Những ngày này, người hâm mộ Việt Nam đang nhắc nhau cảm ơn bầu Đức bởi ông đem HLV Park Hang-seo đến. Đó là giá trị lớn nhất mà ông bầu phố Núi đóng góp cho bóng đá Việt Nam?
1. Từ chức Á quân U23 châu Á tại Thường Châu hồi đầu năm, cho đến chức vô địch AFF Cup vừa xong, không khó để thấy ảnh hưởng của các cầu thủ HAGL ở đội tuyển là mờ nhạt dần. Trận chung kết với Malaysia mới đây, ĐTQG Việt Nam ra sân mà không có bất cứ cầu thủ phố Núi nào trong đội hình xuất phát.
Phải chăng những cầu thủ con cưng thuộc lứa U19 bốn, năm năm về trước của bầu Đức đã hao hụt dần giá trị, và giờ đây ông bầu phố Núi này chỉ còn biết trông chờ vào mối thâm tình với HLV Park Hang-seo – người được đồn đại rằng “do bầu Đức sang tận Hàn Quốc mời về cho bóng đá Việt Nam”, cũng như được ông bầu này trả lương?
Thực ra, câu chuyện ngay sau trận chung kết AFF Cup 2018, HLV Park Hang-seo lập tức lên máy bay từ sáng sớm để vào tận Chu Lai cảm ơn bầu Đức – như đã từng làm sau kỳ tích ở giải U23 châu Á hồi đầu năm, không hẳn hoàn toàn là sự thật.
Sau chức Á quân U23 châu Á hồi đầu năm, HLV Park Hang-seo đích thân lên phố Núi cảm ơn bầu Đức.
Chuyến đi ấy, mục đích chính là để tham dự một sự kiện đã được đặt lịch từ trước, và bầu Đức cũng là người tham dự sự kiện này. Họ gặp nhau tại Chu Lai, và ông Park Hang-seo tranh thủ nói lời cảm ơn với bầu Đức.
HLV Park Hang-seo cũng không phải là người được bầu Đức và VFF nhắm đến đầu tiên, mà phải là một HLV người Nhật khác. Khi HLV này từ chối, từ sự giới thiệu của người đại diện cho Xuân Trường, cũng là người đại diện của HLV Park Hang-seo – Lee Dong-jun, bầu Đức và VFF mới xem xét hồ sơ của ông Park, và sau đó bay sang Hàn Quốc để làm việc cụ thể.
Khoản lương mà bầu Đức trả cho HLV Park Hang-seo là một nghĩa cử thực sự đáng trân trọng với bóng đá Việt Nam, cũng như với VFF trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của tổ chức này sao gần 2 năm bết bát dưới thời HLV Hữu Thắng. Và dẫu cho phần lớn số tiền này đến từ những đối tác khác được bầu Đức vận động, chứ không hẳn từ “tiền túi” của ông bầu HAGL, thì đấy vẫn là điều kiện mấu chốt để bóng đá Việt Nam có được HLV Park Hang-seo.
Lee Dong-jun (thứ hai từ phải qua) là người giới thiệu HLV Park Hang-seo cho bầu Đức và VFF.
Song để đi đến tận cùng, thì khoản trả lương của bầu Đức cho HLV Park Hang-seo nằm trong lời hứa “như đinh đóng cột” của ông bầu người Bình Định này hơn 3 năm trước: “Sa thải Miura đi, tôi sẽ lo tất cho đội tuyển, từ việc trả lương cho HLV trưởng, lẫn chuyện tập huấn của ĐTQG cũng như U23 Việt Nam”.
2. Nhưng có một điều, khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam, thậm chí là bầu Hiển hay VFF, thậm chí là HLV Park Hang-seo hay các cầu thủ không thuộc biên chế HAGL đều phải nói lời cảm ơn trân trọng nhất đến bầu Đức.
Hơn 10 năm trước, bầu Đức bắt tay vào xây dựng bóng đá trẻ, theo cách chưa từng có ở Việt Nam, với học viện HAGL Arsenal JMG, với khoản đầu tư cực lớn, cực kỳ bài bản cùng một định hướng dài hơi và nhất quán, phóng tầm nhìn ra đến 10 năm sau.
