‘Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi’…

Từ một tuần nay, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, biên giới… tất cả dồn sức cho miền Nam ruột thịt với quyết tâm “thắng dịch mới trở về”.
Người lính Cụ Hồ, những ngày này là con em của nhân dân nơi tuyến đầu chống dịch. (Ảnh minh họa)

Người lính Cụ Hồ, những ngày này là con em của nhân dân nơi tuyến đầu chống dịch. (Ảnh minh họa)

Hình ảnh anh bộ đội trên phố vừa kỷ luật, vừa gấp rút, làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch thật xúc động, thiêng liêng, nhắc nhở chúng ta rằng, “Tổ quốc luôn ở trong tim” mỗi người…

Niềm tin chiến thắng!

Những ngày vừa qua, cùng với các lực lượng vũ trang toàn quân lên đường vào TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19 còn có hàng ngàn y, bác sĩ, sinh viên Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) lên đường vào Nam “chia lửa” nơi tuyến đầu chống dịch.

Theo Cục Quân y, tại TP HCM, lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có hơn 2.000 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên… Sau 60 tổ quân y của Học viện Quân y xuất quân, sẽ thêm hơn 100 tổ quân y khác chi viện cho TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Từ ngày 21 đến 23/8, có thêm 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không.

Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã trải qua gần 2 năm với 4 đợt dịch liên tiếp, tính chất hết sức phức tạp. Đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư, từ cuối tháng 4/2021 đến nay đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang: “Việt Nam từng trải qua cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc bằng vũ khí nóng, giờ cuộc chiến không bằng vũ khí nóng nhưng cũng là cuộc “trường chinh” mới. “Đây như là một trận chiến, nhất định không thắng không về”! Bộ trưởng khẳng định, quân đội sẽ tham gia hỗ trợ địa phương trong công tác y tế như chữa trị cho bệnh nhân F0, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng cũng như việc phân phát lương thực, lo hậu sự cho bệnh nhân tử vong.

Tất nhiên, không chỉ có lực lượng quân đội mà còn có sự hợp tác của thanh niên, phụ nữ, tổ dân phố bởi bộ đội từ nơi khác đến không nắm rõ địa bàn, đường phố, ngõ, hẻm… Và như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phân tích: “Để dập được dịch, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Muốn “ai ở đâu ở đó”, không di chuyển để cắt đứt chuỗi lây nhiễm bệnh thì người dân phải được cung cấp hàng hóa thiết yếu, không phải ra chợ, đi làm, tới nơi tập trung đông người”.

Trong khi đó, TP HCM với đặc thù địa bàn rộng, dân số đông và đa dạng, trong đó có bộ phận lớn người lao động từ nhiều nơi tới mưu sinh. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, nếu không đảm bảo kịp thời nhu yếu phẩm cho người dân thành phố, rất khó để đảm bảo giãn cách nghiêm túc. Và chỉ cần không nghiêm túc, phá vỡ kỷ luật, lập tức mọi nỗ lực có thể sẽ đổ sông, đổ biển, những hi sinh để giãn cách trở thành lãng phí.

Do đó, trong khi chờ phủ kín vaccine cho toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố thì giãn cách nghiêm túc chính là vũ khí để ngăn chặn nguồn lây nhiễm.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, hiện nay bà con các tỉnh phía Nam rất cần sự có mặt của lực lượng thầy thuốc quân đội. Chính phủ biểu dương tinh thần sẵn sàng xung kích của các lực lượng và tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn lực lượng vũ trang, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch…

Đến thời điểm này, quân đội đã triển khai hơn 1.900 tổ, chốt chống dịch với hơn 13.000 lượt người, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch; triển khai 190 điểm cách ly phục vụ hơn 270.000 người

Quân đội cũng đã tổ chức 10 bệnh viện dã chiến với hàng nghìn bác sĩ, nhân viên quân y, chuyển đổi công năng Bệnh viện Đa khoa quân dân y Miền Đông thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 , thành lập trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng tại Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện 7A, Quân khu 7.

Trong đợt này, chỉ riêng Sư đoàn 5 (Quân khu 7) cũng đã cử gần 2.000 cán bộ, chiến sỹ xung phong ra tuyến đầu, tiến thẳng vào tâm dịch để giúp hỗ trợ nhân dân TP HCM phòng, chống dịch và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Sau lễ xuất quân, gần 2.000 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 5 phân bổ về các địa phương thuộc các quận 6, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè… để cùng địa phương hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch.

Trước đó, Sư đoàn đã cử 500 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ nhân dân tỉnh Bình Dương; 300 ở tỉnh Tây Ninh; 12 y, bác sỹ hỗ trợ nhân dân tỉnh Long An. Đồng thời, Sư đoàn đã chủ động huy động tối đa mọi nguồn lực bên trong và ngoài đơn vị để hỗ trợ nhân dân; đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Đơn vị đã chuẩn bị hàng nghìn kg rau, củ, quả các loại; hàng tấn thịt, cá; hơn 17 nghìn hộp thịt hộp; hàng trăm nghìn chai nước uống; tích cực chế tạo nhiều thiết bị chống giọt bắn, buồng khử khuẩn, … để tham gia hỗ trợ kịp thời TP HCM phòng, chống dịch COVID-19 …

Mệnh lệnh từ trái tim!

Những ngày qua, hình ảnh gây ấn tượng mạnh trong xã hội là những người lính đội nắng, đội mưa vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến từng người, từng nhà trong ngõ hẻm. Phố phường càng trở nên vắng vẻ và trật tự hơn khi mỗi chốt chặn có lực lượng kiểm soát quân sự hỗ trợ. Có thể có những bỡ ngỡ ban đầu, đâu đó có chút lúng túng chưa quen… Nhưng quân và dân, dù ở thời nào, cuộc chiến nào, cũng như cá với nước, là sự đoàn kết, yêu mến.

