa có kết quả và chưa tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc phá rừng nói trên. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về những vấn đề nêu trên.

z4108195871586_add617f251cdea6cf8d757b0cf354bf1

Ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT tại buổi trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) rất nhiều cây nghiến cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm mới đây đã bị “lâm tặc” cưa mất một nửa gốc hoặc quá nửa gốc, nhưng hiện tại cây chưa chết. Theo nhận định của người dân những cây nghiến này sớm hay muộn cũng sẽ chết vì không nhận đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, tại rừng phòng hộ thôn Minh Tiến, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), phóng viên cũng ghi nhận rất nhiều gỗ nghiến bị chặt hạ, về sự việc này, phía Tổng cục có quan tâm như thế nào sau loạt bài của Báo Pháp luật Việt Nam?

Ông Bùi Chính Nghĩa: Trước hết, Tổng cục Lâm nghiệp xin cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm xây dựng của quý Báo, đặc biệt đã phản ánh kịp thời tình trạng khai thác rừng trái pháp luật tại tỉnh Hà Giang trong thời gian vừa qua. Về việc này tôi xin có ý kiến như sau: Ngay sau khi nắm được thông tin phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 13/02/2023, Tổng cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo Cục Kiểm lâm và ban hành văn bản số 62/KL-ĐN, giao Chi cục Kiểm lâm vùng I (thuộc Cục Kiểm lâm) cử đoàn công tác phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Giang kiểm tra, xử lý vụ việc.

Đồng thời, tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật tại địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng có hành vi khai thác lâm sản trái pháp luật trên địa bàn các huyện Vị Xuyên và Quản Bạ. Chúng tôi cũng báo cáo cấp ủy Đảng chỉ đạo các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và sớm đưa ra xét xử các vụ án về khai thác, phá rừng và lâm sản xảy ra trên địa bàn để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Tổng cục Lâm nghiệp ghi nhận những phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam qua 4 bài viết từ ngày 15/01/2023 đến ngày 05/02/2023, cụ thể: “Xót xa những cụ nghiến đang chờ chết ở rừng phòng hộ Quyết Tiến; Chạm mặt “lâm tặc” trong rừng phòng hộ Thuận Hòa; Video hiện trường hạ sát gỗ nghiến ở Hà Giang; Xác định có nhiều gỗ nghiến bị cưa gốc và xẻ lấy ra khỏi hiện trường”.

Các bài viết công phu, thể hiện sự quan tâm của dư luận đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên cả nước nói chung và tại địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng đăng trên Chuyên trang Pháp luật Plus.

Phóng viên: Việc khai thác gỗ nghiến không chỉ là hành vi phá rừng mà còn là hành vi tận diệt “lá phổi xanh” của nhân loại. Đặc biệt, gây ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, theo ông trách nhiệm để xảy ra thực trạng trên thuộc tổ chức, cá nhân nào?

Hiện trường một cây nghiến cổ thụ bị chặt hạ, cắt thành khúc ngổn ngang tại thôn Lùng      Mười, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ.

Hiện trường một cây nghiến cổ thụ bị chặt hạ, cắt thành khúc ngổn ngang tại thôn Lùng      Mười, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ.

Ông Bùi Chính Nghĩa: Theo tôi, bước đầu đã xác định được đơn vị quản lý khu rừng tại thôn Minh Tiến, xã Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) là Ban quản lý Rừng phòng hộ Vị Xuyên. Do đó, theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, cụ thể tại Điều 74, quy định nghĩa vụ chung của Chủ rừng như sau:

1. Quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2.Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng.

3.Trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định của Luật này.

 

4. Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng.

5. Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.

6. Chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Do đó, đối chiếu theo quy định nêu trên của Luật Lâm nghiệp năm 2017, Chủ rừng sẽ phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trên diện tích rừng được giao quản lý.

Ngoài ra, còn có trách nhiệm quản lý nhà nước về Lâm nghiệp của chính quyền địa phương theo quy định tại khoản 4 Điều 102 Luật Lâm nghiệp năm 2017 về trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của Ủy ban nhân dân các cấp.

Phóng viênTrong quá trình phóng viên tác nghiệp, điều tra đã ghi lại rõ ràng những hình ảnh về thực trạng có nhiều cây nghiến bị đốn hạ với vết cắt còn mới và cả hình ảnh “lâm tặc” vác gỗ nghiến lẩn trốn khi có người lạ xuất hiện. Theo ông, từ những dự liệu này đã đủ căn cứ khởi để tố vụ án để điều tra hay chưa?

Ông Bùi Chính Nghĩa: Như tôi đã trao đổi ở trên, Tổng cục Lâm nghiệp xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý Báo, đặc biệt là đội ngũ anh chị em phóng viên đã không quản ngại khó khăn, dấn thân thu thập thông tin phản ánh về các dấu hiệu vị phạm quy định của luật lâm nghiệp. Cụ thể là hành vi khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại các huyện Vị Xuyên và Quản Bạ, tỉnh Hà Giang vừa qua.

Trước tiên, tôi xin khẳng định rằng Tổng cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo Cục Kiểm lâm yêu cầu địa phương, kiểm lâm cơ sở kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Về câu hỏi của phóng viên là đã đủ căn cứ khởi tố vụ án để điều tra hay chưa (?) Tôi xin trao đổi như sau: Hiện nay quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như: Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi đã bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi xâm hại đến các loài được bổ sung chế độ quản lý tại Nghị định số 06,…

Do đó, để có căn cứ khởi tố vụ án hình sự phải căn cứ quy định của pháp luật nêu trên và kết quả kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng tại địa phương. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của quý Báo để đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang điều tra, xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!