Sáng 22-4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị gặp mặt đầu tư nước ngoài. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh VGP).
Cùng dự và chủ trì hội nghị tại đầu cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Hội nghị có sự tham dự của các bộ, ngành Trung ương và 180 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Các đại biểu dự tại điểm cầu UBND tỉnh Thanh Hóa.
Tại điểm cầu UBND tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh VGP).
Tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiếu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư tại Việt Nam cũng đã cảm nhận được những chia sẻ, thấu hiếu, đồng hành và sự nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực liên quan đến đầu tư nước ngoài và tiếp tục rà soát thể chế, pháp luật, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” – hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự nhưng xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định để bảo đảm, bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển chung.
Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua trên tinh thần tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Cách đây hơn nửa năm, vào tháng 9-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp FDI. Khi đó, hai bên đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chân thành trên cơ sở niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành từ cả hai phía; từ đó thống nhất các giải pháp tập trung khắc phục khó khăn, tiếp tục hợp tác hiệu quả và đang tiếp tục thành công.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Hội nghị cho thấy sự quan tâm, tinh thần đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam. (Ảnh: VGP).
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Năm 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, là năm “bản lề” trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021- 2025. Nếu các năm 2021-2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì 2023 là thời điểm để “tăng tốc”. Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngay từ bây giờ, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà các doanh nghiệp cũng cần hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác cùng phát triển hướng đến sự thịnh vượng chung.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) phát biểu tại hội nghị. (Ảnh VGP).
Cộng đồng doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn để có các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh hiệu quả; tiếp tục rà soát cải thiện môi trường đầu tư; có giải pháp linh hoạt để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.