Về cơ bản, tất cả thi thể ở Alcor sẽ được lưu giữ vĩnh cửu, hoặc cho đến một ngày khoa học đủ quyền năng để đánh thức họ dậy.
Giáo sư James Bedford đang nằm bên trong một túi ngủ cách nhiệt được nhúng ngập vào nitơ lỏng. Đó là những gì bạn không thể nhìn thấy, nhưng có thể tưởng tượng ra sau lớp vỏ nhôm của một trong những chiếc bình chân không gọi là “dewar” này.
Bên trong trụ sở chính của mình ở Arizona, Alcor Life Extensions Foundation hiện đang có hàng chục dewar dựng đứng như phim viễn tưởng. Khó có thể tin vào cuối thế kỷ 20, giữa một vùng ngoại ô nằm ngay rìa sa mạc Sonoran lại mọc lên một “hầm mộ” hiện đại như thế.
Bên ngoài những bức tường bê tông của Alcor, nhiệt độ có thể lên đến hơn 40oC suốt 8/12 tháng của năm. Nhưng ở bên trong, thi thể của giáo sư Bedford và khoảng 150 người khác luôn được giữ ở mức gần 200oC dưới 0, miễn là người thân của họ trả được những khoản phí duy trì thường niên.
Về cơ bản, tất cả thi thể ở đây sẽ được lưu giữ vĩnh cửu, hoặc cho đến một ngày, khoa học đủ quyền năng để đánh thức họ dậy.
Bedford là một giáo sư tâm lý học, một cựu chiến binh trong Thế chiến thứ nhất. Ông đã từng sống trọn một cuộc đời đáng sống ở giữa thế kỷ 20, kết hôn 2 lần và đặt chân đến nhiều miền đất trên thế giới.
Hơn 50 năm trước, giáo sư Bedford là người đầu tiên trên Trái Đất được đông lạnh sâu với mục đích chờ hồi sinh.
Đó là một ý tưởng điên rồ, tưởng chừng chỉ có trong đầu những Pharaoh thời Ai Cập cổ đại, những người đã đứng trên đỉnh cao quyền lực khao khát được bất tử. Nhưng cho đến bây giờ, hàng trăm người đã theo giáo sư Bedford, đặt cho mình một chỗ trong hầm mộ bên rìa sa mạc của Alcor.
Họ đều là những người bình thường, một số đủ tiền thì đông lạnh toàn bộ cơ thể như giáo sư Bedford với giá khoảng 200.000 USD (tương đương 5 tỷ VNĐ), nếu không đủ thì chỉ đông lạnh phần đầu chứa não bộ với giá bằng một nửa.
Trong số họ không ai khao khát quyền lực cũng như sự bất tử một cách mù quáng, tất cả chỉ đang đặt niềm tin vào khoa học: Một ngày nào đó trong tương lai, sẽ có một nhóm người khoác áo blue trắng đến đánh thức họ dậy, để tiếp tục sống thêm một cuộc đời nữa.
Cryogenics còn được gọi với cái tên cryopreservation, là kỹ thuật đông lạnh sâu một cơ thể chết hoặc các bộ phận cơ thể để bảo vệ chúng khỏi sự phân hủy.
Về mặt phát luật, đông lạnh sâu chỉ được thực hiện khi bệnh nhân đã chết. Khoảng thời gian lý tưởng để bắt đầu thủ thuật cryogenics là trong khoảng 2 phút sau khi tim bệnh nhân ngừng đập và không quá 15 phút sau đó.
Đầu tiên, thi thể được làm lạnh dần bằng băng và tiêm chất hóa học để giảm đông máu. Nó sẽ hạ nhiệt độ đến gần mức 0°C và máu được rút ra để thay bằng một dung dịch nhằm bảo vệ các mô và cơ quan.
Sau đó, các kỹ thuật viên tiêm trở vào thi thể một dung dịch khác để ngăn các tinh thể băng hình thành. Thi thể tiếp tục được làm lạnh thi thể xuống đến -130°C. Bước cuối cùng, các kỹ thuật viên di dời thi thể sang một bình chứa Nitơ lỏng. Ở đó, nó sẽ được hạ nhiệt độ xuống -196°C và bảo quản lâu dài.
