Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Sáng nay, với 459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (bằng 92,91% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21/10/2023 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”(sau đây gọi tắt là các Chương trình mục tiêu quốc gia).
Nghị quyết nhấn mạnh khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được một số kết quả nhất định; bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội; kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm, đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn một số tồn tại, hạn chế, như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương còn chậm; số lượng văn bản ban hành nhiều, một số nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện; việc giải quyết một số kiến nghị, vướng mắc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Cơ chế phối hợp Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp chưa chặt chẽ; mô hình tổ chức, bộ máy giúp việc ở địa phương chưa thực sự hiệu quả. Một số cơ chế đặc thù chậm được ban hành hoặc chưa cụ thể hóa đầy đủ các yếu tố đặc thù dẫn đến vướng mắc trong thực hiện…
Còn tình trạng cát cứ, phân tán, manh mún trong tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc thực hiện cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng và Nhà nước chưa thực sự phát huy hiệu quả; thu hút nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế…
Trên cơ sở xác định nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, Quốc hội cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.
Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trong đó, có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại Nghị quyết, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đề xuất, kiến nghị, khắc phục tồn tại, hạn chế đã nêu trong Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21/10/2023 của Đoàn giám sát.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các quy định, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia…
Tường Minh
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/thao-go-kho-khan-vuong-mac-day-nhanh-tien-do-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-d201472.html