Thượng tọa Thích Tiến Đạt: “Trong Phật pháp không có chuyện bỏ tiền ra chuộc tội”

Thượng tọa Thích Tiến Đạt.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho rằng, nghiệp do mình tạo ra, tự mình phải hứng lấy nghiệp và phải tự mình tu tập để giải nghiệp.

Chúng ta tự cộng sổ thiện – ác cho chính mình!

Sáng 30/3, Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Viện chủ chùa Đại từ Ân, nguyên Ủy viên thường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã có buổi thuyết giảng về chủ đề Tín ngưỡng – Đạo Phật: Thế nào là đúng?

Thượng tọa Thích Tiến Đạt đã dành hơn 1 giờ để nói về những triết lý của đạo Phật và câu chuyện văn hóa tín ngưỡng tại Việt Nam. Sau đó, ông đã dành khoảng 30 phút để trả lời các câu hỏi của người quan tâm.

Trước câu hỏi, mọi việc nếu mình làm tốt sẽ nhận quả tốt còn làm xấu sẽ nhận quả xấu nhưng ai là người sẽ cộng sổ tất cả những nghiệp xấu hay quả tốt của chúng ta trong tương lai? Thượng tọa Thích Tiến Đạt khẳng định ngay, chúng ta tự cộng sổ cho chính mình.

Ông nói, việc này ghi dấu trong tàng thức và đức Phật từng nói, thức của con người ngoài lục thức mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và ý còn có tàng thức hay còn gọi là kho tàng. Chúng ta làm có thể quên nhưng sẽ ghi vào trong não bộ.

Tất cả những việc làm sẽ tạo nên hạt giống và Phật giáo gọi đó là hạt giống ngủ say. Khi chúng ta gặp tác động nào đó khiến hạt giống thức dậy, nảy mầm. Vì vậy, có những việc làm từ đời này, kiếp khác hoặc lâu khiến quên, không nhớ nhưng tự nhiên gặp lại hình ảnh đó thức bật lên.

“Không có vị thần nào, không ai chép sổ thiện ác mà tất cả chúng ta phải tự chịu trách nhiệm. Đức Phật đã nói con người là chủ nhân của nghiệp và kẻ thừa tự nghiệp, tức, chúng ta tạo ra thế cái gì sẽ phải gánh chịu nó. Đây là trách nhiệm lớn nhất của con người”, Thượng tọa Đạt nêu.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt: Trong Phật pháp không có chuyện bỏ tiền ra chuộc tội - Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt trong buổi trao đổi.

Trước ý kiến trong xã hội hiện nay, nhiều người đang có quan niệm cúng dường, đóng góp vào các quỹ trong chùa thật nhiều hoặc chăm đi từ thiện sẽ tránh được tai hoạ, hoá giải những nghiệp xấu mà người ta đã tạo ra. Theo Phật pháp, quan niệm này có đúng?

Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho rằng, nghiệp do mình tạo ra, tự mình phải hứng lấy nghiệp và phải tự mình tu tập để giải nghiệp.

Ông chỉ rõ, để thay đổi nghiệp phải do chính mình tu tập bằng 6 phương pháp chứ không chỉ nhờ vào mỗi việc cúng dường.

Phương pháp đầu tiên là bố thí, cụ thể, đem tiền cúng dường Tam Bảo, phụng dưỡng cha mẹ, cứu giúp kẻ nghèo người đói, cứu giúp người bệnh tật, người cô quả.

“Bởi vì, tài sản gắn liền với sở hữu của con người, nó cũng là cái thứ hai của mạng sống bởi không có tài sản không sống được. Cho nên việc bố thí là bỏ bớt chấp ngã, vì vậy mà có thể là một cách giúp giải nghiệp”, Thượng tọa Thích Tiến Đạt giải thích.

Nhưng Thượng tọa nhấn mạnh: “Đồng tiền bố thí, cúng dường ấy phải là đồng tiền chân chính, đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình đem đi bố thí, cúng dường mới tạo ra phúc. Còn tiền được tạo ra từ tội lỗi, đem cúng không bao giờ tạo ra phúc”.

Phương pháp thứ hai của tu tập là chỉ giới, tức, phải sống nghiêm túc, đúng pháp luật, giới luật mà Đức Phật đã chỉ dạy.

Thứ ba phải nhẫn nại trước những khen chê tạo nghiệp, ai tính tình nóng nảy, cần tránh chuyện thị phi đi.

Bốn, phải định tâm, kiên định. Năm phải tịnh tiến, tức luôn nỗ lực sửa mình từng ngày cho trọn vẹn. Cuối cùng cần phải có trí tuệ.

“Anh phải có chính kiến, tư duy, hành động, ngôn ngữ, việc làm đúng và tất cả những cái đúng đó mới xoay được nghiệp của mình.

Không thể lấy cái phúc này để đổi, trừ cho cái nghiệp kia được. Nhân quả rõ ràng, nếu anh gieo nhân giết người sẽ phải trả quả báo tội giết người.

Đừng nghĩ rằng hôm nay mang tiền đến cúng dường Tam Bảo để tôi chuộc tội giết người là không có.

Trong Phật pháp không có chuyện bỏ tiền ra chuộc tội. Cái gì cũng có phúc báo riêng, đừng lẫn lộn về nhân quả”, Thượng tọa Tiến Đạt nêu thêm.

Vong nhập, vong linh là các hiểu dân gian

Trong buổi trao đổi, Thượng tọa Thích Tiến Đạt nêu rõ, các hiện tượng vong nhập, vong linh là cách hiểu theo dân gian.

Ông nói, theo cách hiểu của dân gian thì những ai đã chết đều là vong linh hết. Nhưng Phật pháp có thừa nhận không? Phật pháp lại là chuyện khác.

Trong phạm vi dân gian, hiểu theo nghĩa dân gian, còn nghiên cứu vào Phật pháp, phải hiểu theo vị trí của Phật pháp, chứ không thể nói rằng cái này Phật pháp không có, phải bỏ đi hết. Nếu quy chụp, hiểu và dẫn dắt như thế sẽ làm sai mọi thứ.

Ông lấy ví như với một đứa trẻ tiểu học, dạy cho biết thế là đủ, nhưng kiến thức ấy lên cấp 2, cấp 3 sẽ không đúng. Cũng như vậy, dạy cho một người học theo văn hóa dân gian sẽ không đúng với Phật pháp. Vì thế, chỗ nào dân gian, chỗ nào Phật pháp ta phải hiểu rõ.

Thương tọa Thích Tiến Đạt cũng giải thích rõ vấn đề tâm linh tín ngưỡng của địa phương là tín ngưỡng văn hóa, có quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có cái nhìn thấu đáo. Nếu làm sai văn hóa gốc sẽ mất hết ý nghĩa, không còn là tín ngưỡng của địa phương.

Ông dẫn một số ví dụ đang gây tranh cãi hiện nay như tục chém lợn, chọi trâu và lưu ý, tín ngưỡng là niềm tin, không thể đem niềm tin của người này quy chụp cho người khác. Nếu không sẽ xâm phạm vào niềm tin của người khác.