Hiện tại, trên thế giới có 3 cơ sở đang cung cấp dịch vụ cryogenics. Ngoài Alcor ở vùng sa mạc Arizona còn có Viện Cryonics ở Michigan. Tại Nga, cryogenics có thể được thực hiện tại công ty KrioRus. Ngoài ra, ở Bồ Đào Nha cũng có một chi nhánh của Alcor có thể thực hiện kỹ thuật này.
Mức phí mà một người phải bỏ ra nếu muốn đông lạnh sâu toàn bộ cơ thể tại Alcor là khoảng 200.000 USD (tương đương 5 tỷ VNĐ).
Đối thủ của họ, Viện Cryonics đề xuất mức giá từ khoảng 35.000 USD (tương đương 977 triệu VNĐ). Trong khi nếu thực hiện thủ tục tại KrioRus của Nga, bạn sẽ mất 37.600 USD (tương đương 1,1 tỷ VNĐ).
Là người được trao cho sứ mệnh cryogenics tiên phong (trong trường hợp ý tưởng hồi sinh thực sự thành công, còn nếu không lịch sử sẽ chỉ coi ông là một kẻ lập dị sống ở thế kỷ 20, như ánh mắt chúng ta nhìn những thầy tu và nhà ướp xác với ý tưởng bất tử viển vông hơn họ hơn 5.000 năm trước ở Ai Cập): Bob Nelson, người thực hiện ca đông lạnh sâu đầu tiên trên thế giớ cho giáo sư Bedford chỉ là một thợ sửa TV về hưu, thậm chí ông chưa từng học hết cấp 3.
Điều đã đưa Nelson đến với khoa học cryogenics là một cuốn sách của tiến sĩ Robert Ettinger, The Prospect of Immortality (Viễn cảnh bất tử).
Robert Ettinger là một giáo sư vật lý, ông mới chính là cha đẻ của ngành khoa học cryogenics. Trong cuốn sách của mình, tiến sĩ Ettinger đưa ra một giả thuyết cho rằng cái chết là một quá trình dần dần – con người có thể tìm cách đảo ngược cái chết để sống lại – với một điều kiện là thi thể của họ phải được đông lạnh để bảo quản trong điều kiện hoàn hảo nhất.
Năm 1965, sau khi Nelson đọc Viễn cảnh bất tử, ông luôn bị ám ảnh bởi một hình ảnh về những con kỳ nhông salamanders ở Siberia. Chúng có thể bị mắc kẹt trong lớp băng vĩnh cửu nhiều năm, nhưng ngay khi băng tan sẽ sống lại và hoạt động bình thường.
Nelson tự nghiên cứu về cryogenics, sau đó trở thành chủ tịch Hiệp hội Cryonics California vào năm 1966. Trong một buổi nói chuyện với các thành viên trong hội, Nelson lần đầu tiên gặp gỡ tiến sĩ Ettinger.
Cùng thời điểm đó, giáo sư Bedford đang nằm trên giường bệnh ở tuổi 73. Ông bị mắc ung thư thận, căn bệnh đã di căn vào phổi nên ông biết mình không thể sống lâu hơn nữa. Cũng bị hấp dẫn bởi Viễn cảnh bất tử, giáo sư Bedford gửi thư cho tiến sĩ Ettinger nói rằng ông muốn được đông lạnh.
“Thực ra ông ấy cũng không muốn trở thành người đầu tiên chút nào, nhưng bởi biết mình sắp chết, ông ấy đã thu xếp cho chuyện ấy – ông ấy đủ khả năng vì là một người rất giàu có“, Nelson thuật lại.
Chính tiến sĩ Ettinger đã thuyết phục ông tham gia vào phi vụ cryogenics này, cùng hai người khác có chuyên môn là Dante Brunol, một nhà sinh học người Ý và Robert Prehoda, một nhà hóa học Mỹ.
Hai ngày trước khi giáo sư Bedford qua đời, Nelson có đến gặp ông ấy. “Tôi đến bệnh viện cứ ngỡ rằng ông ấy đã hôn mê nhưng không, ông ấy vẫn tỉnh táo nên tôi đã tự giới thiệu mình“, Nelson nói.
“Ông có phải người sẽ thực hiện quy trình này không?“, giáo sư Bedford hỏi.
“Đúng vậy”.
