Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phi chính phủ nước ngoài

Chiều 14/3, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Các đồng chí: Hà Kim Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao; Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN đồng chủ trì. 

 

 

Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy; thành viên Ban công tác PCPNN tỉnh; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh; lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Năm 2022 tiếp tục là năm thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và kéo dài của đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến kinh tế – xã hội và thách thức năng lực ứng phó phục hồi kinh tế của các nước, thế giới cũng chịu tác động bởi xung đột Nga – Ukraine và các quan hệ chính trị, kinh tế giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại nhân dân, trong đó có công tác PCPNN tiếp tục được Đảng, Nhà nước coi trọng, có những bước chuyển lớn về chủ trương và quy định.Ngày 5/1/2022, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; ngày 31/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2022/NĐ-CP về đăng  ký, quản lý và hoạt động của tổ chức PCPNN tại Việt Nam. Việc ban hành hai văn bản quan trọng này trong năm 2022 đã tạo động lực mạnh mẽ để các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố đồng loạt đổi mới, chủ động khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả, đổi mới, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, vận động các tổ chức PCPNN đóng góp tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân và công cuộc phát triển đất nước.

Tại Cao Bằng có 28 dự án, phi dự án do 14 tổ chức phi chính phủ, cá nhân nước ngoài tài trợ, triển khai thực hiện với tổng ngân sách cam kết 1,720,153 USD, giá trị giải ngân thực tế 1,295,162 USD (trong đó, gồm: dự án, phi dự án mới tiếp nhận; dự án chuyển tiếp từ các năm trước). Các lĩnh vực viện trợ chủ yếu: giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, phát triển nông thôn tổng hợp, giáo dục và đào tạo, giải quyết các vấn đề xã hội và viện trợ khẩn cấp. Hiện có 14 tổ chức, cá nhân triển khai dự án, phi dự án, hoạt động viện trợ, tài trợ tại tỉnh, như: Global Civic Sharing, Bright Future Welfare Fund, ADRA, ActionAid quốc tế tại Việt Nam, Fauna & Flora International (FFI), Liên minh châu Âu và Tổ chức Helvetas Việt Nam, ChildFund, Room to Read, Bread For The World, SAP-VN,… Tổ chức thành công hội nghị đối ngoại nhân dân tại tỉnh…

Năm 2023, tỉnh gắn kết các hoạt động đối ngoại với chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tiếp tục mở rộng và chủ động đưa quan hệ của tỉnh với các địa phương các nước, các tổ chức, đặc biệt các tổ chức PCPNN tiềm năng và có thiện chí hợp tác, triển khai viện trợ tại tỉnh; thực hiện tốt các cam kết, thỏa thuận hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài; chủ động đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, tích cực thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy kiến nghị: Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN có văn bản hướng dẫn thực hiện điều 18 Nghị định số 58/2022/NĐ-CP, ngày 31/8/2022 về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN Hà Kim Ngọc đề nghị ủy ban, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 19 và Kết luận số 98; tập trung triển khai hiệu quả Nghị định số 58, quán triệt tinh thần chủ đạo là hướng đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, vừa kiểm soát tốt, vừa tạo động lực cho các tổ chức PCPNN. Bộ Ngoại giao, cơ quan thường trực ủy ban và các cơ quan địa phương quán triệt tinh thần thực hiện Nghị định số 58 và trong mọi thủ tục hành chính liên quan; phối hợp hướng dẫn các bộ, cơ quan địa phương trong giai đoạn đầu còn lúng túng, vướng mắc trong thi hành, triển khai nghị định. Thúc đẩy hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan chủ quản Việt Nam trong quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ viện trợ PCPNN theo Nghị định số 80; việc cải thiện thủ tục hồ sơ phê duyệt viện trợ có ý nghĩa quyết định, tác động đến môi trường vận động viện trợ và hình ảnh của Việt Nam trong mắt của các tổ chức PCPNN và các đối tác quốc tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức PCPNN trong việc thực hiện các quy định liên quan. Ủy ban tiếp tục chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động PCPNN giai đoạn 2019 – 2025 phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Diệu Hoa 

Nguồn Báo Cao Bằng: https://baocaobang.vn/Thoi-su/Hoi-nghi-giao-ban-truc-tuyen-cong-tac-phi-chinh-phu-nuoc-ngoai/93199.bcb