Dự kiến, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp vào 27/3. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Bất chấp các dấu hiệu tích cực, khả năng các bên không đạt được thoả thuận trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung vẫn hiện hữu, Kevin Nealer, chuyên gia của CSIS, nhận định.
Trung Quốc không thay đổi mục tiêu chiến lược
Trong thời gian gần đây, câu hỏi mà nhiều nhà quan sát đặt ra là: kết cục của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ ra sao sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định tạm hoãn kế hoạch nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hoá Trung Quốc, cũng như triển vọng về một hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 2 nước?
Các cuộc gặp gần đây giữa Washington và Bắc Kinh cho thấy các bên đã đạt được thống nhất sơ bộ về cam kết ổn định tỉ giá, và phần nào là về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và hàng rào phi thuế quan.
Tuy nhiên, đến nay các bên vẫn chưa đạt được thoả thuận về việc Trung Quốc phải mở cửa một số ngành mà Bắc Kinh cho rằng vẫn cần sự bảo hộ từ sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ như ngành viễn thông và ngân hàng.
Tương tự, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất được việc xem xét lại mức độ can thiệp của chính quyền Bắc Kinh ở một số lĩnh vực quan trọng, điều được thực hiện thông qua các doanh nghiệp quốc doanh.
Mục tiêu của chiến lược “Made in China 2025”, vốn được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc trở thành một nền kinh tế chiếm ưu thế trong những công nghệ cao và trực tiếp thách thức sự thống trị của kinh tế Mỹ, vẫn không thay đổi.
Sức ép dồn lên thượng đỉnh Mỹ – Trung cuối tháng 3
Theo ông Kevin Nealer, sức ép kì vọng sẽ dồn lên hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 tới tại Mar-a-Lago.
Quyết định trì hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong khi vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình dự kiến vào 27/3 dường như làm tăng thêm nguy cơ thất bại.
Nếu tình hình tiến triển thuận lợi, trong vài tuần tới, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ thống nhất các vấn đề còn tồn tại liên quan đến cơ chế thực thi và các bộ chỉ số giám sát. Ít nhất, việc đạt được những kết quả này sẽ giúp giảm nguy cơ các bên tiếp tục áp đặt thêm thuế nhập khẩu trong vòng 18 tháng tới.
Tuy nhiên, điều này chỉ là tạm thời. Nếu Bắc Kinh không thể thực hiện được những cam kết về cải cách trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, Washington sẽ tiếp tục các biện pháp đáp trả thương mại.
Tuy nhiên, với những bất đồng còn tồn tại, Trung Quốc khó có khả năng đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu từ phía Mỹ và chỉ có thể đáp ứng các mục tiêu dễ dàng hơn như mua thêm hàng hoá từ Mỹ, mở cửa thị trường Trung Quốc cho công ty Mỹ, cũng như một số biện pháp giám sát các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ và việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc.
Trong trường hợp này, Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ yêu cầu “có qua có lại” trong bất cứ thoả thuận thương mại nào với Mỹ. Trung Quốc có thể sẽ gây áp lực lên Tổng thống Trump về vấn đề liên quan đến Tập đoàn Huawei, cho phép Canada phóng thích Giám đốc tài chính của công ty là bà Mạnh Vãn Chu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng kỳ vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng cụ thể. Nếu điều này không được thực hiện, sẽ rất khó để các lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận một thoả thuận thương mại với Mỹ.
Nguy cơ đổ vỡ là 20%
Ngay trong nội bộ Mỹ, khác biệt về quan điểm trong chính sách thương mại cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định tới kết quả đàm phán thương mại. Trong kịch bản nếu Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò chính trong thoả thuận hạt nhân với Triều Tiên, qua đó hạ bớt các yêu cầu trong thoả thuận thương mại với Bắc Kinh.
Điều này sẽ dẫn đến các phản ứng chỉ trích từ giới cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, những người sẽ nghĩ rằng căng thẳng thương mại với Trung Quốc trong thời gian qua và những biện pháp trả đũa của Trung Quốc lên doanh nghiệp Mỹ là cái giá quá lớn chỉ để đổi lấy việc Trung Quốc mua thêm hàng hoá và một cam kết về mở cửa thị trường.
Tuy nhiên, thoả thuận thương mại Mỹ-Trung với kết quả dưới mức kì vọng sẽ không phải là phương án xấu duy nhất cho căng thẳng hiện nay. Bởi rủi ro về một viễn cảnh 2 bên không đạt được thoả thuận ít nhất sẽ là 20%. Hiện Mỹ vẫn giữ quan điểm cho rằng nước này đang giữ ưu thế với Trung Quốc khi tăng trưởng của Bắc Kinh đang chững lại do tác động từ căng thẳng thương mại với Mỹ.
Điều này sẽ càng khiến Mỹ thiên về hướng áp dụng các biện pháp cứng rắn trong quá trình đàm phán với Trung Quốc ở những tuần tiếp theo, và, trong tình huống xấu: đổ vỡ trong đàm phán và kéo theo đó là kế hoạch thượng đỉnh Mỹ – Triều vào cuối tháng 3, có lẽ nên được tính đến.