Ngoài quan niệm sai lầm về thịt đỏ, còn hàng loạt quan niệm và những điều cấm kỵ trong ăn uống được truyền miệng nhưng dưới góc nhìn khoa học thì chưa chắc đã đúng.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thì ngày càng có thêm nhiều xu hướng ẩm thực và quan niệm ăn uống nở rộ kèm theo.
Có rất nhiều quan niệm về thực phẩm và chế độ ăn uống được đông đảo mọi người tham khảo, áp dụng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học không phải tất cả các quan niệm đó đều đúng.
Hãy cùng tìm hiểu 10 quan niệm sai lầm phổ biến để tìm ra lời giải đáp thích hợp và lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh, đúng đắn của bản thân.
Quan niệm số 1: Không nên uống cà phê sau 12 giờ đêm để tránh mất ngủ
Sự thật thì tác dụng kích thích của caffeine phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Trong cơ thể có một gen chịu trách nhiệm trao đổi chất caffeine có tên là CYP1A2.
Lượng enzyme tạo ra bởi loại gen này chia cơ thể chúng ta thành 3 nhóm nhạy cảm với chất caffeine. Đó là các nhóm có độ nhạy cao, trung bình và thấp.
Nhóm người cực nhạy cảm với chất caffeine không nên uống cà phê cách 6 tiếng trước khi đi ngủ. Những người có độ nhạy cao có thể bị mất ngủ ngay cả khi họ uống cà phê từ buổi sáng.
Còn nếu bạn thuộc nhóm thứ 3 thì bạn hoàn toàn có thể uống một tách cà phê ngay trước khi đi ngủ và điều đó không ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn như lời đồn đại.
Quan niệm số 2: Ăn nhiều siêu thực phẩm giúp chống lại gốc tự do
Hầu hết các lọai thực vật đều có hoạt tính và chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, để đánh giá tác động của các tác nhân chống các gốc tự do, oxy hóa trên cơ thể người thì cần tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học chuyên sâu hơn.
Vì vậy mặc dù có rất nhiều loại thực vật giàu chất chống oxy hóa (kể cả khoai tây) nhưng rất khó để khẳng định liệu chúng thực sự có hiệu quả với con người hay không.
Quan niệm số 3: Khí carbon dioxide trong đồ uống gây nhiều bệnh và phá hủy xương
Các nghiên cứu cho thấy rằng khí carbon dioxide không ảnh hưởng đến đường tiêu hóa đang khỏe mạnh và thậm chí còn giúp làm giảm các triệu chứng như khó tiêu, táo bón.
Thêm nữa, kết quả các nghiên cứu cũng không khẳng định bất kỳ mối liên kết nào giữa nước có ga và bệnh loãng xương. Phản ứng tiêu cực được ghi nhận chỉ xảy ra ở một số nhóm đối tượng nhất định.
Như vậy thực tế này cho phép chúng ta đặt ra giả định rằng vấn đề có thể nằm ở đường và axit orthophosphoric chứ không phải là cacbonat trong các loại đồ uống có ga.
Quan niệm số 4: Cơ thể chúng ta tích lũy độc tố và cần giải độc thường xuyên.
Năm 2009, một nhóm các nhà khoa học đã liên hệ và tìm hiểu các nhà sản xuất của 15 loại sản phẩm thải độc cơ thể phổ biến trên thị trường. Mục đích nhằm tìm ra bằng chứng chứng minh tính thải độc của sản phẩm đó là gì.
Tuy nhiên không nhà sản xuất nào có thể trả lời câu hỏi của các nhà khoa học và rõ ràng khái niệm về sản phẩm thanh lọc, thải độc chỉ là chiêu trò tiếp thị mà thôi.
Edzard Ernst, giáo sư danh dự ngành Dược thuộc trường Đại học Exeter, cho biết rằng cơ thể của một người bình thường không chứa chất độc và không cần bất kỳ liệu trình làm sạch độc tố nào.
