Thượng tá Công an chỉ cách phòng ngừa trước thủ đoạn lừa “con cấp cứu”

Trước thủ đoạn lừa “con đang cấp cứu” Thượng tá – tiến sĩ Đào Trung Hiếu đã chỉ ra nhiều cách phòng ngừa hữu ích.

Những ngày qua, vụ một số phụ huynh tố bị lừa tiền khi được thông báo “con đang cấp cứu” xảy ra tại TP.HCM khiến dư luận xôn xao.

Qua theo dõi thông tin do báo chí cung cấp, Thượng tá – tiến sĩ Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học Bộ Công an) đánh giá đây là trò lừa đảo mới xuất hiện và khá tinh vi.

Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, kẻ lừa đảo đã khai thác tối đa điểm yếu trong tâm lý của các bậc làm cha mẹ khi nghe tin con bị tai nạn ở trường.

Trong tình huống này, vì lòng thương con, đa số phụ huynh sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng lo sợ, lúng túng, bất an, thậm chí hoảng loạn.

Đây là thời điểm thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh táo nhất mà kẻ gian có thể lợi dụng để thao túng tâm lý, dẫn dụ nạn nhân làm theo yêu cầu của chúng.

Thượng tá - tiến sĩ Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học Bộ Công an).

Thượng tá – tiến sĩ Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học Bộ Công an).

Khi người gọi điện đã gọi đúng số máy, đọc đúng tên phụ huynh và tên con, tên lớp, thì nạn nhân thường không còn nghi ngờ, mà mặc định đó là giáo viên hoặc cán bộ nhà trường nơi con mình đang học.

Có trường hợp đồng bọn của kẻ mạo danh sẽ đóng vai nhân viên y tế thông báo tình hình bệnh lý của con, nên tạo được lòng tin của nạn nhân.

“Kẻ gian tạo ra tình huống khẩn cấp, như cần tiền đóng viện phí để giải phẫu ngay, không cho phép phụ huynh chần chừ, do dự, tính toán hay kiểm tra lại thông tin.

Vì sốt ruột và lo lắng cho con, sợ sự chậm trễ có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nên nhiều người đã dễ dàng chấp nhận làm theo các yêu cầu, chuyển tiền vào tài khoản do kẻ gian cung cấp”, Thượng tá – tiến sĩ Đào Trung Hiếu nói.

Cũng theo Thượng tá – tiến sĩ Đào Trung Hiếu, để thực hiện được trò lừa này, là kẻ lừa đảo phải có được số máy của nạn nhân và nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ của người đó với học sinh ở lớp. Như vậy, có thể đánh giá danh sách học sinh với tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh đã bị lộ lọt.

 

Nhận định về sự việc trên, chuyên gia tội phạm học cho rằng: Nơi quản lý những thông tin này thường có những nguồn sau: Một là, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp học, ban phụ huynh học sinh của lớp, của trường; hai là, ở nhiều trường, lớp học có các nhóm giữa phụ huynh học sinh với giáo viên; ba là, các lớp dạy thêm, học thêm, cũng có danh sách học sinh, phụ huynh kèm số điện thoại, do bộ phận quản lý học viên tại các trung tâm đó nắm giữ.

“Tôi đánh giá rất có thể thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh bị lộ lọt, hoặc vô tình, hoặc cố ý, từ các nguồn trên”, ông Hiếu cho hay.

Để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo với chiêu thức nói trên, Thượng tá – tiến sĩ Đào Trung Hiếu đưa ra một số biện pháp sau:

Thứ nhất: Nhà trường và gia đình học sinh cần tăng cường sự liên lạc, trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng, để phụ huynh học sinh có thể cập nhật tình hình của con ở trường. Lưu ý khi lên lớp, giáo viên thường không bắt máy, nên phải có những số máy thường trực luôn ở trạng thái chờ kết nối, tức là đường dây nóng với nhà trường.

Thứ 2: Các lớp học, giáo viên và phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin, đề phòng bị hack điện thoại, hoặc vô tình lộ lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học.

Thứ 3: phụ huynh học sinh cần cập nhật thường xuyên tình hình an ninh trật tự để biết các thủ đoạn phạm tội mới. Trường hợp nhận được cuộc gọi báo tin con bị tai nạn, cần hỏi rõ họ tên, chức vụ của người cung cấp thông tin. Sau đó, gọi điện cho nhà trường, hoặc giáo viên, hoặc cho con mình (nếu con có điện thoại) để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.

Còn tình huống không liên lạc được, thì phải trực tiếp hoặc nhờ người tin cậy đến tận nhà trường kiểm tra. Tuyệt đối không dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ, cho dù có xưng danh là ai.

Thứ 4: Phụ huynh phải trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lạ.

Đồng thời, các bậc cha mẹ cần thông báo cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, hoặc chủ động đưa thông tin lên mạng xã hội về tình huống bị lừa đảo của mình để cảnh báo xã hội, giúp nhiều người cảnh giác với thủ đoạn phạm tội mới của tội phạm.