Phát biểu kết thúc buổi chất vấn hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Nếu tất cả 63 tỉnh thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thành viên Chính phủ cuối cùng phát biểu tại Nghị trường, khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
“Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước”, Thủ tướng mở đầu phần phát biểu.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đã được nhìn nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi, nhiều thành công. Báo cáo của World Bank gần đây ghi nhận Việt Nam trong 3 thập kỷ qua đã đạt được thành tựu to lớn về giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho hàng chục triệu người.
Mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi Mới là rất ấn tượng.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986 – 2017 đạt 6,63%/năm. Trong 20 năm trở lại đây, tăng bình quân 6,3%/năm, còn 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%.
Việt Nam cũng chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế…
Không chỉ tăng trưởng nhanh, Việt Nam còn ý thức rõ về phát triển bền vững. Thủ tướng cho biết Nghị quyết Trung ương, Quốc hội, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội…
Nhìn lại chặng đường đổi mới hơn 30 năm qua, Thủ tướng nhấn mạnh rằng không phải chỉ để thấy niềm tin và tự hào mà quan trọng hơn là giúp định hình cho chặng đường 30 năm tới và xa hơn nữa.
Chặng đường phía trước, ông khẳng định là không dễ dàng, thậm chí còn khó khăn, phức tạp hơn.
Bởi để đưa đưa một nền kinh tế lớn với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045, mốc lịch sử 100 năm Việt Nam được độc lập quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD là không đơn giản.
“Khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn”, ông nói. Nhưng ông nhấn mạnh bản thân những người hôm nay và cả thế hệ tiếp theo cần nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
“Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc”, Thủ tướng nói.
Ông cho biết tinh thần dân tộc phải là sức mạnh hạt nhân của thể chế và toàn bộ hệ thống chính trị, là yếu tố quyết định ý Đảng, lòng dân, là chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng. Ý chí của người Việt từng tạo ra kỳ tích và sẽ tiếp tục tạo ra kỳ tích mới cho chặng đường phát triển của đất nước, theo Thủ tướng.
Ảnh: Tiến Tuấn. Đồ họa: Hương Xuân.
Động lực tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới là tầng lớp trung lưu đang ngày một tăng nhanh. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau.
Dẫn ra câu nói: “một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”, Thủ tướng chia sẻ thêm rằng “đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn”.
“Nếu tất cả 63 tỉnh thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa”, Thủ tướng chia sẻ.
Trong thời gian tới, một số nhiệm vụ sẽ được lưu tâm triển khai, theo Thủ tướng sẽ là kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề tái cơ cấu kên kinh tế thực chất, hiệu quả, giải quyết triệt để những yếu kém tồn đọng, xử lý nghiêm tham nhũng…
Thủ tướng nhấn mạnh không được thoả mãn, say sưa với chiến thắng mà ngủ quên trên vòng nguyệt quế.