Quan niệm số 5: Muối ăn không tốt, cần thay thế bằng các chất mặn khác
Nhiều người cho rằng muối ăn không tốt, cần phải thay bằng các chất mặn khác. Nhưng sự khác biệt giữa các loại này rất nhỏ, bạn vẫn phải tiêu thụ một lượng muối nhất định để có được đầy đủ lợi ích của nó.
Hàm lượng i-ốt trong mỗi loại mới là điều đáng quan tâm. Muối ăn có chứa nhiều iốt giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt i-ốt và các biến chứng của nó.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khoảng 1/3 dân số không bổ sung đủ i-ốt cần thiết cho cơ thể. Và kể cả khi bạn sống ở khu vực ven biển thì điều đó không có nghĩa là bạn không bị thiếu i-ốt.
Quan niệm số 6: Thịt đỏ, thịt đã qua chế biến gây ung thư ruột và không nên ăn
Sự thật thì ngay cả khi thịt đỏ trải qua quá trình xử lý nhiệt, nó vẫn không được coi là đã được xử lý, chế biến. Thuật ngữ này chỉ được sử dụng cho các sản phẩm thịt lưu kho dài hạn.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp thịt đỏ thuộc nhóm 2A, tức là có thể gây ung thư cho con người. Nói cách khác, việc phân loại dựa trên một số bằng chứng hạn chế từ các nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc ăn thịt đỏ và phát triển ung thư đại trực tràng kèm theo các bằng chứng cơ học khác.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo bạn không khuyên ăn quá 70 gr thịt đỏ mỗi ngày và tốt nhất là không ăn thịt đã qua chế biến.
Quan niệm số 7: Men là một sản phẩm nhân tạo và không lành mạnh
Sự thật thì Saccharomyces cerevisiae là một loại nấm men tự nhiên được thuần hóa, không phải do con người tạo ra, nó được biết đến nhiều nhất có trong bánh mỳ.
Danh sách dài các nguyên tố hóa học chứa trong nấm men chỉ là các nguyên tố được sử dụng trong sản xuất nấm men. Còn quá trình lên men là thúc đẩy vi sinh vật, tự nó tạo ra sản phẩm trao đổi chất.
Quan niệm số 8: Không nên hâm nóng mật ong vì nó tạo ra chất hydroxymethylfurfural nguy hiểm.
Hydroxymethylfurfural (HMF) có trong tất cả các loại mật ong. Nồng độ của chất này tăng lên nếu chúng ta đun nấu mật ong.
Nhưng trước tiên, HMF có chứa trong nhiều loại thực phẩm với hàm lượng lớn hơn nhiều so với mật ong và không có nghiên cứu nào chứng minh HMF nguy hiểm cho con người. 30 mg HMF mỗi ngày vẫn an toàn cho sức khỏe.
Quan niệm số 9: Mayonnaise chứa nhiều cholesterol và không tốt nếu bạn muốn giảm cân.
Thực tế mayonnaise chứa rất nhiều chất béo nhưng không nên thay thế bằng dầu (ô-liu hoặc dầu mè) trong món salad bởi trong khi mayonnaise chứa 50-80% chất béo thì các loại dầu có tới 95-99%.
Nguồn gốc của cholesterol trong mayonnaise xuất phát từ trứng, nhưng quan niệm cho rằng trứng có chứa cholesterol gây hại cho cơ thể người đã bị bác bỏ.
Chất E200 có trong mayonnaise là vô hại nhưng có thể gây dị ứng. Vì vậy, nếu bạn muốn giảm cân, có thể dùng sữa chua cho món salad. Nếu bạn bị dị ứng với E200, hãy tự làm mayonnaise.
Quan niệm số 10: Da gà là thành phần có hại nhất cần được loại trừ khỏi chế độ ăn uống.
Rất nhiều người ho rằng da gà chứa nhiều chất béo và cholesterol. Nhưng mọi người thường không chú ý đến axit béo không bão hòa giúp làm giảm mức cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt trong da gà.
Ngoài ra, da gà là một nguồn collagen có ảnh hưởng lớn đến cơ bắp, da và khớp của chúng ta.
*Theo Brightside