Sau thời điểm YouTube bắt đầu tiến hành “releasing” (tạm dịch là “giải phóng”) các kênh đang hợp tác với Yeah1 và các công ty con từ ngày 22/5/2019, tình hình của Tập đoàn Yeah1 ra sao?
Hàng loạt các biện pháp dự phòng cho sự cố YouTube
Sáng 23/5, Tập đoàn Yeah1 chính thức thông báo về việc thỏa thuận lưu trữ nội dung của Yeah1 Network với YouTube đã không còn hiệu lực.
Ngay lập tức, cổ phiếu YEG giảm sàn 7.500 đồng, chỉ còn 100.500 đồng/cổ phiếu sau khi phiên giao dịch buổi sáng vừa kết thúc.
Lãnh đạo Yeah1 thông báo sẽ làm việc với YouTube và các đối tác để quá trình chuyển đổi được diễn ra thuận lợi và các chiến lươc kinh doanh khác vẫn được duy trì, phát triển.
Trước đó, trong thời gian chờ đợi phản hồi từ YouTube, các công ty thành viên có hoạt động liên quan của Yeah1 sẽ tập trung xây dựng hệ thống kênh mà mình sở hữu, tập trung vào các nội dung trẻ em, thực phẩm, nội dung có tính chất hài hước (“funny content”), mua/hợp tác bản quyền phim các phim của Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
Theo thông cáo gửi đi cuối ngày 9-5, Yeah1 cũng khẳng định phải xin ý kiến của Đại hội đồng cổ đông để bổ sung ngân sách cho HĐQT từ 1,5% lên 3% vì lý do quản trị rủi ro và đáp ứng nhu cầu kiểm soát.
Kế đến, vào giữa tháng 6, HĐQT của Yeah1 có thông qua nghị quyết 1406B về việc trích lập dự phòng 30% cho khoản phải thu khác liên quan đến thương vụ chuyển nhượng vốn tại ScaleLab (tương đương 3,6 triệu USD).
Tại ĐHCĐ năm 2019, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống từng khẳng định với các cổ đông giải pháp mua lại cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp sau sự cố YouTube là khá “đau xót”, có ảnh hướng đến vấn đề tài chính, nhưng sau này có thể bán lại cho nhà đầu tư tiềm năng.
ĐHCĐ thường niên năm 2019 của Tập đoàn Yeah1
Cổ phiếu xuống dốc, mở rộng vay vốn
Tuy nhiên, bất chấp các giải pháp của doanh nghiệp, cổ phiếu YEG trên sàn đã liên tục lao dốc. Hiện tại, giá cổ phiếu YEG có chiều hướng suy giảm trong các phiên giao dịch của tuần vừa qua. Cụ thể, kết thúc ngày giao dịch 19-7, cổ phiếu YEG giảm mạnh còn 78.000 đồng.
Nếu so với thời điểm có các công bố chính thức về thỏa thuận lưu trữ nội dung (23/5), cổ phiếu YEG mất 30% giá trị. Còn nếu so với giá giao dịch kỷ lục phiên chào sàn ngày 26/6/2018 là 300.000 đồng/cổ phiếu thì cổ phiếu YEG trong ngày 19/7/2019 đã giảm đến 74%.
Nếu tính trên 31,28 triệu cổ phiếu YEG đang niêm yết, vốn hóa của doanh nghiệp bốc hơi khoảng 6.944 tỷ đồng.
Trước tình trạng cổ phiếu nằm sàn, vào ngày 19-7, HĐQT của Yeah1 đã ban hành hai nghị quyết 1907A và 1907B, hướng đến những đòn bẩy tài chính.
Trong đó, nghị quyết 1907A thông qua chủ trương bảo lãnh việc cấp hạn mức vay cho các công ty con là công ty CP Quảng cáo truyền thông TNT (6 triệu USD), công ty CP Giải trí Yeah1 (2 triệu USD), công ty CP Phát triển thương hiệu Yeah1 (2 triệu USD).
Bên cạnh đó, nghị quyết 1907B thông qua đề xuất phương án vay vốn của công ty mẹ với hạn mức tín dụng 20 tỷ đồng.
Mục đích của các khoản vay trên được phía Yeah1 khẳng định là “bổ sung vốn lưu động, tối ưu hóa và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Như vậy, nếu tính tất cả các khoản vay bằng ngoại tệ và nội tệ, thì số vốn vay theo kế hoạch dự kiến của Yeah1 là khoảng hơn 250 tỷ đồng.
Các quyết định tài chính nói trên của Tập đoàn Yeah1 diễn ra khi tình hình kinh doanh có dấu hiệu suy giảm, lợi nhuận sau thuế quý 1-2019 giảm đến 79,4% do tăng chi phí, trong đó có chi phí liên quan đến sự cố YouTube.