Sáng 8/9, đồng chí Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì hội nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các Sở, ngành triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bùi Văn Quang chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, từ ngày 7/9 đến 7h sáng 8/9, do ảnh hưởng bão số 3 đã gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh, lượng mưa đo được tại các trạm từ 110,8mm đến 267,8mm. Mưa gió đã làm 2 người bị thương, 50 hộ dân tại huyện Thanh Sơn phải di dời, 4 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất tại huyện Đoan Hùng, 178 nhà bị ảnh hưởng do cây đổ, tốc mái; 8 trường học tại TP Việt Trì, huyện Thanh Thủy, Yên Lập, Đoan Hùng, Lâm Thao, Thanh Ba cùng 3 nhà văn hóa, 1 trụ sở UBND xã, 1 nhà xưởng bị tốc mái; một số diện tích lúa, hoa mầu và cây xanh đô thị bị đổ, ngập; thiệt hại 21 lồng cá; đổ 7 cột điện, 12m tường rào cùng một số thiệt hại khác… |
Ngay sau khi có Công điện, Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 5/9/2024; văn bản số 3682/UBND-CNXD ngày 7/9/2024 tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Ngay đầu giờ sáng ngày 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang – Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các sở, ngành triển khai tổ chức kiểm tra hiện trường công tác ứng phó bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành báo cáo công tác triển khai ứng phó báo số 3 và khắc phục hậu quả sau sau mưa bão
Đầu giờ chiều ngày 7/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cùng các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Bộ CHQS tỉnh huy động lực lượng bao gồm hơn 1.000 bộ đội, gần 400 dân quân tự vệ cùng các lực lượng, vật tư phương tiện và các lực lượng xung kích tại các địa phương triển khai các phương án ứng phó. Công an tỉnh huy động hơn 2.000 đồng chí thuộc lực lượng xung kích (Công an xã); 143 đồng chí lực lượng phòng cháy chữa cháy và 234 đồng chí lực lượng cảnh sát giao thông tham gia ứng phó bão số 3.
Các huyện, thành, thị đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3, trong đó đã chủ động chỉ đạo tiêu úng, tập trung thu hoạch hoa mầu, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng…
Sau khi nghe đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh báo cáo tình hình, nghe các Sở, ngành báo cáo công tác triển khai ứng phó bão số 3, dự báo tình hình sắp tới và công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang biểu dương các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương, các lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ… đã chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhờ đó đã giảm được đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra.
Mặc dù tâm bão không vào địa bàn tỉnh, nhưng bão và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa, gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ và địa bàn tỉnh. Thời gian vừa qua, do tình hình mưa lớn, kết hợp xả lũ các hồ thủy điện trong thời gian dài đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ, vở một số tuyến sông trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, các lực lượng chức năng phải theo sát tình hình mưa lũ, nhất là lũ trên sông Bứa. Đặc biệt, lực lượng Quân sự, Công an phải chủ động các phương án, phân công ứng trực tại các vị trí xung yếu; huy động người, phương tiện sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Ngay sau cuộc họp, các thành viên được phân công phụ trách địa bàn và thủ trưởng các Sở, ngành theo nhiệm vụ được phân công chủ động xuống hiện trường nắm bắt, đồng bộ triển khai công tác ứng phó đến tất cả các hoạt động kinh tế trong vùng chịu tác động của mưa lũ.
Để kịp thời ứng phó và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị trực tiếp xuống hiện trường, kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão tại cơ sở. Tiếp tục duy trì lực lượng phòng chống lụt bão, đề cao cảnh giác, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão gây ra.
Chỉ đạo tiêu úng, tập trung thu hoạch hoa mầu, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, nhà ở bị tốc mái… Đặc biệt, do ảnh hưởng hoàn lưu bão gây mưa lớn, dự báo vùng ảnh hưởng do sạt lở đất ở vùng núi và sạt lở bờ, vở sông sẽ tiếp tục tiếp diễn, vì thế cần phải đề cao cảnh giác, chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ cao để chủ động di dời; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Kiểm tra, tổng hợp lại tình hình sạt lở bờ, vở sông báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý sự cố sạt lở tại các huyện Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Thủy.
Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ hồ đập, kiểm tra các công trình xả tràn, xả lũ, chủ động vận hành các cống qua đê, công trình hồ đập, các trạm bơm tiêu để ngăn lũ, tiêu úng kịp thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Đối với hồ Ngòi Giành, mặc dù hiện vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường nhưng do hoàn lưu sau bão thường gây mưa lớn nên phải thực hiện nghiêm công tác tổ chức ứng trực vận hành đảm bảo an toàn, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa và lượng nước đổ về hồ để chủ động vận hành xả nước theo quy trình để đón lũ.