Và sự yên lòng, bởi người lính luôn xuất hiện trong những tình huống khẩn cấp, gian khó. Điều họ mang theo khi xông pha “nơi đầu sóng, ngọn gió” đối diện với rủi ro, dịch bệnh, chính là quyết tâm và sự kỷ luật – vũ khí và sức mạnh của quân đội. Và chỉ những ngày đầu bộ đội hỗ trợ bà con đã có rất nhiều khoảnh khắc vừa đáng yêu, vừa ấm lòng từ các anh bộ đội làm nhiệm vụ mang lương thực, thực phẩm đến cho bà con ở TP HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung.

Hình ảnh các anh trong trang phục quân ngũ, vừa tỉ mỉ, vừa cẩn thận, không quản ngại trời nắng nóng, mồ hôi đầm đìa, vẫn làm việc liên tục để kịp thời mang thực phẩm đến cho bà con. Đặc biệt hơn nữa, giữa cái nắng Sài Gòn, khoảnh khắc 2 anh bộ đội chạy hớt hải để mang đồ ăn vào trong hẻm cho bà con khiến ai cũng thương mến. Một khoảnh khắc đưa lên mạng xã hội chỉ vẻn vẹn có 8 giây thôi, nhưng cái dáng chạy tất tả, trên 2 tay là 2 túi đồ nặng trịch được mang từ đầu hẻm vào càng khiến chúng ta thêm yêu mến các anh bộ đội.

Rất nhiều người, trong đó có cả các bậc phụ huynh lớn tuổi đã để lại bình luận bày tỏ sự cảm mến và gửi những lời chúc tốt đẹp đến các anh, mong các anh có nhiều sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ. “Cảm ơn các con rất nhiều. Tự hào lắm Việt Nam ơi”; “Không hiểu sao cứ xem mấy clip này tôi lại khóc. Khóc vì cảm động”; “Thương mấy chú quá. Mọi người chấp hành tốt để dịch nhanh qua, để các chú bộ đội sớm được trở về nhà nhé!”…

Nhà báo Phạm Gia Hiền bày tỏ, “mang quân đội vào cuộc chiến chống dịch, quốc gia đã chọn đến những đứa con ưu tú nhất của mình. Những thanh niên ấy được đào luyện, có kỷ luật, sức mạnh, chịu được gian khổ và tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Họ sẽ đứng gác 24/24h không ngồi duỗi chân tay hay bỏ gác. Họ sẽ đếm từng củ khoai, cân chính xác từng lạng gạo trong các khẩu phần cứu trợ. Họ sẽ đến từng nhà, hai tay, cúi đầu, lễ phép chào hỏi đưa từng túi đồ ấy cho nhân dân, như thể đó là ông bà, cha mẹ, anh chị của họ. Đó là tác phong quân kỷ của quân đội nhân dân Việt Nam… Chúng ta, khi đứng trước trách nhiệm với Tổ quốc, tôi tin mỗi người đều nhớ ra Tổ quốc ở trong tim mình. Nhưng có những người không lúc nào, không một phút giây nào quên rằng Tổ quốc trong tim họ, Tổ quốc ngay nơi họ đứng. Họ là người lính”…

Cuộc chiến với COVID-19 không có tiếng súng, mà bao đau thương, bao sinh mạng đã mất đi. Trong những khó khăn, gian nan của đất nước, bộ đội đến với nhân dân. Thời nào bộ đội cũng đi về phía trước, đi thẳng vào những nơi nguy hiểm không nề hà. Từ đánh giặc đến cứu người, gặt lúa, dựng nhà, chuyển đồ, trông trẻ và giờ là đi chợ… Khi rơi vào tình huống khẩn cấp, thảm họa thì quân đội luôn là chỗ dựa an toàn và yên tâm hơn cả… Với người lính bộ đội cụ Hồ, ngoài tính kỷ luật là mệnh lệnh từ trái tim!

Và trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nhiều đêm phải ngủ ngoài rừng, canh giữ vững chắc biên giới để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh. Những đơn vị nhường doanh trại, nơi ăn, chỗ ngủ cho nhân dân, tận tình chăm sóc người dân tại các khu vực phong tỏa, các điểm cách ly. Nhiều chiến sĩ có người thân trong gia đình mất, có vợ con bị nhiễm dịch bệnh COVID-19 mà không thể về được vì đang làm nhiệm vụ; hàng trăm y sĩ, bác sĩ, học viên các trường quân y xung phong về Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang vừa hoàn thành nhiệm vụ lại lập tức lên đường vào TP HCMM và các tỉnh phía Nam tiếp tục tham gia phòng chống dịch.

Trong cuộc chiến này, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội bị nhiễm bệnh, có người đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ…

Trở lại những ngày này, hình ảnh những người lính trên phố thân thương, ấm lòng, thân thuộc như những người lính Cụ Hồ từ những cuộc trường chinh của 70, 60, 40… năm trước. Như đâu đó vang lên Giai điệu Tổ quốc thấm thía và tự hào về truyền thống yêu nước, về trách nhiệm công dân luôn đầy ắp trong tim mỗi người dân Việt: “Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi, âm vang bao nỗi vui buồn/ Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi, hùng thiêng trong tiếng chuông đồng/Tôi nghe trong đoàn quân đi, tôi nghe trong lời bão tố/ Bốn ngàn năm đất nước gian nan, giai điệu cháy, trong tình thương đất nước vô vàn”…

 

Theo Miên Thảo (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/toi-nghe-giai-dieu-to-quoc-toi-d164833.html