Rất nhiều những nhân vật nhỏ bé, tầm thường như thế, ở bên cạnh chúng ta, đột nhiên qua đời, chúng ta mới nhận ra, trong cuộc đời chúng ta hóa ra họ lại quan trọng đến thế.
LTS: Vào khoảng hơn 21h đêm ngày 11/2, bác sĩ Thái Nghị, Trưởng Khoa Điều trị đau của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán đăng tải trên tài khoản mạng xã hội lời vĩnh biệt xót xa dành cho Lâm Quân, ông chủ quầy hàng nhỏ bên cổng bệnh viện, vừa qua đời vì căn bệnh viêm phổi do virus corona mới.
Ngay sau khi được đăng tải, bài viết đã tạo ra làn sóng đồng cảm mạnh mẽ với hàng trăm nghìn lượt like share của người dùng mạng Trung Quốc cũng như được đề cập trong các bản tin trên các phương tiện truyền thông nước này.
Họ đồng cảm với Lâm Quân, với những “nhân vật nhỏ bé” đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu với dịch bệnh, bởi mỗi một sinh mệnh biến mất đều không chỉ là một con số lạnh lùng, họ đều từng sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết.
Chúng tôi xin gửi tới Quý độc giả toàn văn bài viết này!
********
Lâm Quân đi rồi!
Hôm nay, vừa kiểm tra phòng bệnh xong, cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ, hít một hơi ở khu sạch bệnh viện, nhìn vào nhóm Wechat của đồng nghiệp, bỗng thấy một tin sốc.
Lâm Quân đi rồi!
Lâm Quân là người như thế nào vậy? Tôi không biết tên anh ấy là Lâm Quân (quân trong quân đội), hay Lâm Quân (quân trong quân tử, quân vương), hay là Lâm Quân (quân trong bình quân) Nhưng những người làm việc lâu năm ở Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán cơ bản đều biết anh ấy.
Anh ấy không phải Viện trưởng, cũng không phải Bí thư, chỉ là một ông chủ quầy hàng nhỏ cạnh cổng bệnh viện trên đường Nam Kinh.
Vẫn nhớ ngày mới đến bệnh viện, hơn 10 năm trước, lúc tôi còn ở Khoa Gây mê, vài bác sĩ có người thân làm phẫu thuật, muốn cảm ơn nhưng đồng nghiệp với nhau mà đưa phong bì thì xa cách quá nên thường gọi một cuộc điện thoại: “Lâm Quân, anh đưa nước đến phòng Phẫu thuật khoa Gây mê, mỗi người một thùng nhé! Rồi đưa thêm đến phòng bác sĩ, quầy y tá khoa/phòng xx một thùng nữa nhé, tan làm tôi sẽ đến thanh toán!”.
Sau đó, đầu bên kia vẫn là giọng nói quen thuộc “Được“! Chẳng bao lâu, một người đàn ông có khuôn mặt tròn tròn, đen đen điềm đạm đẩy một xe nước đến, nói rõ với chúng tôi, đây là bác sĩ xxx tặng, rồi lại vội vàng đi đến điểm kế tiếp.
Vài năm sau đó, [dịch vụ] giao hàng nhanh càng ngày càng nhiều, bác sĩ chúng tôi lại bận, mấy cậu giao hàng nhanh thường không đợi được, chúng tôi liền bảo với họ: “Cậu mang đồ chuyển phát nhanh đặt ở quầy hàng cạnh cổng [bệnh viện], gọi ông chủ tên Lâm Quân nhận hàng“.
Nhiều năm như vậy, anh ấy luôn mỉm cười hiền hậu với chúng tôi mà chẳng hề than phiền.
