Bloomberg cho biết Việt Nam hiện là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 12 cho Mỹ. Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, trong năm 2018, nước này đã nhập hơn 49,2 tỷ USD hàng hoá từ Việt Nam.
Trong mắt giới quan sát, có vẻ như Việt Nam đang là một trong số ít những quốc gia ngoại lệ, được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. So với cùng kỳ quý I/2018, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam của Mỹ đã tăng 40,2%, theo Cục Thống kê Mỹ.
Nhờ vậy, Việt Nam trở thành một trong những nguồn hàng hoá tăng trưởng nhanh nhất của quốc gia này tại châu Á. Trong khi đó, lượng hàng từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 13,9%, hệ quả của chiến tranh thương mại.
Tờ Bloomberg nhận định, nếu Mỹ tiếp tục duy trì tốc độ mua hàng Việt Nam như hiện nay, với tổng kim ngạch nhập khẩu dự báo đạt gần 69 tỷ USD trong năm 2019, Việt Nam sẽ vượt qua Italia, Pháp, Anh, Ấn để trở thành nguồn cung hàng lớn thứ 7 cho Mỹ.
Việc tăng được xuất khẩu sang Mỹ là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia trong nước, nếu nói chung về thương mại, Việt Nam có thực sự hưởng lợi trong giai đoạn này hay không, cần phải xem xét kỹ nhiều chiều.
“Theo quan sát của chúng tôi, ảnh hưởng của căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đến thương mại Việt Nam là sự pha trộn”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nói.
Theo ông, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ “tăng vọt” là điều dễ hiểu vì nhiều mặt hàng của Việt Nam đang có cơ hội thay thế cho hàng hoá Trung Quốc trên đất Mỹ. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý được ông Thành nhắc đến là thương mại từ Việt Nam sang Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm từ nửa cuối 2018 sang đến đầu năm 2019.
Trung Quốc hiện muốn bảo vệ doanh nghiệp, thị trường nội địa khi mà hàng hoá của nước này ngày càng bị Chính phủ Mỹ hạn chế, bằng cách siết chặt hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, ông Đức Thành cho biết.
“Xuất khẩu sang Mỹ tăng lên nhưng không bù đắp được phần giảm phía Trung Quốc nên đối với thương mại, tôi đánh giá là chưa rõ Việt Nam có được lợi trong xung đột Mỹ – Trung hay không”, ông Đức Thành nhận định.
Phân tích về câu chuyện xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Xã hội Quốc gia (NCIF) nhận định hiện chỉ có sự biến động về tốc độ còn cơ cấu hàng hoá không thay đổi.
Mặt khác, nhiều khả năng đối tượng hưởng lợi trong việc xuất khẩu hàng hoá này, là các doanh nghiệp FDI nhờ vào tính nhanh nhạy và linh hoạt.
Bởi lẽ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam từ trước đến nay đã chú trọng vào xuất khẩu, do vậy, họ rất nhanh chóng thích nghi với bối cảnh mới để đẩy nhanh hoạt động này.
Lấy ví dụ một doanh nghiệp có sản xuất tại cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, ông Thắng cho biết họ có thể cắt giảm sản lượng tại Trung Quốc, tăng sản lượng ở Việt Nam để đảm bảo lợi nhuận.
Trong khi đó, với doanh nghiệp nội địa, nếu muốn tăng xuất khẩu, họ sẽ gặp khó khăn đôi chút. Bởi lẽ để làm được điều này, doanh nghiệp phải đi theo hai cách: hoặc đàm phán để tăng dung lượng đơn hàng, hoặc tìm kiếm mối hàng khác. Mà những việc này vốn dĩ không thể muốn là ngay lập tức làm được.
Mặt khác, những nhóm mặt hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may… hiện đang chịu sự kiểm soát khá chặt của Mỹ về chất lượng lẫn giá thành.
Ông Thắng cũng dự báo rằng đến hết năm nay, Mỹ và Trung Quốc nếu chưa thống nhất một thoả thuận nào, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ nhiêu khả năng duy trì được mức độ hiện nay.