Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường Thanh Hóa được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính thức công bố các quyết định ghi danh 14 di sản ở các tỉnh, thành phố vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường Thanh Hóa được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lịch sử ra đời của Mo Mường gắn với sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường

Trong số 14 di sản được ghi danh lần này, tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của một số huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa được ghi danh.

Mo Mường là di sản văn hóa quý của đồng bào dân tộc Mường. Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện.

Con người từ khi sinh ra, lớn lên đến lúc qua đời phải trải qua nhiều sự kiện lớn, trong các sự kiện đó luôn có sự hiện diện của mo.

Trong các bài văn vần, thơ mo chứa nhiều câu chuyện cổ, truyền thuyết dân gian, thần thoại, sử thi. Các câu chuyện đó phản ánh lịch sử, giải thích sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thời xa xưa.

Hiện nay, Mo Mường được sử dụng chủ yếu trong các tang lễ hay nghi thức cầu sức khỏe, bình an của người Mường.

Thống kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, di sản Mo Mường hiện có tại các tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Hà Nội. Trước đó, trong đợt công nhận đầu tháng Hai năm nay, Mo Mường ở Hà Nội cũng đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp chính quyền nơi có Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Danh sách 14 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được ghi trong trong đợt này gồm:

1- Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường, huyện Mường Lát, huyện Quan Hóa, huyện Quan Sơn, huyện Bá Thước, huyện Lang Chánh, huyện Ngọc Lặc, huyện Thường Xuân, huyện Như Xuân, huyện Như Thanh, huyện Cẩm Thủy, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

2- Nghề thủ công truyền thống Nghề làm muối ớt Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

3- Nghệ thuật trình diễn dân gian Hò giã gạo, huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong, huyện Cam Lộ, huyện Gio Linh, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

4- Lễ hội truyền thống Lễ hội Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

5- Nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thủ công truyền thống của người Ba Na, huyện Kon Rẫy, huyện Đăk Hà, huyện Sa Thày, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

6 – Tri thức dân gian Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương, xã Tân Cương, xã Phúc Trìu, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

7- Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

8 – Lễ hội truyền thống Lễ hội Nghinh Ông, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

9 – Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật Chèo, tỉnh Thái Bình.

10 – Lễ hội truyền thống Lễ hội Núi Văn-Núi Võ, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

11 – Lễ hội truyền thống Lễ hội chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

12 – Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường, huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

13 – Nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn cọi của người Tày, xã Yên Thổ, xã Nam Quang, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

14 – Tri thức dân gian Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

PV

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/dat-va-nguoi/tap-quan-xa-hoi-va-tin-nguong-mo-muong-thanh-hoa-duoc-ghi-danh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/179385.htm