‘Thành phố cái gì cũng đầy đủ, miễn phí thì ai tội gì đi xa’

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội tại phiên làm việc ngày 12/6 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, thành phố cái gì cũng đầy đủ, miễn phí thì “ai tội gì đi xa”.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương. (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Hà Nội là địa phương duy nhất có Luật, đó là Luật Thủ đô. Năm 2017 của Chính phủ đã có Nghị định số 63 ngày 19/5/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô về một số cơ chế, chính sách tài chính và ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

3 năm thực hiện Nghị định này đã đạt được một số kết quả bước đầu trong việc huy động nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, như báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, các quy định về cơ chế tài chính, ngân sách chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hà Nội.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội đang đứng trước những thách thức về mọi mặt, như việc tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững, tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng về dân số một cách cơ học…

Vì vậy, ông Cương ủng hộ việc xem xét và bổ sung cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, cho phép thành phố Hà Nội huy động nguồn tài chính để đầu tư, phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách cho TP, phù hợp với thực tế phát triển.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô cho kịp thời và phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố trong giai đoạn tới; đề nghị cân nhắc sự tồn tại của Nghị định số 63, bởi vì phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 63 cũng như nghị quyết này của Quốc hội có nội dung trùng nhau.

Trước ý kiến rằng chỉ dành cơ chế đặc thù này cho các tỉnh nghèo và còn nhiều khó khăn để giúp các tỉnh đó vươn lên, Đại biểu Cương lại có ý kiến khác.

Ông phân tích, địa phương nào cũng có đặc thù, nhưng mỗi địa phương có điều kiện khác nhau thì cơ chế cũng có những quy định riêng cho các địa phương này. Cơ chế đặc thù được coi là sự bổ khuyết và cho phép các địa phương năng động hơn để phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Cương, “thời gian gần đây có quá nhiều đặc thù và ít nhiều gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền, đặc lợi”. Từ đó, đại biểu Đoàn Ninh Thuận đề nghị không nên dùng từ “đặc thù” trong văn bản và cân nhắc là bỏ hai từ gọi là “đặc thù” trong dự thảo Nghị quyết.

“Đây cũng không phải sự né tránh mà cơ chế, chính sách cho địa phương nào riêng cho địa phương ấy, chỉ cần ghi là Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính, ngân sách đối với TP Hà Nội, tôi nghĩ là đủ”, ông Cương kiến nghị.

Riêng vấn đề phí và lệ phí gồm cả các loại phí cũng như mức phí thì việc giao cho HĐND TP quyết định mà không quy định mức trần như trong dự thảo trước đây, theo ông Cương là phù hợp bởi rất nhiều nước đã thực hiện.

“Ví dụ như phí đỗ xe ở những đô thị lớn và thủ đô là rất cao. Ở các địa phương lân cận cũng như là các khu đô thị xa trung tâm thì mức phí rất thấp và thậm chí còn làm vệ sinh miễn phí. TP cái gì cũng đầy đủ, cái gì cũng miễn phí thì ai tội gì mà đi xa”, Đại biểu Cương nói.

 

 

 

Theo T.Quyên (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thanh-pho-cai-gi-cung-day-du-mien-phi-thi-ai-toi-gi-di-xa-d126917.html