(Ảnh: EPA)
Chính phủ Mỹ ngày 8/8 cáo buộc chính phủ Trung Quốc đứng sau vụ rò rỉ thông tin cá nhân của một nhà ngoại giao Mỹ tại Hồng Kông.
Nữ phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ bà Morgan Ortagus nói trong cuộc họp báo tại Washington, “Tôi không cho rằng việc rò rỉ thông tin cá nhân, hình ảnh, tên tuổi con cái của một nhà ngoại giao Mỹ là một sự phản đối chính thức [từ Trung Quốc], đó là điều mà kẻ côn đồ sẽ làm.”
Chỉ trích của Bộ ngoại giao Mỹ đưa ra sau khi Văn phòng ủy viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông gửi khiếu nại chính thức đến Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông về cuộc gặp mặt giữa một quan chức của cơ quan này với các thủ lĩnh đối lập Hồng Kông là Joshua Wong và Nathan Law hôm 6/8.
Trong ngày mùng 8, Văn phòng Bộ ngoại giao Trung Quốc ở Hồng Kông đã triệu tập quan chức Mỹ có liên quan và thúc giục Mỹ “ngay lập tức vạch rõ ranh giới với lực lượng chống Trung Quốc đang khuấy động rắc rối tại Hồng Kông, ngừng gửi đi những tín hiệu sai tới các phần tử bạo lực, chấm dứt can thiệp vào công việc của Hồng Kông và tránh đi sâu hơn vào con đường sai lầm”.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) mô tả nhà ngoại giao Mỹ là “bàn tay hắc ám núp sau cánh gà gây hỗn loạn ở Hồng Kông”.
Joshua Wong, một thủ lĩnh phe đối lập Hồng Kông gặp gỡ quan chức Tổng lãnh sự quán Mỹ hôm 6/8 (Ảnh: SCMP)
Sau khi hình ảnh cuộc gặp trên bị rò rỉ, tờ Takungpao của Hồng Kông đã đăng tải bài báo tiết lộ một loạt thông tin cá nhân về nữ quan chức Mỹ. Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo và tờ phụ bản Thời báo Hoàn Cầu đã đăng lại các thông tin này cùng hình ảnh nhà ngoại giao Mỹ – mà họ xác định là người phụ trách phòng chính trị Tổng lãnh sự quán Mỹ Julie Eadeh.
Theo bà Ortagus, việc rò rỉ thông tin cá nhân quan chức Mỹ “không phải là hành vi của một quốc gia có trách nhiệm”. Bà này sau đó xác nhận lập trường của chính phủ Mỹ, cho rằng chính phủ Trung Quốc đứng sau thao túng vụ rò rỉ thông tin cá nhân của nhà ngoại giao Mỹ.
Bà Ortagus cáo buộc “người Trung Quốc nói rằng họ gửi lời phản đối chính thức, trong khi thực tế là họ đã quấy rối nhà ngoại giao Mỹ”. Bà cho biết cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao với những nhân vật trong chính giới bản địa được tiến hành theo quy trình hoạt động đối ngoại của Mỹ.
“Các nhà ngoại giao Mỹ gặp gỡ với cả các quan chức chính phủ, với người biểu tình đối lập, không chỉ là ở Hồng Kông hay Trung Quốc,” bà nói, khẳng định nhà ngoại giao kể trên “đang làm phận sự của mình và chúng tôi khen ngợi bà ấy trong công tác”.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã leo thang liên tiếp kể từ khi bùng phát hôm 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền trưởng đặc khu Carrie Lam. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần lên tiếng cáo buộc các thế lực bên ngoài, thậm chí ám chỉ tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông là “sản phẩm của Mỹ”.
Bộ ngoại giao Mỹ bác bỏ tất cả cáo buộc can thiệp vào Hồng Kông, trong khi tổng thống Donald Trump cố gắng tách chính quyền của ông khỏi vụ việc. Hồi tuần trước, ông Trump nói tình trạng hiện nay là vấn đề của Hồng Kông và Trung Quốc bởi “Hồng Kông là một phần của Trung Quốc”.
Tổng thống Mỹ cũng gọi người biểu tình Hồng Kông là “bạo động” – cách diễn đạt được cho là giống với thông điệp của chính phủ Trung Quốc hơn là các thành viên khác trong chính phủ Mỹ. Vào đầu tuần này, Bộ ngoại giao Mỹ nói nước này vẫn duy trì “sự ủng hộ đối với quyền tự do ngôn luận và tự do tụ tập ôn hòa tại Hồng Kông”.