Những con số đếm Like nhảy liên tục không hẳn là điều đáng khen ngợi, vì vẫn còn một vấn đề bám sâu từ tận gốc rễ của thí quen selfie này.
Nếu đã là một tín đồ mạng xã hội, thường xuyên dùng Facebook, Instagram thì việc follow và ngưỡng mộ những người nổi tiếng là chuyện dễ hiểu. Chỉ cần nhìn qua những hình ảnh cả nghìn Like của họ, bất kỳ ai cũng phải xuýt xoa vì dọ xa hoa và mơ ước cả ở thế giới ảo lẫn thế giới thực, khi mà ngay cả một tấm ảnh selfie đơn giản cũng toát lên thần thái khác người, đặc biệt là hội chị em celeb.
Không phải ai cũng dễ dàng có được một tấm ảnh selfie sang chảnh đến thế này.
Tuy nhiên, ngoại trừ cánh đàn ông ra, việc ngày càng đăng nhiều ảnh selfie ở phụ nữ lại có một tác dụng phụ khá tiêu cực: Tăng tỷ lệ lo lắng, trạng thái bất ổn và giảm ý thức về độ hấp dẫn của bản thân. Đây là kết luận được đưa ra ở một nghiên cứu mới nhất tại Canada.
Cụ thể, đoàn nghiên cứu đến từ khoa ngành tâm lý học của Đại học York (Toronto, Canada) đã thực hiện một vài bước chứng minh ảnh hưởng xấu của selfie trên mạng xã hội nói chung đến tâm lý con người. Bên cạnh kết luận trên, họ cho biết mình còn phát hiện ra rằng kể cả việc chỉnh ảnh thôi cũng có những dấu hiệu và tác động tương tự – và đây là những khám phá chính thức đầu tiên từ trước tới nay về tác hại của selfie.
Jennifer Mills – lãnh đạo tổ nghiên cứu tại Đại học York đã lập ra một kế hoạch theo dõi, iều tra các hành vi chụp và đăng ảnh selfie của nhiều tín đồ mạng xã hội. Tổng cộng 110 đối tượng nữ ở độ tuổi 16-29 đã được lựa chọn ngẫu nhiên để chia làm 3 nhóm, trải qua 3 tình huống thử nghiệm riêng biệt. Được biết, toàn bộ danh sách này đều là những người thường xuyên dùng Facebook hoặc Instagram.
Đối với nhóm đầu tiên, họ được lệnh selfie và đăng một tấm ảnh không qua chỉnh sửa lên mạng xã hội cá nhân. Nhóm thứ 2 được quyền tự do hành động, tự chọn phong cách chụp cũng như chỉnh ảnh thoải mái. Nhóm cuối cùng thì không làm gì cả.
Các chỉ số tâm lý, cảm xúc là những yếu tố được nhóm nghiên cứu ghi lại rất kỹ càng và cẩn thận. Ngoài ra, mức độ khác nhau về bản thân trước và sau khi chỉnh trong ảnh cũng được đánh giá tương quan. Sau cùng, họ sẽ trực tiếp đến phỏng vấn ứng viên về cảm nghĩ khi trải qua quá trình thực hiện tình huống.
Kết quả ra sao? Thống kê theo từng thang điểm, cảm xúc trong tình huống của họ trải dài từ tự tin cho tới thất vọng, thậm chí lo lắng; cảm nghĩ của họ về bản thân thì tập trung chủ yếu vào vấn đề cân nặng, ngoại hình cơ thể.
“Những ứng viên được phép chụp và đăng ảnh selfie lên mạng xã hội rất hay cảm thấy lo lắng, thiếu tự tin và bản thân và ít khi tự ý thức mình là đẹp sau khi thực hiện tình huống. Trong khi đó, nhóm ứng viên không làm gì thì vẫn bình thường và không hề có dấu hiệu tương tự. Với nhóm số 2 – có toàn quyền tự xử lý ảnh từ đầu đến cuối – những tác động tiêu cực vẫn hiển hiện chứ không hề biến mất,” trích kết luận rút ra từ nhóm nghiên cứu. “Đây là những kết quả đầu tiên cho thấy những gì selfie và đăng ảnh lên mạng xã hội có thể gây ra cho tâm lý bản thân chúng ta.”
Thực chất, đã có một vài dấu hiệu được ghi lại trước đây về ảnh hưởng trên lứa tuổi học sinh khi cho rằng một thân hình mảnh mai là tiêu chuẩn bắt buộc để đẹp, hoặc thường xuyên tự so sánh ảnh selfie của bạn bè và người khác với bản thân rồi tỏ ra mặc cảm, áp lực vì mình không được như họ. Vì thế, không cần phải follow những người nổi tiếng hào nhoáng xa hoa, ngay cả việc tham gia mạng xã hội cùng bạn bè xung quanh cũng có thể tạo nên tác động tiêu cực tương tự.
Một thống kê trước đây của Đại học Birmingham trên 1300 học sinh độ tuổi 13-18 tại Anh cũng có kết quả tương đương về Facebook hay Instagram. Quan điểm về việc tự so sánh mình với các hình mẫu của người khác luôn hiện diện và sẵn sàng khiến cho bất kỳ ai cũng dễ bị cảm thấy tự ti thất vọng về chính bản thân, dù chỉ là góc nhìn qua một bức ảnh selfie trên thế giới ảo.