Người dân cần nhớ một điều, cho đến hiện nay chưa có một biện pháp lưu truyền dân gian nào chữa được bệnh dại được công nhận chữa bệnh dại.
Ám ảnh của bác sĩ
Bệnh nhân nam giới 36 tuổi vào viện trong tình trạng sợ nước, sợ sáng, sợ gió, khó thở, trước đó 1 tháng bị chó cắn. Chỉ với các triệu chứng này, các bác sĩ đã biết bản án tử hình đã dành cho bệnh nhân đó là bệnh dại.
Theo người nhà bệnh nhân bệnh nhân bị chó nhà nuôi đã nhiều năm nay cắn nhiều vết rất sâu ở cổ tay trái. Những ngày trước đó con chó vẫn bình thường, đến hôm cắn chủ thì nổi điên và chảy dãi. Giận quá, bệnh nhân đã đập chết luôn con chó.
Lo lắng sợ bị dại, bệnh nhân đã gặp một thầy lang trong vùng vốn nổi tiếng (theo đường truyền miệng) về biệt tài chữa chó dại cắn để điều trị.
Đến ngày thứ 23, bệnh nhân có cảm giác ngứa ngáy, chân tay tê rần quanh vết cắn dần khiến anh không chịu nổi. Bệnh nhân tiếp tục đến nhà thầy lang để điều trị. Đến ngày thứ 30 bệnh nhân có các triệu chứng ngợp khi uống nước, khi gặp gió dần xuất hiện, những cơn khó thở tăng dần, anh được đưa tới bệnh viện nhưng tất cả đã muộn.
Bị chó cắn nguy cơ dại rất lớn.
Sau khi, bác sĩ giải thích về bệnh cho người nhà, hiểu về bệnh dại, người bệnh này hoàn toàn tỉnh táo để đón nhận cái chết của mình. Bệnh nhân còn chào bác sĩ ở lại để về nhà chờ đón cái chết khiến cho các bác sĩ, điều dưỡng đều ám ảnh.
Lẽ ra, người đàn ông trẻ này cần phải sống để nuôi vợ và ba đứa con thơ nhưng vì thiếu hiểu biết nên đã dẫn tới bệnh dại phát tác. Bệnh dại phát tác thì bác sĩ cũng bó tay không thể cứu nổi người bệnh.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trường hợp của ông N.V. Th (43 tuổi, trú tại Hà Nội) bị chó cắn thay vì đi tiêm phòng vắc xin ông đã đi khám thầy lang và được thử dại. Kết quả thầy lang nói chó này không có dại nên không cần tiêm phòng dại. Ông Th an tâm mình không bị bệnh dại và không ngờ chỉ 20 ngày bệnh nhân lên cơn dại với triệu chứng sợ nước, ánh sáng…
Ông Th được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu, khi vào viện, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo nói chuyện bình thường. Khi bác sĩ nói ông đã bị bệnh dại phát tác và không có loại thuốc nào có thể cứu được mình, ông Th chỉ ngồi khóc vì đã quá chủ quan không tiêm phòng.
Khi cơn dại lên, ông Th co quắp, la hét cầu xin bác sĩ hãy cứu mình. Người thân của ông Th xin được cho ông uống thuốc ngủ nhưng bác sĩ cho biết với bệnh dạ thì thuốc ngủ cũng không có tác dụng.
Căn bệnh tử vong 100 %
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà – nguyên PGĐ Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết bệnh dại tồn tại ở động vật hoang dã chó, mèo, chồn, cáo, ở Việt Nam bệnh dại chủ yếu là chó cắn.
Khi con chó bị dại thường có biểu hiện sợ hãi, chui vào góc tối, bỏ đi lang thang đi vô định. Vì sợ hãi nên luôn luôn có xu hướng tấn công người.
Bệnh nhân dại 100 % là tử vong.
Người bị chó dại cắn tùy thuộc vào vết cắn có trầm trọng không, gần cơ quan thần kinh trung ương không mà thời gian ủ bệnh dài hay ngắn khác nhau, trung bình thời gian ủ bệnh 3 – 4 tháng.
Thạc sĩ Hà cho biết bệnh dại là bệnh tử vong 100% khi đã phát bệnh. Chính vì thế, cách duy nhất đó là tiêm phòng dại khi bị chó mèo cắn.
Nếu bị chó cắn, mèo cào, kể cả liếm vết thương, phải rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy, kèm theo bôi dung dịch sát khuẩn là rất cần thiết. Sau đó cần theo dõi con chó và cần đến trung tâm y tế để được tư vấn tiêm vắc xin và huyết thanh phòng bệnh dại.
Người dân cần nhớ một điều, cho đến hiện nay chưa có một biện pháp lưu truyền dân gian nào được công nhận chữa bệnh dại.
Lo ngại vắc xin dại rất hại, ảnh hưởng tới thần kinh, Thạc sĩ Hà cho biết hiện nay vắc xin dại là vi rút bất hoạt, rất an toàn, chỉ có một số tác dụng phụ ngắn hạn hiếm gặp và thường nhẹ nhàng.
Một số quan niệm cho rằng tiêm vắc xin dại là bị giảm trí nhớ, ngu si, đần độn là hoàn toàn sai lầm. Chỉ cần một mũi tiêm có thể phòng được bệnh dại, vì vậy, thạc sĩ Hà nhấn mạnh đừng sợ điều này để dẫn tới hối tiếc như các bệnh nhân trên.