“Ông Nelson này, tôi muốn ông biết một điều – tôi không hi vọng mình sẽ được hồi sinh, nhưng tôi sẽ làm điều này với hi vọng ngành khoa học phi thường này, một ngày nào đó, sẽ đem lại lợi ích cho con cháu tôi”.
Ngày 12 tháng 1 năm 1967, giáo sư Bedford tử vong. Nelson và 2 chuyên gia khác lập tức vào việc. Họ làm lạnh cơ thể ông bằng nước đá, rút hết máu của ông ra ngoài và tiêm trở lại một chất chống đông sinh học gọi là dimethyl sulfoxide.
Bởi các thùng đông lạnh chưa kịp hoàn thiện, bộ ba quyết định phải bảo quản tạm thi thể của giáo sư Bedford ở đâu đó. Nelson đặt ông ấy vào một quan tài gỗ chứa đầy nước đá, nhấc lên thùng chiếc Ford bán tải của mình và chở về nhà ông ấy. Tuy nhiên, người vợ đầu của giáo sư Bedford không cho phép và dọa sẽ báo cảnh sát.
Nelson lại phải một mình lái xe bán tải chở thi thể của giáo sư Bedford đến giấu tạm ở nhà một người bạn ở hẻm núi Topanga. “Đó là thủ phủ của những người hippy“, Nelson nói. “Tôi đã lái xe dọc theo những con đường gập ghềnh, chở đằng sau một thi thể đông lạnh. Thật điên rồ! Bây giờ tôi hồi tưởng lại và thốt lên rằng Chúa ơi“.
Thi thể của giáo sư Bedford sẽ được lưu giữ vĩnh cửu, hoặc cho đến một ngày, khoa học đủ quyền năng để đánh thức ông dậy
Thi thể của giáo sư Bedford đã được bảo quản tạm ở Topanga trong hơn 2 tuần. Cùng thời gian đó, người vợ kế và con ông hoàn thành các thủ tục pháp lý cho hoạt động đông lạnh.
Sau khi dewar đầu tiên dành cho giáo sư Bedford được thiết kế xong, ông được chuyển trở lại Arizona và bảo quản tại đơn vị cryogenics đầu tiên, tập đoàn Thiết bị chăm sóc y tế Cryo-Care ở Phoenix.
Nhưng cuộc hành trình gian khổ vẫn chưa dừng lại. Sau 2 năm, giáo sư Bedford tiếp tục phải di chuyển đến cơ sở Galiso ở California. Một lần nữa, vào năm 1973, ông chuyển địa điểm và đến năm 1977 thì con trai ông đem thi thể cha về đặt tại nhà.
Năm 1982, Alcor Life Extension Foudation đồng ý tiếp nhận bảo quản thi thể giáo sư Bedford, ông được đưa đến yên nghỉ tại khu “hầm mộ” ở rìa sa mạc Sonoran.
Năm 1991, Alcor quyết định mở dewar của giáo Bedford và kiểm tra tình trạng đông lạnh cho ông sau 24 năm. Cắt qua lớp phủ kim loại của chiếc bình, các kỹ thuật viên của Alcor nhìn thấy giáo sư Bedford trong một chiếc túi ngủ màu xanh nhạt, quấn vào một chiếc giá bằng dây nylon.
Họ chuyển ông đến một bồn nitơ lỏng phủ bọt polystyrene và bắt đầu khám cho ông. Các kỹ thuật viên cho biết giáo sư Bedford đã được bảo quản tốt, nhìn ông trẻ ra so với tuổi 73. Tuy nhiên, có một số vùng da trên ngực và cổ bị đổi màu và hai lỗ thủng ở trên cơ thể.
Mũi và miệng của giáo sư Bedford có mùi máu. Mắt ông mở hé và giác mạc có màu trắng phấn của băng. Nước đá chưa tan hết che khuất bộ phận sinh dục của giáo sư Bedford nhưng đôi chân ông đã lộ ra với chân phải vắt chéo lên chân trái.
Một số vết nứt trên bề mặt da đã được tìm thấy, nhưng nhìn chung, quá trình bảo quản cho giáo sư Bedford được coi là tốt. Các kỹ thuật viên ở Alcor sau đó gói giáo sư Bedford trở lại một chiếc túi ngủ mới và nhúng thi thể ông vào trong nitơ lỏng để tiếp tục… chờ đợi.