Từng có những lần, bác sĩ chúng tôi không mang theo tiền, khi đó thanh toán qua Wechat còn chưa thịnh hành nhưng vẫn trực tiếp đến quầy hàng của anh ấy, lấy nước uống, lấy bánh ăn rồi thanh toán sau! Về sau lâu quá nên quên bẵng đi, [chỉ đến khi] đột nhiên đi qua [mới nhớ ra], “Ông chủ, tôi còn thiếu anh bao nhiều tiền ấy nhỉ?“. Anh ấy vẫn giữ nụ cười hiền hậu, nhớ rõ thì nói rõ con số, không nhớ rõ thì chúng tôi lại thương lượng lấy một con số đại khái.
Doanh trại vững chãi, quân như nước chảy, Viện trưởng, Bí thư của bệnh viện đều đã thay đổi nhưng Lâm Quân vẫn ở đó. Vậy mà hôm nay đột nhiên nghe tin dữ, anh ấy đi rồi.
Hai ngày trước, tôi nhớ rõ rằng, Trưởng Khoa Gây mê cũ gọi điện hỏi tôi còn giường bệnh không. Đợt dịch này, ông biết rất khó cho tôi, đây là lần đầu tiên ông hỏi vậy. Lúc đó tôi thực sự không còn giường bệnh nên đã từ chối khéo, nhưng vẫn buột miệng hỏi là ai cần. Ông liền thốt một câu: “Lâm Quân của quầy hàng nhỏ nhiễm bệnh rồi, muốn hỏi anh xem có thể sắp xếp một chiếc giường không“. Nhưng tôi nghĩ anh ấy còn trẻ nên cũng không để ý lắm.
Thế mà chỉ 2 ngày sau, anh ấy đã đi rồi, ra đi ngay ở phòng theo dõi cấp cứu của bệnh viện chúng tôi, cả hai lá phổi đều trắng xóa! Áy náy trong lòng, tôi đi hỏi anh em phòng cấp cứu, họ cũng nói không thể làm được gì, bệnh phát triển quá nhanh, trừ phi có ECMO, may ra mới có một cơ hội sống. Điều này mới giúp tôi bớt đi một chút day dứt.
Bệnh viện chúng tôi, có được mấy bộ máy ECMO đâu chứ. Tính cả bộ mà Viện trưởng cũ Hạ Gia Hồng nhận từ quỹ Hàn Hồng, tổng cộng cũng chỉ có 2 bộ!
Một nhân vật nhỏ bé tầm thường, đợi được giường đã khó, làm sao có cơ hội sử dụng ECMO kéo dài mạng sống.
Nghe nói, vợ anh ấy cũng đã nhiễm bệnh rồi.
Rất nhiều những nhân vật nhỏ bé, tầm thường như thế, ở bên cạnh chúng ta, đột nhiên qua đời, chúng ta mới nhận ra, hóa ra trong cuộc đời chúng ta, họ lại quan trọng đến thế.
Đại dịch cứ tàn nhẫn như vậy! Không chỉ với những người nổi tiếng, không chỉ với bác sĩ, mà còn tàn nhẫn chà đạp lên cả những con người nhỏ bé này.
Trong chớp mắt, tôi lên tuyến đầu, làm việc được 12 ngày, quản lý 32 giường bệnh và đến thời điểm này, 25 bệnh nhân đã xuất viện, 22 bệnh nhân điều trị lâm sàng. Ba bệnh nhân không chữa khỏi, đã ra đi mãi mãi.
Lý Văn Lượng đi rồi, Giáo sư Lâm Chính Bân ở Bệnh viện Đồng Tế đi rồi, cả nước đều biết. Một ông chủ quầy hàng nhỏ đi rồi, ba bệnh nhân không điều trị khỏi của tôi đi rồi, nhưng ai biết?
Chúng ta đều là những nhân vật nhỏ bé. Trước thử thách của đợt dịch bệnh này, âm thầm trả giá, âm thầm chấp nhận sinh li tử biệt.
Người mất đã mất rồi nhưng những người còn sống, vẫn phải tiếp tục!
