Phải đến khi gặp phải bão chỉ trích từ người dùng internet, YouTube mới bắt đầu sửa chữa sai lầm của mình.
Khi tin tức về vai trò của Katie Bouman trong việc ghi lại bức ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ bắt đầu lan ra vào đầu tuần trước, một nhóm cư dân mạng đã thêu dệt nên một câu chuyện chỉ trích Bouman khi hưởng lợi từ thành quả của nam giới trong nhóm EHT (Event Horizon Telescope).
Điều đáng nói là những lập luận sai trái này lại nhanh chóng lan ra trên mạng xã hội và YouTube. Vào mấy ngày trước, mọi người khi tìm kiếm về cái tên Bouman trên YouTube có thể nhận thấy kết quả hàng đầu là một đoạn video đến từ người dùng với cái tên Mr. Obvious.
Chỉ vài giờ sau khi hình ảnh về hố đen được công bố, đoạn video xuyên tạc của Mr. Obvious đã hiển thị lên đầu và được hàng nghìn lượt view.
Đoạn video này có tựa đề “Phụ nữ chỉ đóng góp 6% công sức nhưng nhận được 100% thành quả” cho rằng một người đàn ông với cái tên Andrew Chael đã tự mình viết 850.000 dòng code cho dự án EHT, trong khi Bouman chỉ viết vài nghìn dòng code. Đáng chú ý hơn các tag của đoạn video này bao gồm cả những cụm từ như “thành quả bị đánh cắp” và “sự thật về phụ nữ”.
Khi câu chuyện này dần dần lan ra đến nhiều người, chính ông Chael đã phải công khai bác bỏ thuyết âm mưu này trên tài khoản Twitter của mình.
Dòng tweet của Chael cho biết: “Ngoài ra tôi không viết đến “850.000 dòng code” – phần nhiều các dòng code đó đã được đưa lên GitHub dưới dạng các file model. Phần mềm hiện tại có khoảng 68.000 dòng code, và tôi không quan tâm mình viết được bao nhiêu trong số đó.”
Nhưng ngay cả sau khi Chael đã nỗ lực sửa chữa lại nhận định sai lầm này, thuật toán của YouTube vẫn đưa đoạn video của Mr. Obvious lên hàng đầu thêm nhiều giờ nữa. Thậm chí điều này xảy ra khi chính bản thân YouTube cũng thừa nhận câu chuyện trong đoạn video là sai sự thật. Sau đó, trong phần bình luận của mình, Mr. Obvious thừa nhận Chael không viết 850.000 dòng code đó, nhưng vẫn tiếp tục phủ nhận đóng góp của cô Bouman trong dự án này.
Mr. Obvious viết: “Dường như Andrew Chael không viết 850.000 dòng code đó và không rõ ông đã viết bao nhiêu dòng code, 500.000 dòng code có vẻ đúng hơn, còn khoảng 350.000 dòng code còn lại không rõ ai đã viết, và nếu tính cả chỗ đó, sẽ là hợp lý khi có nghĩa là cô ấy đã viết khoảng 14% dòng code. Giả dụ như vậy, điều đó không thay đổi thực tế rằng, 80% các nhà khoa học có liên quan đến dự án là nam giới. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn sửa lại cho đúng.”
Các tag có liên quan đến đoạn video của Mr. Obvious.
Vào ngày 12 tháng Tư, một số người dùng Twitter bắt đầu chỉ trích YouTube về việc quảng bá video của Mr. Obvious. Cuối cùng họ buộc phải dừng hiển thị kết quả về video này. Dựa trên các tuyên bố công khai được đưa ra vào ngày thứ Sáu, thay đổi này đến sau khi YouTube thêm cô Bouman vào danh sách các chủ đề tìm kiếm liên quan đến tin tức.
Điều này cũng có nghĩa YouTube sẽ hiển thị các nguồn tin được xác thực cho các kết quả hàng đầu khi người dùng tìm kiếm về các chủ đề có liên quan đến tin tức, đồng thời cũng hạ bậc ưu tiên với các nội dung không được xác thực ví dụ như video của Mr. Obvious. Trong khi đó, thông thường thuật toán của YouTube sẽ tìm kiếm các video mới nhất theo từ khóa.
Sau khi bị người dùng internet phản ứng, YouTube đã hiển thị các đoạn video từ những nguồn tin xác thực trong kết quả tìm kiếm về cô Bouman.
Phát ngôn viên của YouTube cho biết với Business Insider:
“Chúng tôi đã thực hiện một số bước đi nhằm giải quyết vấn đề này, bao gồm việc đưa ra nội dung có căn cứ hơn cho những người tìm kiếm các chủ đề có liên quan đến tin tức, bắt đầu giảm các đề xuất về những nội dung nghi vấn và hiển thị các bảng thông tin với nhiều nguồn tin về nơi người dùng có thể kiểm tra nhanh thông tin. Chúng tôi đã thấy kết quả là các tiến bộ có ý nghĩa và cam kết sẽ thực hiện nhiều cải tiến trong tương lai.”
Tham khảo Business Insider