Thi thể của giáo sư Bedford được đưa trở lại một dewar mới và bảo quản cho đến này hôm nay tại Alcor
Trong nửa thế kỷ qua, khoa học về cryogenics từng gặp nhiều thất bại ngoạn mục. Công nghệ đông lạnh từng không đủ mạnh khiến một số thi thể bị phân hủy.
Những thi thể này được kéo ra khỏi hầm mộ của thế kỷ 20, chất lên xe tải với đá khô để lại cho người thân họ những nỗi băn khoăn. Liệu có nên tiếp tục thực hiện di nguyện của người đã khuất hay là chôn cất họ tại thời điểm này?
Nhưng cũng từ những thất bại, các nhà khoa học cryogenics đã học được rất nhiều để cải tiến công nghệ của họ. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 350 thi thể người đang được đóng băng lại.
Ở nửa sau của mục đích – hồi sinh những thi thể – nhiều tiến bộ khoa học vẫn đang diễn ra. Năm ngoái, một nhà khoa học trẻ người Mỹ đã bắt đầu thắp lên những hi vọng.
Robert McIntyre tốt nghiệp từ Viện công nghệ Massachusetts lần đầu tiên đông lạnh sau đó phục hồi thành công bộ não của một động vật có vú, đó là một con thỏ trắng New Zealand. Sau khi rã đông, bộ não của thỏ được bảo tồn nguyên vẹn cả các khớp thần kinh, màng tế bào và cấu trúc nội bào của nó.
Bên trong những bức tường bê tông của căn “hầm mộ”, thi thể của giáo sư Bedford và khoảng 150 người khác vẫn đang được giữ ở mức -196oC dưới 0.
Một nhóm nghiên cứu khác của Đại học Minnesota cũng đã phát triển được một kỹ thuật rã đông, có thể làm ấm thi thể hàng trăm độ mỗi phút mà không gây tổn hại cho các mô. Nó đã vượt qua được một trong những thách thức khó khăn ban đầu của nửa sau cryogenics, đem các thi thể trở lại sự sống.
Trước đây, quá trình rã đông được cho là sẽ khiến tinh thể băng hình thành. Các tinh thể băng hết sức sắc nhọn, có thể đâm xuyên và làm hỏng các mô từng được bảo quản, khiến chúng nứt và thậm chí vỡ vụn.
Khi các tế bào bị tổn thương trong quá trình rã đông và biến thành “một đống hỗn độn”, chúng không thể chuyển đổi trở lại thành mô sống. Nó giống như việc bạn không thể biến trứng ốp la trở lại thành một quả trứng sống được.
Nhưng với kỹ thuật rã đông của Đại học Minnesota, điều này sẽ được ngăn chặn bằng một dung dịch nano cho phép làm ấm đều thi thể bằng từ trường ngoài. Hi vọng tiếp tục được thắp lên vào tháng trước, khi các nhà khoa học hồi sinh được một sinh vật sau hơn 42.000 năm đông lạnh trong băng vĩnh cửu, chứng minh những điều kì diệu vẫn có thể xảy ra.
“Vào thời điểm chúng tôi đóng băng giáo sư Bedford, con người còn chưa đặt chân lên mặt trăng, thủ thuật ghép tim chưa ra đời, không có GPS, không có điện thoại di dộng” – Bob Nelson
Những khó khăn trong bước đầu tiên để đưa người chết trở lại đang được giải quyết. Nhưng chúng ta phải thừa nhận, từ bây giờ đến thời điểm khoa học làm được việc đó vẫn còn cách một bước đại nhảy vọt.
Mặc dù vậy, mọi người đều có quyền hi vọng.
“Vào thời điểm chúng tôi đóng băng giáo sư Bedford, con người còn chưa đặt chân lên mặt trăng, thủ thuật ghép tim chưa ra đời, không có GPS, không có điện thoại di dộng“, Bob Nelson nói.
“Ai mà biết được 50 năm tới [khoa học công nghệ] sẽ mang lại cho chúng ta những gì? Tôi nghĩ hi vọng của ông ấy sẽ đến từ công nghệ nano, rồi cuối cùng sẽ có cách để hồi sinh ông ấy, chỉ là sớm hay muộn mà thôi“.