Trước khi đầu quân cho CLB Hà Nội, Quang Hải đã suýt nữa thuộc về HAGL.
Ngày ấy, lò đào tạo HAGL thông qua các giải bóng đá nhi đồng toàn quốc để “thâu tóm” các tài năng nhí của các tỉnh thành, từ Xuân Trường (Tuyên Quang), Minh Vương, Tuấn Anh (Thái Bình), cho đến lứa trẻ Hải Dương với những Văn Thanh, Văn Toàn, Văn Sơn… Thậm chí, HAGL suýt nữa thì đã có được Quang Hải từ trung tâm đào tạo trẻ Hà Nội, khi bố cầu thủ này từng đưa con lên tận Gia Lai để “thử tài”.
Công cuộc gom nhặt tài năng, với ý định đào tạo nên một lứa cầu thủ xuất sắc về chuyên môn, hiểu ý nhau từ nhỏ, chơi một thứ bóng đá đậm chất cống hiến, và quan trọng nhất là sở hữu một nền tảng đạo đức lành mạnh giữa môi trường thể thao đầy phức tạp và tệ nạn ngày ấy đã khiến không ít ông bầu bóng đá Việt Nam xem lại chính sách đào tạo trẻ của mình.
Sau sự ra đời của lò đào tạo HAGL Arsenal JMG, lần lượt những PVF, Hà Nội T&T, Viettel… đều dường như theo sau tập trung đào tạo trẻ theo hướng chuyên nghiệp, tạo cơ hội cho rất nhiều cầu thủ trẻ có cơ hội theo đuổi niềm đam mê trong môi trường được tạo điều kiện nhiều hơn, với định hướng rõ ràng hơn, cùng nhiều cơ hội để thành công hơn.
Cú bắt tay năm nào của bầu Đức là tiền đề cho thành công hôm nay của bóng đá Việt Nam.
Và cú hích mang tên U19 HAGL đã thực sự thổi bùng tình yêu bóng đá của người hâm mộ Việt Nam, đem khán giả đến sân, lôi kéo được sự quan tâm của truyền thông cũng như dư luận, vực dậy một V.League đang bấp bênh trên bờ vực của sự suy thoái. Với lứa U19 trong tay bầu Đức, sự ganh đua của bóng đá trẻ Việt Nam thực sự đáng xem và mang lại những bước tiến vượt bậc cho bóng đá Việt Nam.
“Quả ngọt” hôm nay mà HLV Park Hang-seo đang gặt hái, không đến từ công khơi rãnh, gieo mầm, chăm bón từ hơn 10 năm về trước, thì còn đến từ đâu nữa? Nếu ngày ấy không có “lá cờ đầu” mang tên Đoàn Nguyên Đức, thì liệu bóng đá Việt Nam có được ngày hôm nay?
Có thể, sự định hướng của bầu Đức về một lối đá đẹp mắt, hoa mỹ là có phần khiến cưỡng. Cũng có thể, đòi hỏi về đạo đức với các cầu thủ như không được phạm lỗi, không được tranh cãi trên sân… có phần hơi xa rời so với đặc trưng của bóng đá. Cũng có thể con đường mà HAGL đang đi khá tách biệt so với những gì HLV Park Hang-seo đang làm với bóng đá Việt Nam.
Nhưng dù cho có như thế đi nữa, trong thế hệ vàng, kỷ nguyên vàng của bóng đá Việt Nam hiện tại, không ai có thể phủ nhận công lao to lớn nhất của bầu Đức, với khát khao cháy bỏng được hiện thực hóa từ 10 năm về trước.
Chiếc huy chương vàng AFF Cup 2018 của mình, HLV Park Hang-seo không tặng lại cho bầu Đức, thay vào đó ông trao cho phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn. Bầu Đức đã làm tất cả có thể cho bóng đá Việt Nam, và đến bây giờ VFF phải tiếp quản nỗ lực ấy, để không phụ lòng người tiên phong của bóng đá Việt Nam, phải không HLV Park Hang-seo?