Ông Putin và ông Gaddafi. Ảnh: AFP
Điện Kremlin không có nhiều lựa chọn trong việc lựa chọn đồng minh, và hầu hết những mối quan hệ này đều có rủi co cao đối với Nga.
Những “canh bạc” của Nga
Theo Bloomberg, sự ủng hộ của Nga đối với tướng Khalifa Haftar là một trong những ván cược mạo hiểm của tổng thống Vladimir Putin. Nhưng kể cả nếu ông Haftar thua, ông Putin vẫn sẽ có những nước cờ tương tự tại Libya và những nơi khác trên thế giới.
Trong những năm 1990, nước Nga bị kiệt quệ và đã mất nhiều đồng minh cũng như khách hàng trên khắp thế giới. Syria – dưới quyền điều hành của gia đình Assad, và Algeria – dưới quyền tổng thống Abdelaziz Bouteflika, người tới thăm Liên Xô dưới cương vị bộ trưởng vào những năm 1960, là hai trong số các quốc gia giữ vững mối quan hệ với Nga từ thời Liên Xô. Ông Putin đã cố gắng hết sức để không đánh mất những đồng minh quan trọng này.
Nhưng những đối tác quan trọng khác ở châu Phi, Trung Đông, châu Á và Mỹ La-tinh đều đã rơi vào tay Mỹ và Trung Quốc bởi Nga khó có thể chiến thắng trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng thông qua các khoản đầu tư vào khắp các nước trên thế giới. Vậy nên, Kremlin đã tìm kiếm những đồng minh tiềm năng theo hình thức khác.
Một mặt, Nga thu hút những quốc gia có hứng thú với các chuyên gia quân sự và vũ khí tiên tiến của Nga, và mặt khác, Nga có thể trở thành đối tác với những nước mong muốn trao đổi các loại tài nguyên thiên nhiên và làm ăn với các công ty nhà nước của Nga, bao gồm các doanh nghiệp dầu mỏ, điện năng hạt nhân và đường sắt.
Ông Assad và ông Putin. Ảnh: Sputnik / Mikhail Klimentyev
Khi nước Nga dưới thời ông Putin bắt đầu vươn tầm ảnh hưởng tới các nước trên thế giới, tình hình chính trị đã có những biến động lớn. Ông Assad đã vướng vào một cuộc nội chiến đẫm máu nhất thế kỉ 21, và Nga đã phải ủng hộ quân sự toàn lực để giữ quyền làm chủ đất nước cho chính quyền ông Assad.
Đây là một “canh bạc” thắng nhưng chưa đem lại bất kì lợi ích nào: Syria hiện tại chìm trong đổ nát, và những cơ hội hợp tác với Iran dường như gặp nhiều bất lợi hơn là có ích giữa bối cảnh Iran vẫn còn nhiều vấn đề nan giải với phương Tây, Israel, và cả Ả Rập Saudi.
Algeria dưới thời ông Bouteflika là khách hàng nước ngoài lớn nhất đối với vũ khí Nga, và điện Kremlin hi vọng mối quan hệ với quốc gia này sẽ tiếp tục được giữ vững kể cả khi ông Bouteflika từ chúc.
Nhưng những sự kiện gần đây lại đi ngược lại các kì vọng này. Ngày 19/3, Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra đã tới thăm Moskva để nói với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng mọi thứ đều ổn và mối quan hệ Nga – Algeria sẽ được giữ vững. Nhưng chưa đầy 2 tuần sau, ông Lamamra bị sa thải.
Can thiệp của Nga
Những mối quan hệ mới của Nga cũng thu hút sự chú ý của thế giới. Khoản đầu tư của Nga vào Venezuela dưới thời ông Hugo Chavez và người kế nhiệm Nicolas Maduro đứng trước nguy cơ mất trắng.
Một “kịch bản Syria” tại đây rõ ràng không khả thi, bởi vì những khó khăn trong hoạt động hậu cần cách xa nửa vòng trái đất cũng như những rủi ro quá lớn khi chiến đấu ở khu vực sân sau của Mỹ.
Tại Sudan, tổng thống Omar Al-Bashir đã có mối quan hệ cá nhân rất tốt với ông Putin. Nga thừa nhận đã cử những quan chức và cố vấn quân sự tới đây. Lợi ích của Nga ở đây khá rõ ràng: ngoài những thỏa thuận mua bán vũ khí và một dự án xây dựng nhà máy hạt nhân, thì kế hoạch về căn cứ hải quân Nga tại Biển Đỏ cũng đã được lên kế hoạch, đàm phán.
Tại Trung Phi, những sĩ quan quân sự đang hỗ trợ chính quyền nước này. Tuy nhiên, đây không phải là khoản đầu tư quan trọng của điện Kremlin.
Can thiệp của Nga tại Libya nằm giữa ranh giới giữa mối quan hệ cũ và cơ hội đồng minh mới. Chính quyền thân Nga cũ của ông Muammar Gaddafi đã kết thúc, mặc dù con trai của ông Gaddafi – ông Saif al-Islam – vẫn giữ mối quan hệ cấp cao với Nga.
Nhưng từ năm 2017, các tướng sĩ và nhà ngoại giao của ông Putin đã xây dựng mối quan hệ mới với ông Hafter, người điều hành lực lượng quân sự mạnh nhất Libya và điều hành hầu hết các khu vực khai thác dầu mỏ của đất nước.
Chính phủ Nga đã đàm phán với các đối thủ tại Tripoli nhằm tái khởi động lại công ty liên doanh dầu mỏ từ thời ông Gaddafi, nhưng dường như các thỏa thuận này sẽ được đàm phán với ông Haftar hơn là chính phủ do phương Tây hỗ trợ của ông Fayez al-Sarraj.
Mặc dù Libya chịu cấm vận về vũ khí, Bloomberg cho rằng Nga đã hỗ trợ ông Haftar với các loại vũ khí khác nhau, và ông Prigozhin được cho là đã có mặt trong cuộc gặp giữa ông Haftar và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi năm ngoái.
Quan điểm chính thức của Nga là Nga ủng hộ sự ổn định của các quốc gia đang phát triển trước nỗ lực của phương Tây trong việc lật đổ những chính phủ hợp pháp. Đó là điều Nga đã thực hiện ở Syria và Venezuela, và nếu cần thiết, ở cả Sudan. Nhưng tại Algeria và Libya, ông Putin đang có những kế hoạch chưa được công khai.
Nếu ông Maduro thất bại ở Venezuela, có thể Nga sẽ ủng hộ một nhân vật tương tự ở khu vực Nam Mỹ. Nếu ông Haftar không giành được quyền kiểm soát Tripoli và Libya, điện Kremlin có thể sẽ tiếp tục tạo lập mối đồng minh mới. Sự thất bại là một phần trong “canh bạc” đầy rủi ro của Nga trên trường thế giới.