Có nên tự tập yoga tại nhà không? Câu trả lời của các huấn luyện viên yoga sẽ là “không” nếu người tập chưa thực sự tìm hiểu về bộ môn này và nắm vững kỹ thuật luyện tập. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự yêu thích yoga và đã trải qua khóa học trực tiếp với huấn luyện viên trước đó thì việc tập luyện tại nhà khá dễ dàng. Xu hướng tập yoga tại nhà đang là lựa chọn của nhiều người khi cuộc sống ngày càng bận rộn. Điều quan trọng là phải có phương pháp luyện tập sao cho an toàn và hiệu quả…
Một giờ học tại Trung tâm yoga Hoài Thu ở TP. Đông Hà -Ảnh: H.N
Chị Thu Hoài (sinh năm 1979), thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, bị bệnh xương khớp nhiều năm. Bên cạnh việc điều trị thuốc tây, các bác sĩ khuyên chị nên tập luyện thể dục nhẹ nhàng để xương khớp mềm dẻo, linh hoạt hơn. Theo lời khuyên của bác sĩ, chị đã tìm lớp yoga để đăng ký học. Tuy nhiên ở thị trấn Hồ Xá, chị không tìm được lớp yoga nào nên phải đăng ký học qua mạng.
Lớp yoga của chị Hoài do một giáo viên ở Hà Nội dạy vào khung giờ 5-6 giờ sáng với khoảng 20 học viên. Trước khi học, chị có trao đổi với huấn luyện viên về tình trạng sức khỏe của mình để lựa chọn phương pháp học phù hợp.
Tuy nhiên, quá trình học chị phải tập theo bài chung của cả lớp chứ không có bài tập riêng. Vì lần đầu làm quen nên chị Hoài gặp khó khăn khi tập luyện nhưng cũng cố gắng theo học hết bài.
Tuy nhiên, càng về sau, bài tập tăng dần độ khó trong khi cơ thể của chị không thể đáp ứng được. Trao đổi với giáo viên yoga thì chị nhận được câu trả lời chung chung: yoga mang lại sự linh hoạt, dẻo dai cho xương khớp nên hãy cứ kiên trì để có hiệu quả. Vậy nhưng càng tập càng đau nên chị Hoài phải bỏ cuộc.
Về sau, chị tải các bài tập nhẹ nhàng hơn trên mạng về tự tập luyện nhưng cũng sớm bỏ cuộc vì sau mỗi lần tập, chị đều cảm thấy nhức mỏi hơn. Tìm hiểu, chị Hoài biết vì căn bệnh xương khớp của mình khá nặng, muốn tập luyện phải có bài riêng và phải được huấn luyện viên hướng dẫn từng động tác một.
Chị chia sẻ: “Để chuẩn bị cho việc tập, tôi sắm sửa thảm, áo quần và một số vật dụng hỗ trợ với số tiền gần 2 triệu đồng. Chưa kể, để học online, tôi phải nộp học phí 3 tháng liền, khi nghỉ coi như mất luôn số tiền đó. Dù tiếc nhưng cơ thể của tôi không thể đáp ứng được các động tác trong những bài tập yoga nếu không được hướng dẫn cụ thể từ huấn luyện viên”.
Xu hướng tập yoga tại nhà hiện được nhiều người lựa chọn bằng cách đăng ký các lớp học yoga online hay tự tập theo các video đăng tải trên youtube. Việc tập yoga tại nhà đem lại nhiều lợi ích cho người tập luyện như linh động thời gian; đa dạng không gian tập luyện (vì có thể tập ở phòng khách, ngoài sân, vườn và ban công, sân thượng); tiết kiệm khá nhiều chi phí, nhất là với những người tập luyện theo hướng dẫn trên youtube.
Vậy nên, lựa chọn phương pháp tập yoga tại nhà thực sự là bài toán kinh tế cho nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh một số ưu điểm, hạn chế của việc tập yoga tại nhà là người tập chỉ có thể thực hiện các động tác đơn giản.
Việc tự tập các tư thế yoga khó dễ gây chấn thương cho cơ thể vì yoga là bộ môn thể dục đòi hỏi sự chính xác rất cao. Bên cạnh đó, việc tập luyện tại nhà khiến người tập dễ nhàm chán, khó duy trì việc tập đều đặn và thường xuyên. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của bài tập.
Là người tập yoga lâu năm, chị Thúy Hằng ở thị xã Quảng Trị chọn cách tập ở nhà để tiết kiệm thời gian. Theo chị Hằng, việc học online giúp chị đỡ đi lại chứ về chi phí học cũng giống như học trực tiếp ở trung tâm. Mỗi tháng chị phải đóng tiền học 350 nghìn đồng, thường đóng từ 2-3 tháng một lần.
“Mặc dù theo đuổi môn yoga khá lâu nhưng tôi vẫn lựa chọn hình thức học với giáo viên chứ không tự tập. Lớp học online của tôi có khá ít học viên nên giáo viên rất chú trọng đến việc sửa tư thế cho từng học viên. Nếu tự tập luyện thì tôi chỉ quẩn quanh với các động tác cũ chứ khó để chinh phục các động tác mới”, chị Hằng cho biết.
Theo huấn luyện viên yoga Di Đan ở TP. Hồ Chí Minh, yoga mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần nhưng tập luyện tại nhà không đúng cách có thể dẫn đến rất hậu quả khó lường, nhất là đối với những người lần đầu tiếp xúc với yoga.
Theo huấn luyện viên này, những vấn đề thường gặp khi tập yoga tại nhà là chấn thương (căng cơ, đau nhức cổ tay, vai, lưng, nặng hơn có thể ảnh hưởng đến dây chằng, các ổ khớp, cột sống và hệ thần kinh).
“Ví dụ như tư thế rắn hổ mang, nếu cổ tay và bàn tay không ở đúng vị trí, người tập có nguy cơ bị đau cổ tay và vai. Tay gập duỗi không đúng sẽ làm đau cùi chỏ. Tư thế vai không đúng cũng sẽ gây ra hàng loạt vấn đề lớn nhỏ cho cơ thể”, huấn luyện viên Di Đan nói.
Do một số hạn chế đó mà nhiều người lựa chọn hình thức học trực tiếp hoặc tập online dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên để thực hiện các động tác một cách chuẩn nhất. Tùy vào tình trạng cơ thể cũng như mục tiêu tập luyện của mỗi người, huấn luyện viên có thể đưa ra các lộ trình tập khác nhau sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, nếu có điều kiện thì người tập vẫn có thể luyện tập yoga tại nhà sau khi được hướng dẫn đầy đủ kiến thức căn bản về yoga. “Muốn tập yoga ở nhà hiệu quả, người tập cần tuân thủ một số nguyên tắc như khởi động kỹ trước khi tập để tăng tuần hoàn máu, làm giãn mạch máu, tăng hoạt động của khối cơ…
Lựa chọn quần áo tập vừa vặn với cơ thể, đảm bảo độ co giãn tốt và thấm mồ hôi vì điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái khi thực hiện các động tác.
Nên lựa chọn không gian tập yên tĩnh, rộng rãi và thoáng mát. Khi tập cần tập trung vào hơi thở, không tập các động tác quá nặng hoặc quá nhẹ.
Đối với những tư thế yoga khó, bạn không nên tự tập ở nhà khi chưa có huấn luyện viên theo sát. Tốt nhất nên dành 15 phút để thư giãn và thả lỏng cơ thể sau mỗi buổi tập nhằm giúp cơ và khớp được phục hồi nhanh nhất”, huấn luyện viên yoga Hoài Thu, TP. Đông Hà, cho biết.