Cường (36 tuổi) khai đã sử dụng số tiền lớn trong vụ cướp ngân hàng tại Tiền Giang cá độ qua mạng và thua số tiền lớn. Cơ quan điều tra đã thu giữ 3 khẩu súng, 24 viên đạn và số tiền 650 triệu đồng.
Chiều 18/9, Đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết: quá trình điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an đã bắt giữ Châu Cường (36 tuổi), người trực tiếp gây ra vụ cướp ngân hàng tại xã Tân Lý Tây và Trần Ngọc Đức (22 tuổi, cùng ngụ TP.HCM), người bán 2 khẩu súng cho Cường.
Cường bị bắt sau 3 ngày gây ra vụ cướp
Theo phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, chiều 13/9, Cường đeo khẩu trang đến chi nhánh ngân hàng, tay phải cầm vật giống súng ngắn, tay trái cầm vật giống quả lựu đạn khống chế bảo vệ, kế toán.
Nghi phạm cướp số tiền 940 triệu đồng rồi tẩu thoát về hướng TP.HCM. sau 3 ngày điều tra, lực lượng Công an đã bắt giữ Cường và Đức.
3 khẩu súng được cảnh sát thu giữ
Tại nhà Cường, cảnh sát thu giữ 8 điện thoại di động, áo khoác màu đen, đôi giày thể thao, 655 triệu đồng, 2 khẩu súng Rulo và 11 viên đạn. Riêng Đức, sau khi bị bắt đã giao nộp khẩu súng rulo cùng 13 viên đạn. Đức khai đã bán 2 khẩu súng cho Cường, mỗi khẩu 10 triệu đồng.
Đại tá Nguyễn Văn Tảo cho biết, khi bị bắt Cường bị nôn ói, ngất xỉu. Nghi phạm khai do uống thuốc diệt cỏ trước đó nên cơ quan điều tra đưa đến bệnh viện cấp cứu.
“Cường khai, sau khi cướp đã đã dùng tiền tham gia đá gà qua mạng và thua một khoảng tiền lớn nhưng không nhớ rõ bao nhiêu”, đại tá Nguyễn Văn Tảo nói.
Đại tá Nguyễn Văn Tảo thông tin về vụ cướp
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự cũng cho biết, sau khi vụ án xảy ra, Ban giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cùng các Cục nghiệp vụ đã làm hết trách nhiệm, nhanh chóng phá vụ án tìm ra thủ phạm.
“Dù vụ án phức tạp, thủ đoạn tinh vi, che giấu hành vi phạm kỹ nhưng lực lượng chức năng đã làm rất khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả”, Đại tá Lê Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự nói.
Theo đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, qua theo dõi vụ cướp ngân hàng xảy ra tại Tiền Giang và các địa phương khác cho thấy, khi thủ phạm tấn công thì lực lượng bảo vệ chỉ biết làm một việc là bỏ chạy, để lại các nhân viên nữ ngân hàng bị đối tượng khống chế.
Đại tá Lê Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự
“Một chi nhánh ngân hàng có đến 3 bảo vệ nhưng không làm gì hết. Lúc bị cướp thì cả 3 đều bỏ chạy”, đại diện Cục cảnh sát hình sự nói và cảnh báo, các hệ thống ngân hàng, từ tỉnh đến các chi nhánh đặt tại các địa bàn xung yếu như các huyện, xã phải tổ chức lại lực lượng bảo vệ, nhất là kỹ năng ứng xử khi bị tấn công.