Làm bác sĩ có mệt không? Nếu tôi nói với bạn là không mệt, bạn có tin không? Nhưng thực sự là không mệt! Ít nhất thời gian làm việc giờ đây nhẹ nhàng hơn nhiều so với những ngày tôi cầm dao mổ. Bác sĩ khoa ngoại làm việc mười mấy tiếng một ngày là bình thường, ngần ấy năm qua, chúng tôi đều như thế.
Nhưng trước căn bệnh lạ, nỗi sợ bị lây nhiễm, sự thiếu thốn về vật tư, sự hoang mang không biết dịch bệnh khi nào mới được dập tắt, sự bất lực khi nhìn bệnh nhân cận kề cái chết, nhìn đồng nghiệp bên cạnh ngã xuống, những áp lực tâm lý này trở thành tầng tầng lớp lớp xiềng xích vô hình trói lấy chúng tôi.
Rất nhiều bác sĩ đều có chung một cảm giác, khi chuẩn bị đến cơ quan, khoác lên bộ đồ bảo hộ, đột nhiên cảm thấy toàn thân mỏi nhừ. Đây không chỉ là mệt mỏi!
May mắn thay, vẫn còn có những chiến hữu cùng chung chí hướng, khích lệ lẫn nhau, cùng tiến về phía trước!
May mắn thay, vẫn còn có những người dân Vũ Hán đáng mến; may mắn thay, vẫn còn có tình thân của đồng bào dân tộc Trung Hoa trên cả nước, đang sưởi ấm chúng tôi, ủng hộ chúng tôi.
Trong chớp mắt, bệnh viện thông báo, tôi đưa ekip mình xuống, các bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng sẽ lên thay! 14 ngày này, ekip của tôi, nói về số bệnh nhân ra viện, số bệnh nhân quản lý, đều đứng thứ nhất thứ hai trong số các bệnh viện, lui xuống cũng là điều đương nhiên.
Nhưng khi tôi nghe nói, Khoa Phục hồi chức năng không đủ nhân sự, nguyên Trưởng khoa cũng đã quay lại, tôi lại làm một việc trái với nguyên tắc là dẫn theo 4 đồng nghiệp, tiếp tục 14 ngày, hỗ trợ các bác sĩ Khoa Hồi phục chức năng, tiếp tục công việc ở khu bệnh số 2.
Rất nhiều các thầy cô quan tâm tôi, hỏi tôi khi nào thay ca, tôi đều nói, tôi không muốn thay ca, tôi sợ nhàm chán, nằm dí ở nhà mãi sẽ sinh bệnh!
Nhưng câu trả lời chính xác là, tôi muốn đứng ở đây, đứng ở nơi tuyến đầu, không có lý do nào cả. Ngay cả khi Khoa Phục hồi chức năng đủ người, tôi cũng không muốn xuống.
Tôi cảm thấy rằng tôi ổn, tôi vẫn có thể chịu được áp lực [thì tôi sẽ vẫn] dốc sức để cứu càng nhiều người, càng nhiều nhân vật nhỏ bé, càng nhiều người dân Vũ Hán.
Lý Văn Lượng đi rồi, Lâm Quân cũng đi rồi; biết đâu cũng có đồng nghiệp của tôi đang được cấp cứu; biết đâu một ngày nào đó, tôi sẽ không thể chịu nổi áp lực; biết đâu một ngày nào đó, tôi cũng sẽ nhiễm bệnh.
Nhưng như thế thì có làm sao?
Các bác sĩ của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, nhiệm vụ họ gánh vác chỉ đứng thứ hai toàn tỉnh sau Bệnh viện Kim Ngân Đàm, đại dịch trước mắt, có gì phải sợ!
Ông chủ Lâm Quân, tôi tiễn anh như vậy nhé, cảm ơn anh đã giúp đỡ và đồng hành với anh em Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán nhiều năm như vậy. Đừng trách tôi, thời khắc cuối cùng không tiễn anh được một đoạn đường!
Trên đường lên thiên đàng, người anh em, đi đường bình an!
ND: An An | ĐH: Đỗ Linh, theo Trí Thức Trẻ